Thị trường phân mảnh
Ghi nhận tại nhiều công trình nhà ở riêng lẻ trong khu vực nội thành Hà Nội như tại phường Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân... giá VLXD đang “leo thang” theo từng đợt đặt hàng. Nhiều người dân cho biết giá cát, đá, thậm chí cả xe vận chuyển vào được công trình cũng bị tính phí cao hơn đáng kể so với khu vực ven đô.
Một đại lý thép trên đường La Thành. Ảnh: Thành Luân
Căn nhà của ông Nguyễn Văn Toàn nằm sâu trong ngõ nhỏ trên phố Trần Quốc Hoàn (phường Cầu Giấy), sau nhiều năm tích cóp, đầu năm 2025, ông quyết định đập bỏ ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ để xây mới ba tầng. Nhưng chưa đầy một tháng sau, bảng chi phí mà ông Toàn soạn sẵn đã trở nên… vô giá trị. Với diện tích mặt bằng chỉ 40m2, công trình của ông Toàn không cần quá nhiều vật liệu. Thế nhưng chi phí đội lên hơn 60 triệu đồng chỉ sau giai đoạn làm móng đã khiến ông phải tính đến việc lược bớt một phòng ngủ trên tầng hai.
Chị Nguyễn Thị Thủy - sống tại phường Khương Đình đang trong quá trình cải tạo lại nhà, ban đầu chỉ định chi khoảng 300 triệu đồng, nhưng giờ đã phát sinh gần 80 triệu đồng vì giá vật liệu leo thang không kiểm soát. Trong quá trình xây nhà 4 tầng trong ngõ nhỏ phố Tôn Thất Tùng, anh Nguyễn Thành Nam (phường Đống Đa) phản ánh: “Chỉ riêng phần móng và tầng 1, chi phí vật liệu đã vượt ước tính ban đầu hơn 60 triệu đồng. Đại lý giải thích giá đá và cát đều tăng, mà do ngõ nhỏ nên xe 3 tấn không vào được, phải thuê xe nhỏ trung chuyển từng chuyến, tính phí riêng”.
Những trường hợp như ông Toàn, chị Thủy, anh Nam không phải là cá biệt. Họ đều là những người không chuyên, không có kỹ sư hay tư vấn lập dự toán, chỉ trông cậy vào “giá quen” hoặc “hỏi người thân”. Nhưng khi thị trường VLXD ngày một biến động và chênh lệch theo vùng, câu chuyện “xây nhà” bỗng trở thành áp lực tinh thần và tài chính với không ít hộ gia đình đô thị.
Không riêng người dân, nhiều nhà thầu thi công dân dụng cũng vấp phải rào cản chi phí do giá vật liệu bị đẩy cao trong nội đô. Ông Trịnh Văn Ngọc – Giám đốc một công ty xây dựng dân dụng tại phường Long Biên chia sẻ, cách đây ba tháng công ty ông nhận thi công một căn biệt thự 4 tầng ở phố Lý Thường Kiệt. Tuy nhiên, chỉ sau ba tuần, mọi tính toán ban đầu đều “phá sản”. “Chúng tôi từng tính toán theo giá trung bình thành phố, nhưng khi thi công ở Hoàn Kiếm, phải thuê xe nhỏ, xe cẩu chuyên dụng, đội giá vận chuyển khiến mỗi khối cát đá đội thêm 10 – 15% chi phí. Nếu không điều chỉnh kịp, rất dễ thua lỗ” - ông Ngọc cho hay.
Theo Công bố số 01.02/2025/CBGVL-SXD của Sở Xây dựng Hà Nội, bảng giá VLXD tháng 6/2025 cho thấy mức chênh lệch đáng kể về giá giữa các khu vực trên địa bàn TP. Nhóm vật liệu có sự biến động lớn nhất là cát và đá – hai loại vật liệu chủ lực trong các công trình hạ tầng và nhà ở dân dụng. Cụ thể, giá cát xây dựng tại các phường nội thành như Ba Đình, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng đang ở mức 345.000 đồng/m³, trong khi tại các xã vùng ven như Thường Tín, Đan Phượng, Ba Vì chỉ vào khoảng 286.000 đồng/m3 – mức chênh gần 21%. Với cát vàng, mức giá nội thành lên tới 697.000 đồng/m3, cao hơn từ 10 – 15% so với các vùng ngoại thành như Sơn Tây, Hoài Đức (605.000 đồng/m3) hoặc khu vực Đông Anh, Gia Lâm (637.000 đồng/m3).
Với đá xây dựng, đặc biệt là đá 1x2 dùng trong đổ bê tông, đá 2x4 dùng trong móng và nền đường, sự khác biệt về giá cũng không kém. Tại nội thành, đá 1x2 có giá 377.000 đồng/m3, trong khi khu vực ngoại thành như Mỹ Đức, Ứng Hòa chỉ có giá 339.000 đồng/m3. Đá dăm cấp phối lớp trên, vật liệu cho kết cấu nền dao động từ 301.000 – 334.000 đồng/m3 tuỳ theo địa bàn.
Sự chênh lệch này, nguyên nhân chính là vị trí địa lý, chi phí vận chuyển, thiếu mặt bằng trung chuyển và cấm tải ở nhiều tuyến phố trung tâm khiến chi phí bị đẩy lên. Điều này phản ánh một thực tế: thị trường VLXD tại Hà Nội đang bị phân mảnh mạnh theo địa bàn, mỗi nơi một mức giá, mỗi công trình một cách tính.
Áp lực lập dự toán
Với các chủ đầu tư và đơn vị thi công, sự phân tầng giá vật liệu không đơn thuần là bài toán kỹ thuật mà đã trở thành một vấn đề quản trị rủi ro tài chính. Các nhà thầu, đặc biệt là nhà thầu sử dụng giá công bố làm cơ sở thanh toán, phải đối mặt với nguy cơ “âm dự toán” nếu không khảo sát sát thực tế hoặc lường trước chi phí phát sinh. Theo quy định tại Thông tư 11/2021/TT-BXD và Thông tư 14/2023/TT-BXD, đơn giá VLXD đến chân công trình cần tính cả các yếu tố vận chuyển, hao hụt, trung chuyển, bảo quản… Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều đơn vị vẫn sử dụng đơn giá niêm yết “cứng”, dẫn tới sai lệch lớn trong hồ sơ dự toán và nghiệm thu.
Một chuyên gia tư vấn dự toán Công ty CP Tư vấn Xây dựng Hà Nội, cho biết: “Có dự án bị kiểm toán loại chi phí vì áp dụng giá cát ven đô cho công trình nội thành. Chỉ riêng giá cát lệch 60.000 đồng/m3 mà khối lượng vài nghìn mét khối đã đội chi phí hàng trăm triệu. Với các công trình vốn ngân sách, đây là rủi ro không nhỏ”. Việc lập dự toán giờ đây không chỉ dựa vào bảng công bố của Sở Xây dựng, mà phải có bộ phận khảo sát riêng từng ngày. Đó là chưa kể, với các dự án sử dụng vốn ngân sách, việc áp dụng sai giá vật liệu có thể bị loại chi phí khi thanh kiểm tra, ảnh hưởng trực tiếp đến giải ngân và tiến độ.
Nhiều DN xây dựng vừa và nhỏ cũng đang rơi vào thế bị động trước biến động giá và sự phân mảnh thị trường vật liệu. Phó Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và xây dựng Hòa Thành Building Đào Đức Thành cho biết, DN triển khai nhiều dự án cùng lúc ở Gia Lâm, Hà Đông, Tây Hồ… mỗi nơi một bảng giá. Không thể dùng chung nhà cung cấp vì chi phí sẽ đội lên, mà phân tán thì lại mất kiểm soát chất lượng. “Cùng một loại cát vàng, nhưng giá giao tại Hà Đông chênh tới 80.000 – 100.000 đồng/m3 so với Chương Mỹ. Hợp đồng đã ký theo dự toán cũ thì nhà thầu phải chịu, không thể điều chỉnh thanh toán sau này được” - ông Đào Đức Thành cho hay.
Một số DN cũng kiến nghị Sở Xây dựng nên phối hợp với Hiệp hội VLXD để xây dựng bản đồ cung ứng vật liệu số, cho phép tra cứu giá trực tiếp theo địa bàn, loại vật liệu, chi phí vận chuyển. Đây sẽ là công cụ giúp giảm sai lệch khi lập dự toán, kiểm soát chi phí đầu tư và minh bạch hơn trong đấu thầu, quyết toán công trình.
Thạc sĩ Luật kinh tế Lê Sơn Tùng cho rằng, việc công bố giá VLXD hiện nay chưa theo kịp thực tế, Hà Nội cần thử nghiệm cơ chế công bố giá động theo vùng, kết hợp bản đồ số hóa điểm cung ứng, cự ly vận chuyển và biểu đồ chi phí phát sinh thực tế. Việc này vừa giúp kiểm soát tốt hơn chi phí đầu tư, vừa minh bạch thông tin cho người dân và nhà thầu. “Thị trường VLXD là tấm gương phản chiếu toàn bộ hệ thống cung ứng đô thị. Khi hạ tầng logistics còn yếu, không có quy hoạch bãi tập kết, thì ‘sốt giá cục bộ’ là điều khó tránh. Và người thiệt thòi luôn là nhóm yếu thế - hộ dân, DN nhỏ” - thạc sĩ Lê Sơn Tùng bày tỏ.
Chênh lệch giá VLXD tại Hà Nội không chỉ là câu chuyện vùng miền hay khoảng cách vận chuyển, mà phản ánh thực trạng quản lý giá thị trường chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa. Đối với nhà thầu, chủ đầu tư hay người dân, bài toán chi phí VLXD đòi hỏi phải được quản trị bài bản, sát thực tế và linh hoạt hơn. Hà Nội cần những bước cải cách mạnh mẽ về công bố giá, tích hợp dữ liệu vận chuyển và tổ chức lại hệ thống kho, bãi vật liệu – để không ai phải gánh chi phí vô lý chỉ vì... ở gần trung tâm.
Để kịp thời chấn chỉnh, xử lý, khắc phục các hạn chế, bình ổn giá cả VLXD và bảo đảm tiến độ thi công các công trình trọng điểm, cũng như đáp ứng nhu cầu xây dựng các công trình, ngày 10/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành Công điện số 85/CĐ-TTg về tăng cường các giải pháp quản lý, bình ổn giá VLXD.