Vướng mắc của doanh nghiệp xây dựng
Cơn bão số 3 (Yagi) xảy ra vào tháng 9/2024 tại các tỉnh, thành phố phía Bắc đã làm gián đoạn hoạt động thi công của nhiều công trình xây dựng. Bên cạnh đó, nhiều công trình nhà ở, nhà xưởng sản xuất… bị hư hỏng nặng cần phải sửa chữa và xây dựng mới để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người dân cũng như phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.
Báo cáo xu hướng sản xuất kinh doanh ngành xây dựng mới đây của của Tổng cục Thống kê cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng quý 4/2024 đã khả quan hơn so với quý trước đó. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành.
Giá nguyên vật liệu tăng cao và không có hợp đồng xây dựng mới là 2 yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Nguồn: Tổng cục Thống kê
Theo các doanh nghiệp xây dựng, 2 yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý 4 vừa qua là giá nguyên vật liệu tăng cao và không có hợp đồng xây dựng mới.
Cụ thể, có 45,7% doanh nghiệp cho rằng giá nguyên vật liệu tăng cao là yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh; 44,7% doanh nghiệp gặp khó khăn do không có hợp đồng xây dựng mới.
Bên cạnh đó, một số yếu tố đầu vào cho sản xuất như thiếu vốn, thiếu lao động, thiếu nguyên vật liệu xây dựng cũng đã ảnh hưởng tới hoạt động thi công công trình xây dựng.
Về vốn, có 21,8% doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; 26,3% doanh nghiệp gặp khó khăn do nợ đọng xây dựng cơ bản không được thanh quyết toán đúng kỳ hạn, làm ảnh hưởng tới dòng vốn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Về lao động, 13,2% doanh nghiệp gặp khó khăn do không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu của doanh nghiệp.
Về nguồn cung nguyên vật liệu, có 15,89 % doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng, như không có sự ổn định về giá cả, không cung cấp kịp thời khối lượng nguyên vật liệu cho công trình.
Ngoài ra, có 18,6% doanh nghiệp khó khăn do điều kiện thời tiết không thuận lợi; 16,9% khó khăn do công tác giải phóng mặt bằng chậm; 11,6% doanh nghiệp khó khăn do không biết đến các thông tin đấu thầu nên làm giảm cơ hội ký kết thêm các hợp đồng xây dựng mới.
Hơn 60% doanh nghiệp khó tiếp cận được các gói vay ưu đãi
Liên quan đến khăn của các doanh nghiệp xây dựng, Tổng cục Thống kê cho biết, trong quý 4/2024 có 76,1% doanh nghiệp thực hiện vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.
Theo nguồn vay, có tới 76,2% doanh nghiệp vay vốn qua ngân hàng; 12,4% doanh nghiệp vay qua người thân, bạn bè; 6,9% doanh nghiệp vay tổ chức tín dụng khác; 3,2% doanh nghiệp vay nhân viên ngân hàng, tổ chức tín dụng không qua thủ tục chính thức và 1,3% doanh nghiệp vay từ các nguồn khác.
“Trong số các doanh nghiệp có vay vốn ngân hàng, chỉ có 35,5% doanh nghiệp tiếp cận được các khoản vay ưu đãi, còn lại 64,5% doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn vay ưu đãi”, Tổng cục Thống kê chỉ rõ.
Nhiều doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ về vốn cho sản xuất kinh doanh như được vay vốn ưu đãi, thủ tục vay vốn thuận lợi và nhanh chóng hơn
Trước những khó khăn kể trên, các doanh nghiệp xây dựng đề xuất một số nhóm kiến nghị như được hỗ trợ về nguyên vật liệu như đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá nguyên vật liệu xây dựng.
Nhiều doanh nghiệp cũng đề nghị được hỗ trợ về vốn cho sản xuất kinh doanh như được vay vốn ưu đãi, thủ tục vay vốn thuận lợi và nhanh chóng hơn, giảm lãi suất cho vay; thông tin đấu thầu cần công khai, minh bạch; tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính; bàn giao mặt bằng đúng tiến độ để đảm bảo thời gian thi công đúng hợp đồng đã ký kết.
Ngoài ra, cần có chế tài xử phạt các chủ đầu tư chậm thanh quyết toán nợ đọng xây dựng cơ bản để doanh nghiệp xây dựng quay vòng vốn cho hoạt động kinh doanh.
Năm 2025, các doanh nghiệp nhận định thị trường Bất động sản có nhiều tín hiệu tích cực, đặc biệt là việc triển khai các dự án nhà ở xã hội, tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục pháp lý để cấp phép các dự án cũ. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp xây dựng được ký kết thêm các hợp đồng xây dựng mới.
Vì vậy, doanh nghiệp và nhà thầu xây dựng mong muốn thông tin về các dự án, gói thầu xây dựng được công khai, minh bạch hơn nữa.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện để tham gia các hạng mục xây dựng nhỏ tại địa phương, nhất là những dự án từ nguồn ngân sách địa phương quản lý.