Chia sẻ tại lễ khai mạc Triển lãm VIBE 2024 vào ngày 2/10, ông Bùi Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - cho biết: Trong 8 tháng đầu năm 2024, bất chấp những khó khăn và biến động khó lường về kinh tế, chính trị trên thế giới, kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục ổn định, hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu tăng trưởng khả quan, lạm phát được kiểm soát... Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam trong 8 tháng năm 2024 đạt 10,24 tỷ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng cũng có nhiều biến chuyển tích cực so với năm 2023.
Theo ông Bùi Quang Hưng, với quy mô sản xuất và nhu cầu về tiêu dùng của thị trường nội địa ngày càng lớn, nhưng dường như các doanh nghiệp nội thất trong nước đang tập trung hơn cho thị trường xuất khẩu mà chưa thực sự đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa. Hiện nay, các sản phẩm nội thất cao cấp nhập khẩu từ các nước châu Âu đang chiếm lĩnh thị trường của Việt Nam. Đây là điều rất đáng tiếc vì Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu đồ gỗ lớn trên thế giới.
Ông Bùi Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phát biểu
Trong bối cảnh thị trường khó khăn, thách thức, cơ hội đan xen, ông Bùi Quang Hưng cho biết, Bộ Công Thương đang chủ động phối hợp với các bộ ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 27/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước. Trong đó, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm lớn cả trong và ngoài nước. Đồng thời, quan tâm thích đáng tới hoạt động nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để có thể đáp ứng, bắt nhịp với xu thế sản xuất, tiêu dùng xanh và bền vững của thế giới cũng như cạnh tranh với các sản xuất nhập khẩu tại thị trường nội địa.
Vì vậy, việc tổ chức VIBE 2024 đã đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường và định hướng doanh nghiệp trong việc khai thác thị trường nội địa song song với xuất khẩu. Sự kiện cũng đánh dấu sự liên kết thực tế giữa hai ngành nội thất và xây dựng trong xúc tiến thương mại, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, kết nối giao thương, kích cầu tiêu dùng nội địa đối với các sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất.
Triển lãm VIBE 2024 có quy mô hơn 500 gian hàng, hội tụ 150 nhà triển lãm hàng đầu trong các lĩnh vực nội thất, xây dựng và công nghệ như Nippon, Takara Standard, Vicostone, Phúc Mỹ Gia, Nhà Xinh, Bo Concept… nhằm cung ứng ngành toàn diện dành cho thị trường nội địa thông qua loạt giải pháp trưng bày phong cách - kết nối bền vững - cập nhật thông minh.
Triển lãm VIBE hướng đến 3 tiêu chí: Style (tính phong cách) - Smart (tính thông minh) - Sustainability (tính bền vững). Mô hình triển lãm B2D2C (viết tắt của cụm từ Business to Designer to Consumers) là một điểm khác biệt của VIBE. Trong đó chú trọng đến các đối tượng nhà thiết kế, kiến trúc sư, chủ đầu tư… là cầu nối quan trọng cho các nhà cung cấp đưa những sản phẩm và dịch vụ chất lượng phục vụ thị hiếu đa dạng, thẩm mỹ cao của người tiêu dùng Việt.
Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cũng kỳ vọng, VIBE 2024 sẽ mang đến nguồn sinh khí mới, là đòn bẩy quan trọng cho ngành nội thất và xây dựng Việt Nam phục hồi và ngày càng phát triển mạnh mẽ trong trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ triển lãm, sẽ có 2 hội thảo bao gồm: Hội thảo “Phát triển bền vững - tiến tới Net Zero ngành xây dựng" do ban tổ chức phối hợp với ConsMedia; Hội thảo kiến trúc “Bối cảnh mới - bản sắc mới” do Gallery Architecture kết hợp cùng Ago Hub, KienViet Media. Ban tổ chức cũng hỗ trợ các đơn vị số hoá không gian trưng bày và tham gia triển lãm trực tuyến miễn phí 365 ngày trên nền tảng HOPEFAIRS.COM, giúp các đơn vị tham gia tăng tiếp cận khách hàng xuyên biên giới.
Triển lãm Nội thất và Xây dựng Việt Nam - VIBE 2024 kéo dài đến hết ngày 5/10.