Sáng 12/4, Tổng công ty Xây dựng Số 1 - CTCP (CC1) phối hợp cùng một số hiệp hội và doanh nghiệp tổ chức Hội thảo khoa học: “Giải pháp cầu cạn cho hạ tầng giao thông khu vực phía Nam”.
Giải pháp cầu cạn trở nên khả thi hơn
Phát biểu khai mạc, TS Phan Hữu Duy Quốc - Chủ tịch Hội đồng Quản trị CC1, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bê tông Việt Nam nhấn mạnh tính cấp thiết của giải pháp cầu cạn trong việc phát triển hạ tầng giao thông Việt Nam, đồng thời chia sẻ tâm huyết của mình cùng CC1 trong thúc đẩy ứng dụng giải pháp cầu cạn với những ưu điểm vượt trội cho sự phát triển bền vững của hạ tầng giao thông.
TS Phan Hữu Duy Quốc - Chủ tịch Hội đồng Quản trị CC1, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bê tông Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo.
Theo TS Phan Hữu Duy Quốc, sự tiến bộ của khoa học công nghệ trong lĩnh vực xây dựng và giao thông trong thời gian gần đây khiến cho giải pháp cầu cạn trở nên khả thi hơn trước rất nhiều.
Bên cạnh đó, chi phí xây dựng không nên được coi là tiêu chí duy nhất để so sánh lựa chọn giải pháp tối ưu, mà các yếu tố tác động của công trình giao thông đến môi trường tự nhiên, môi trường sống và yếu tố phát triển bền vững cần được xem xét một cách thấu đáo.
ThS Nguyễn Trọng Nghĩa - TGĐ Công ty CP Tư vấn và đầu tư Invest Global.
Tại Hội thảo, ThS Nguyễn Trọng Nghĩa - TGĐ Công ty CP Tư vấn và đầu tư Invest Global đề xuất giải pháp cầu bản trên cọc PRC V+ với ưu điểm vượt trội như: Thi công nhanh, chi phí thấp, thân thiện với môi trường, đồng thời thích hợp cho các địa hình khó khăn.
Việc sử dụng bê tông HPC và cầu bản trên cọc PRC V+ sẽ đảm bảo tính khả thi trong việc xây dựng đường cao tốc, bảo vệ môi trường và thích ứng với BĐKH. Giải pháp cũng giúp giảm chi phí giải phóng mặt bằng và có thể tái sử dụng đất sau khi thi công.
ThS Nguyễn Trọng Nghĩa đồng thời đề xuất giải pháp tàu điện bánh lốp chi phí thấp và xây dựng đô thị sinh thái ven sông cũng đóng góp vào việc giảm nợ công và thích ứng với BĐKH.
Theo ThS Nguyễn Trọng Nghĩa, giải pháp ứng dụng cầu bản trên cọc PRC V+ là một sáng kiến kỹ thuật được nghiên cứu, thử nghiệm và phát triển bởi ông Nguyễn Hữu Đường - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hòa Bình. Kết cấu này được thiết kế theo sơ đồ chịu lực mố trụ dẻo, sử dụng cọc bê tông PRC kết hợp với dầm bản bê tông cường độ cao nhằm đảm bảo tính ổn định, bền vững và tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng. Giải pháp đã được đề xuất và kiểm chứng thông qua các tính toán lý thuyết cũng như thực nghiệm thực tế.
Giải pháp ứng dụng cầu bản trên cọc PRC V+ là một sáng kiến kỹ thuật được nghiên cứu, thử nghiệm và phát triển bởi ông Nguyễn Hữu Đường - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hòa Bình.
Sau quá trình nghiên cứu triển khai thiết kế, Công ty TNHH Hòa Bình đã lựa chọn xây dựng thử nghiệm một đoạn tuyến trong khu phi thuế quan Xuân Cầu, TP Hải Phòng (tuyến D3A) nhằm đánh giá hiệu quả ứng dụng thực tiễn của kết cấu này.
Những vật liệu, công nghệ móng cọc tiên tiến
Bên cạnh đó, ThS Nguyễn Trọng Nghĩa đồng thời nhấn mạnh những ưu điểm vượt trội của bê tông cường độ cao (HSC) và bê tông cường độ siêu cao (UHPC) là những vật liệu tiên tiến đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong các công trình hạ tầng hiện đại.
Với đặc tính chịu nén cao, độ đặc chắc lớn và khả năng chống thấm vượt trội, UHPC mang lại độ bền lâu dài, đặc biệt phù hợp với các công trình xây dựng tại khu vực ven biển, vùng có môi trường xâm thực mạnh.
UHPC không chỉ giúp tăng khả năng chịu lực, vật liệu này còn cho phép giảm kích thước kết cấu, vượt nhịp lớn, giảm tĩnh tải, từ đó tối ưu thiết kế nền móng. Việc sử dụng UHPC giúp tiết kiệm vật liệu, giảm phát thải CO₂, rút ngắn thời gian thi công, giảm nhân lực mà vẫn đảm bảo chất lượng công trình.
Giải pháp cầu cạn sử dụng dầm bê tông DUL bê tông cường độ cao (HSC) và bê tông cường độ siêu cao (UHPC).
Ngoài ra, tính thẩm mỹ và tuổi thọ cao cũng là những điểm cộng nổi bật, với các kết cấu thanh mảnh, hiện đại, phù hợp xu hướng kiến trúc bền vững.
Với loạt ưu thế đó, giải pháp cầu cạn sử dụng dầm bê tông DUL cường độ cao HPC được đánh giá là rất khả thi, vượt trội so với phương án đắp nền truyền thống trong thi công hạ tầng giao thông hiện nay.
ThS Lữ Triều Dương - Giám đốc Kỹ thuật Công ty CP Đầu tư Phan Vũ.
ThS Lữ Triều Dương - Giám đốc Kỹ thuật Công ty CP Đầu tư Phan Vũ giới thiệu các công nghệ móng cọc hiện đang áp dụng tại Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam, cùng định hướng ứng dụng vào các dự án giao thông quy mô lớn tại Việt Nam trong tương lai gần.
Đặc biệt, ThS Lữ Triều Dương đề cập đến các loại cọc cải tiến như PRC, SC… mang lại hiệu quả vượt trội về độ bền, khả năng chịu lực và tính kinh tế; giới thiệu những công nghệ thi công hiện đại như khoa hạ có khả năng thích ứng linh hoạt với nhiều điều kiện địa hình - địa chất khác nhau trên cả nước.
Cầu dầm bản lắp ghép nhịp nhỏ trên cọc.
Theo ThS Lữ Triều Dương, giải pháp cọc BTLT không chỉ giúp tối ưu tiến độ và chi phí đầu tư, mà còn đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe, góp phần đảm bảo tính bền vững và an toàn lâu dài cho các công trình hạ tầng giao thông chiến lược.
Tin tưởng rằng, với những vật liệu, công nghệ móng cọc tiên tiến này sẽ góp phần thúc đẩy việc áp dụng giải pháp cầu cạn tại Việt Nam đi vào thực tiễn, trở nên phổ biến, rộng rãi hơn.