Để tìm hiểu về các khó khăn, vướng mắc và giải pháp để thúc đẩy hoạt động đồng xử lý chất thải trong lò nung xi măng, Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc phỏng vấn bà Dương Thị Kiều, Giám đốc INSEE Ecocycle (thuộc Công ty INSEE Việt Nam).
Bà Dương Thị Kiều, Giám đốc INSEE Ecocycle.
PV: Thưa bà, công nghệ đồng xử lý chất thải vào lò nung xi măng của INSEE Việt Nam có thể xử lý những loại chất thải nào?
Giám đốc INSEE Ecocycle Dương Thị Kiều: Hiện nay, INSEE Việt Nam đang áp dụng công nghệ đồng xử lý chất thải trong lò nung xi măng. Chúng tôi được cấp phép xử lý hơn 700 loại chất thải khác nhau bao gồm chất thải nguy hại, chất thải không nguy hại, chất thải sinh hoạt đã qua phân loại và chất thải sinh khối. Để đảm bảo chất thải được xử lý một cách an toàn, triệt để và đảm bảo chất lượng sản phẩm xi măng, chúng tôi áp dụng đồng xử lý theo một quy trình nghiêm ngặt bao gồm 5 bước.
Bên cạnh quy trình kiểm soát nghiêm ngặt, trong suốt quá trình đồng xử lý chất thải trong lò nung xi măng, hệ thống quan trắc khí phát thải trực tuyến được thực hiện liên tục 24/7 và kết nối với Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương nhằm đảm bảo tuân thủ các chính sách về an toàn, môi trường và vận hành hiệu quả theo một cách hoàn toàn minh bạch.
PV: Công nghệ đồng xử lý chất thải mà INSEE Ecocycle đang sử dụng đã được nhiều tổ chức quốc tế công nhận là công nghệ xử lý chất thải an toàn, thân thiện với môi trường. Vậy công nghệ này có ưu điểm như thế nào so với hoạt động chôn lấp và đốt rác thải?
Giám đốc INSEE Ecocycle Dương Thị Kiều: Công nghệ đồng xử lý chất thải của INSEE Ecocycle có nhiều ưu điểm nổi bật so với chôn lấp và đốt rác thải.
Thứ nhất, đồng xử lý là quá trình tích hợp chất thải vào dây chuyền sản xuất xi măng, thay thế nguyên liệu thô và nhiên liệu hóa thạch bằng chất thải không thể tái chế. Điều này không chỉ giúp loại bỏ hoàn toàn chất thải mà còn không tạo ra tro xỉ hay các chất thải thứ cấp, vốn là vấn đề trong công nghệ đốt chất thải tại các nhà máy năng lượng.
Đặc biệt, nhờ nhiệt độ cao và ổn định trong lò nung xi măng (trên 1.450°C) và thời gian lưu khí dài ở nhiệt độ đó, các chất gây hại như dioxin và furan sẽ được phá hủy hoàn toàn, đảm bảo không gây tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Thứ hai, so với hoạt động chôn lấp, giải pháp đồng xử lý không gây chiếm dụng đất đai, không thải ra khí methane – một trong những khí nhà kính. Điều này giúp giảm áp lực lên tài nguyên đất và giải quyết được vấn đề rò rỉ chất thải, nước rỉ rác và ô nhiễm ngầm mà bãi chôn lấp thường gây ra.
Thứ ba, đốt rác phát điện thường để lại lượng lớn tro xỉ sau quá trình đốt, chiếm khoảng 20 - 30% khối lượng ban đầu của chất thải. Tro xỉ này cần được xử lý một cách an toàn vì chứa nhiều kim loại nặng và chất độc hại, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nếu không được quản lý đúng cách. Trong khi đó, công nghệ đồng xử lý không có tro xỉ thải ra sau quá trình xử lý, do tất cả vật liệu được tích hợp hoàn toàn vào sản phẩm xi măng, giúp giảm gánh nặng xử lý tro xỉ và nguy cơ ô nhiễm thứ cấp.
Nhìn chung, công nghệ đồng xử lý chất thải của INSEE Ecocycle không chỉ là giải pháp bền vững và thân thiện với môi trường mà còn là giải pháp toàn diện giúp giảm thiểu chất thải, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.
|
Công nghệ đồng xử lý chất thải có nhiều ưu điểm nổi bật so với giải pháp chôn lấp hay đốt rác thải. |
PV: INSEE đánh giá như thế nào về tiềm năng đồng xử lý chất thải trong lò nung xi măng tại Việt Nam?
Giám đốc INSEE Ecocycle Dương Thị Kiều: Chúng tôi đánh giá tiềm năng đồng xử lý chất thải trong lò nung xi măng tại Việt Nam là rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu xử lý chất thải ngày càng tăng do lượng chất thải công nghiệp và sinh hoạt ngày càng tăng lên. Khung pháp lý cũng dần chặt chẽ hơn.
Các phương pháp xử lý truyền thống như chôn lấp và đốt rác đang phổ biến nhưng lại có nhiều hạn chế về tính bền vững và tác động tiêu cực đến môi trường. Giải pháp đồng xử lý không chỉ giúp tiêu hủy triệt để các loại chất thải khó tái chế ở nhiệt độ cao, mà còn tận dụng nhiệt lượng từ chất thải để thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch, giúp giảm đáng kể lượng phát thải CO2, giảm áp lực lên các bãi chôn lấp và góp phần thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2050 của Việt Nam.
Bên cạnh đó, sự hỗ trợ từ Chính phủ và khung pháp lý ngày càng chặt chẽ hơn đối với hoạt động quản lý và xử lý chất thải sẽ khuyến khích các doanh nghiệp xi măng và các ngành công nghiệp khác đầu tư vào công nghệ đồng xử lý nhằm xử lý chất thải một cách hiệu quả và thân thiện với môi trường.
Với xu hướng phát triển bền vững và sự quan tâm từ cả Chính phủ lẫn các tổ chức quốc tế, tiềm năng hợp tác giữa các doanh nghiệp xi măng và các ngành công nghiệp khác trong việc xử lý chất thải ngày càng lớn hơn. Đồng xử lý không chỉ giúp doanh nghiệp xi măng gia tăng hiệu quả kinh tế mà còn tạo ra các giá trị xã hội thông qua việc đóng góp vào nền kinh tế tuần hoàn.
Nhìn chung, đồng xử lý chất thải trong lò nung xi măng tại Việt Nam không chỉ là một giải pháp tiềm năng mà còn là một bước đi chiến lược, mang lại nhiều lợi ích về môi trường, kinh tế và xã hội trong tương lai.
PV: Để khuyến khích các doanh nghiệp xi măng tham gia thị trường đồng xử lý chất thải, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm của các nước phát triển như thế nào?
Giám đốc INSEE Ecocycle Dương Thị Kiều: Sự hỗ trợ của Chính phủ cho các sáng kiến như công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) và việc thực thi nghiêm ngặt Luật Bảo vệ môi trường là rất quan trọng để khuyến khích các doanh nghiệp duy trì hành động đúng đắn trong quản lý chất thải.
Cách tiếp cận này giúp đảm bảo rằng thị trường quản lý chất thải đủ giá trị để các nhà sản xuất xi măng và doanh nghiệp đầu tư vào thiết bị và quy trình quản lý chất thải hiệu quả.
Các hoạt động đối thoại công - tư là yếu tố then chốt ở nhiều quốc gia, góp phần đảm bảo việc đồng xử lý được công nhận là giải pháp tối ưu cho xử lý chất thải. Mặc dù đồng xử lý đã được chấp nhận và đánh giá cao tại nhiều nước trong hơn 50 năm qua, nhưng phương pháp này vẫn cần đến sự đào tạo cho khách hàng và các buổi giới thiệu chi tiết cho các cơ quan chức năng nhằm xây dựng lòng tin cần thiết cho việc triển khai công nghệ.
|
Công nghệ đồng xử lý chất thải tại Việt Nam có 2 vướng mắc chính là nguồn chất thải đầu vào chưa được đảm bảo và chi phí đầu tư cao. |
PV: INSEE đánh giá việc áp dụng công nghệ đồng xử lý chất thải vào lò nung xi măng tại Việt Nam đang gặp những khó khăn, vướng mắc nào? Để tháo gỡ những khó khăn nêu trên, chúng ta nên thực hiện những giải pháp nào?
Giám đốc INSEE Ecocycle Dương Thị Kiều: Theo tôi, vướng mắc lớn nhất của đồng xử lý tại Việt Nam hiện nay nằm ở hai yếu tố chính.
Vướng mắc thứ nhất là nguồn chất thải đầu vào chưa được đảm bảo. Giải pháp đồng xử lý đòi hỏi nguồn chất thải phải được phân loại và xử lý đúng quy chuẩn để đạt hiệu quả tối ưu. Tuy nhiên, việc phân loại chất thải tại Việt Nam vẫn chưa được thực hiện đồng bộ và triệt để. Điều này không chỉ làm giảm hiệu suất của quy trình đồng xử lý mà còn tăng chi phí vận hành do phải bổ sung quy trình để sàng lọc, phân loại cũng như xử lý các chất thải không đạt chuẩn.
Vướng mắc thứ hai là chi phí đầu tư cao. Quá trình đồng xử lý yêu cầu các công nghệ hiện đại và quy trình chặt chẽ, từ việc kiểm soát nguồn chất thải đến quản lý khí thải để đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn về an toàn và môi trường. Điều này đòi hỏi một khoản đầu tư lớn, không chỉ ở giai đoạn ban đầu mà còn trong quá trình vận hành liên tục.
Câu chuyện này đặc biệt khó khăn trong bối cảnh các phương pháp khác như chôn lấp hay đốt rác vẫn phổ biến tại Việt Nam nhờ chi phí thấp hơn đáng kể. Dù các giải pháp đó có nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, nhưng tính khả thi về tài chính trước mắt lại khiến chúng được ưu tiên lựa chọn. Điều này khiến giải pháp đồng xử lý rơi vào thế khó trong việc cạnh tranh, dù có lợi ích dài hạn về môi trường và tài nguyên.
Theo tôi, EPR vẫn là một khái niệm mới mẻ tại Việt Nam. Hạ tầng tái chế hiện tại cũng gặp nhiều thách thức về công nghệ khiến việc xử lý đa dạng các loại vật liệu trở nên khó khăn hơn.
Trong bối cảnh chuyển đổi này, chúng tôi khuyến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành xem xét công nghệ đồng xử lý như một giải pháp tối ưu. Đặc biệt, đối với các loại nhựa có giá trị thấp và chưa có giải pháp tái chế hiệu quả, thay vì chôn lấp, việc xử lý chúng thông qua đồng xử lý trong lò nung xi măng không chỉ giúp thu hồi năng lượng một cách an toàn mà còn góp phần giảm thiểu tác động đến môi trường.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!