Sử dụng rác thải nhựa làm nhiên liệu cho lò đốt xi măng
Tin tức - Sự kiện 10:35 - 23/04/2024
Nhiều giải pháp đang được áp dụng để giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa. Một trong số đó là sử dụng rác thải nhựa không thể tái chế làm nhiên liệu đốt cho lò nung xi măng.
Ở Việt Nam, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tăng rất nhanh, từ 3,8 kg/năm/người vào năm 1990, hiện nay đã lên tới khoảng 54 kg/năm/người.
Nhiều giải pháp đang được áp dụng để giải quyết tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa. Một trong số đó là sử dụng rác thải nhựa không thể tái chế làm nhiên liệu đốt cho lò nung xi măng. Đây là giải pháp thử nghiệm đầu tiên tại Nhà máy Xi măng Nam Thạch, Quảng Ninh, được đánh giá hiệu quả cả kinh tế và môi trường.
Hơn 200 tấn chất thải nhựa đầu tiên của làng nghề nhựa Minh Khai, Hưng Yên và làng nghề Tràng Minh, Hải Phòng đã được mang đến Nhà máy Xi măng Nam Thạch, Quảng Ninh, để sử dụng làm nhiên liệu cho lò đốt sản xuất xi măng.
"Đốt rác trong dây chuyền sản xuất xi măng gọi là đồng xử lý, có nghĩa là trong quá trình nung luyện clanhke, rác được cấp thêm trong quá trình thực hiện. Hiện chúng tôi đang sử dụng rác thay thế 35 - 40% lượng than", ông Trần Hữu Quỳnh, Phó Giám đốc Nhà máy Xi măng Nam Thạch, Quảng Ninh, cho biết.
Tại Việt Nam, chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tăng rất nhanh, từ 3,8 kg/năm/người vào năm 1990, hiện nay đã lên tới khoảng 54 kg/năm/người. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Đây không phải lần đầu tiên đơn vị này sử dụng nhiên liệu khác thay thế cho nhiên liệu than, trước đó là chất thải công nghiệp và lần này là rác nhựa. Thử nghiệm cho thấy, rác thải nhựa có thể bắt cháy trong buồng đốt và nhiệt độ lên đến 1.100 độ C, đảm bảo nhiệt độ lò nung. Nếu công nghệ truyền thống tiêu tốn 150 tấn than cám cho 1 tấn clanke, thì hiện nay, khi sử dụng thêm rác thải nhựa làm nhiên liệu, lượng tham cám giảm, còn khoảng hơn 100 tấn.
"Đối chứng khi sản xuất không sử dụng chất thải kết quả ban đầu cho thấy những thông số đo nhanh đều nằm trong giới hạn cho phép và tương đương với khi sử dụng bằng nguyên liệu than cám. Chất thải được phân hủy nhanh chóng, không phát sinh ra những chất khí độc hại", ông Vũ Trọng Hiệt, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Xi măng Xây dựng Quảng Ninh, cho hay.
Sử dụng rác nhựa để giảm than là giải pháp Na Uy đang hỗ trợ Việt Nam thực hiện.
"Ngành xi măng Na Uy đã thay thế 75% than bằng chất thải. Chúng tôi là đối tác của Việt Nam trong Quan hệ đối tác Chuyển dịch năng lượng công bằng. Vì vậy, chúng tôi rất vinh dự được hỗ trợ các bạn để chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng", thông tin.
Ngành xi măng của Việt Nam đang sản xuất 100 triệu tấn xi măng mỗi năm và sử dụng khoảng 10 triệu tấn than, đồng nghĩa với khoản chi phí cho nhiên liệu khá lớn. Giải pháp sử dụng rác thải nhựa làm nhiên liệu kỳ vọng có thể áp dụng rộng rãi để giải quyết cả bài toán kinh tế cho doanh nghiệp và vấn đề rác thải cho làng nghề, lớn hơn nữa là giải quyết bài toán khí hậu Việt Nam và nhiều quốc gia cùng cam kết.