
Chưa tự tin và khó chỉ định thiết kế
Việt Nam đang có khoảng 2.500 cơ sở sản xuất gạch xây không nung với tổng công suất thiết kế khoảng 15 tỷ viên quy tiêu chuẩn/năm. Sản lượng tiêu thụ vật liệu xây không nung (VLXKN) ngày càng sụt giảm nghiêm trọng. Sản lượng tiêu thụ VLXKN năm 2019 là 4,8 tỷ viên thì đến 11 tháng năm 2023 sản lượng sản xuất VLXKN ước đạt khoảng 2,8 tỷ viên (giảm khoảng 5% so với năm 2022), sản lượng tiêu thụ đạt khoảng 2,7 tỷ viên (giảm 4,5% so với cùng kỳ 2022).
Trong khi đó, nếu như tổng công suất gạch đỏ khoảng 25 tỷ viên/năm cho khoảng 4.000 nhà máy thì con số của VLXKN là 2.500 nhà máy cho 15 tỷ viên/năm.
Như vậy, mục tiêu của Chính phủ đang gặp nhiều trở ngại khi đẩy mạnh sản xuất và sử dụng VLXKN thay thế một phần gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 35 - 40% vào năm 2025, 40 - 45% vào năm 2030 trong tổng số vật liệu xây...
Đưa VLXKN vào công trình nhà cao tầng đang gặp trở ngại. Ảnh minh họa
Theo ông Võ Minh Đức - Phó chủ tịch Hiệp hội Xây dựng tỉnh Bình Dương, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến việc sản xuất và tiêu thụ VLXKN gặp khó có thể thấy ngay tại khâu thiết kế. Một bộ phận kiến trúc sư và kỹ sư xây dựng chưa tự tin và khó chỉ định thiết kế, dự toán khối lượng VLXKN cho công trình. Các đơn vị tư vấn thiết kế vẫn quen dùng thông số kỹ thuật của gạch nung, do đó khi đưa VLXKN vào công trình thì e ngại phải thay đổi thiết kế.
Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn sản phẩm, quy chuẩn xây dựng kết cấu, kiến trúc, đơn giá xây dựng của nhiều loại VLXKN chưa được ban hành đồng bộ, đầy đủ.
Ngoài ra, việc thuyết phục chủ đầu tư lựa chọn VLXKN cũng là một rào cản lớn đối với cơ quan tư vấn, bởi trên thực tế giá VLXKN chưa được tính đúng, tính đủ vào giá thành xây dựng. Ví dụ, việc tính một tấm panel có kích thước gấp 8 lần viên gạch thường được tính thi công nhanh hơn 8 lần là không chính xác. Bởi 1 viên gạch chỉ cần 1 người thợ là có thể xây, còn 1 tấm panel thì ít nhất phải có 2 người, chưa kể phải tính toán và có các phụ kiện để khớp nối.
Đặc biệt, đối với đơn vị thi công, việc sử dụng VLXKN đòi hỏi kỹ năng xây tô, lắp đặt khác với truyền thống nên nhà thầu và thợ xây dựng gặp không ít khó khăn trong quá trình thi công; khi gặp sự cố xây dựng, gạch đỏ dễ dàng phá đi xây lại còn VLXKN phải cần đến máy khoan cắt mới phá được; nhiều loại VLXKN mới chưa được ban hành chỉ dẫn kỹ thuật, biện pháp thi công, nghiệm thu… cũng gây lúng túng, bất tiện.
Nhà thầu, thợ xây dựng gặp không ít khó khăn trong quá trình thi công. Ảnh minh họa.
Nhiều doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất
Theo ý kiến của một số chuyên gia trong ngành Xây dựng, từ khi xuất hiện tại thị trường Việt Nam, tiêu thụ VLXKN đã gặp khó cho đến hiện nay. Mặc dù việc sử dụng loại vật liệu này có nhiều ưu điểm: Giảm phát thải nhà kính, thân thiện môi trường… nhưng cũng bộc lộ nhiều khuyết điểm trong thời gian đầu xuất hiện trên thị trường miền Bắc liên quan đến việc hấp thụ nhiệt, độ ẩm, thoát hơi, tỏa nhiệt đều không như gạch đỏ, dẫn đến một số công trình vào mùa nồm tường và nền nhà bị ướt như toát mồ hôi.
Thêm vào đó, giá thành VLXKN thường cao hơn, trung bình khoảng 40% nên cũng khó thuyết phục người sử dụng. Từ các thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM hay đến các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Dương, Huế, Tây Ninh… là nơi có nhà máy sản xuất đều gặp khó về tiêu thụ.
Mặc dù ra đời sau nhưng so với gạch đỏ thì công suất của các nhà máy VLXKN không lớn, sản xuất còn mang tính manh mún. Điều này xuất phát từ thực tế khó tiêu thụ nên các doanh nghiệp không thể đầu tư nhiều.
EON Bình Dương sử dụng sản phẩm VLXKN của Công ty CP HASS.
Hiện trên địa bàn TP Tân Uyên tỉnh Bình Dương có Công ty CP Hass đã đầu tư sản xuất gạch bê tông khí chưng áp AAC, tấm bê tông nhẹ panel ALC là với công suất thiết kế đạt 180.000 - 200.000 m3/năm. Tại 9 huyện, thị xã, thành phố của Bình Dương cũng có nhiều cơ sở, nhà máy sản xuất sản xuất gạch xi măng cốt liệu với tổng công suất đạt khoảng 220 triệu viên/năm.
Riêng tại huyện Bắc Tân Uyên, tập trung nhiều doanh nghiệp lớn như: Công ty CP VietCem; Công ty CP VLXD Biconsi; Công ty TNHH Phước Phú Thành, chiếm khoảng 70% công suất nguồn cung VLXKN toàn tỉnh.
Tuy nhiên, tình hình sản xuất VLXKN trên địa bàn đang có dấu hiệu giảm và rất khó khăn. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất, một số doanh nghiệp hoạt động 30 - 50% công suất do nguồn nguyên liệu đầu vào tăng, sản lượng tiêu thụ giảm.
Hạn chế sử dụng đất nông nghiệp làm đất sét nung
Dưới góc độ của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, ông Bồ Kỹ Thuật - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết, một trong những nguyên nhân khiến tình hình sản xuất và tiêu thụ VLXKN gặp khó khăn là do chất lượng gạch cũng như tập quán sử dụng của người dân khó thay đổi.
Mặt khác, trọng lượng gạch xi măng cốt liệu lớn và nặng hơn nhiều so với gạch đất sét nung nên việc vận chuyển, thi công trên cao gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khi thi công xây các cấu kiện phức tạp, các cấu kiện có tính chất khi hoàn thiện phải neo vào khối xây và làm tăng tải trọng bản thân của công trình.
Giá thành gạch không nung cũng còn cao, riêng gạch bê tông khí chưng áp có giá cao gấp đôi. Việc sử dụng vữa đặc chủng để xây, trát cũng còn đắt và còn phụ thuộc vào một số các nhà sản xuất nên cũng ảnh hưởng khá lớn đến việc tiêu thụ loại gạch này tại các công trình không sử dụng vốn ngân sách.
Theo đó, trên thực tế, việc tuân thủ sử dụng VLXKN (quy định tại Thông tư số 13/2017/TT-BXD ngày 08/12/2017 của Bộ Xây dựng quy định sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng) chủ yếu được bảo đảm ở các công trình sử dụng vốn NSNN, mặc dù đã có không ít chủ đầu tư áp dụng, tuân thủ đúng pháp luật về sử dụng VLXKN vào các công trình xây dựng vốn tư nhân từ 9 tầng trở lên.
Riêng ở Bình Dương, trong những năm 2020-2023, Công ty CP Địa ốc Bcons là chủ đầu tư của các dự án như: Chung cư Bcons - Suối Tiên, chung cư Bcons Miền Đông, chung cư An Bình… trong quá trình xây dựng đã sử dụng gạch xi măng cốt liệu với tỷ lệ sử dụng 81 - 82,5% so với tổng khối xây. Công ty CP BĐS Phú Mỹ Hiệp - là chủ đầu tư của chung cư Tân Hòa, chung cư Nội Hóa và chung cư Đông Tân cũng sử dụng gạch xi măng cốt liệu, gạch bê tông khí chưng áp (AAC) với tỷ lệ sử dụng đạt từ 80,5 - 85% so với tổng khối xây…
Ông Bồ Kỹ Thuật kiến nghị, trong thời gian tới, nhà nước cần có những giải pháp về cơ chế chính sách như hạn chế tối đa việc sử dụng đất nông nghiệp làm nguyên liệu sản xuất gạch đất sét nung; ban hành đồng bộ, chi tiết các chính sách ưu đãi sử dụng phế thải công nghiệp sản xuất VLXKN và quản lý chặt chẽ việc sử dụng VLXKN tại các công trình xây dựng. Đồng thời, công bố và ban hành đầy đủ tiêu chuẩn liên quan đến thiết kế, thi công, nghiệm thu… tại các công trình sử dụng VLXKN…
Trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện vẫn còn 26 mỏ sét gạch ngói được cấp phép với diện tích chiếm đất là 579,66 ha và công suất khai thác được cấp là 3,576 triệu m³/năm.
Bình Dương cũng là tỉnh đáp ứng trên 65% việc cung cấp VLXD gồm: Đá xây dựng, vật liệu san lấp, gạch xây cho thị trường TP.HCM, các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ.