Theo số liệu từ VietstockFinance với 17 doanh nghiệp xi măng trên sàn chứng khoán đã công bố BCTC từ quý 1/2022-4/2024, ngành xi măng có tín hiệu khởi sắc và cải thiện hơn. Biên lãi gộp cả năm của các doanh nghiệp xi măng dao động từ 6-14%. Quý cuối năm 2024 là 9%.
Kinh doanh tích cực
Thống kê cho thấy, trong số 17 doanh nghiệp, có 4 đơn vị lãi tăng, 3 giảm, 2 lỗ chuyển lãi, 1 hòa vốn, còn lại 7 cái tên tiếp tục lỗ.
Doanh nghiệp lãi tăng trưởng mạnh nhất trong quý 4/2024 gọi tên Xi măng Sài Sơn (UPCoM: SCJ) với lợi nhuận ròng gần 5 tỷ đồng, tăng 87% so với cùng kỳ. Quý trước đó, đây là doanh nghiệp duy nhất có lãi tăng trưởng. Xi măng Sài Sơn cho biết, do nhà máy hoạt động ổn định, chi phí lãi vay giảm nhờ Công ty đã trả vốn trung hạn. Đồng thời, SCJ đã tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm giá để bán hết sản phẩm, tăng độ phủ trên thị trường khiến lợi nhuận tăng. Cả năm 2024, SCJ lãi gần 13 tỷ đồng, tăng 61% và là năm có lãi ròng cao nhất kể từ 2015. So với kế hoạch năm, Công ty vượt 13%.
Nhờ hoàn thành việc thoái vốn FECON Nghi Sơn đã giúp Khoáng sản FECON (HOSE: FCM) lãi gần 7 tỷ đồng, tăng 58%, cao nhất trong 8 quý qua (từ quý 1/2023). Tuy vậy, việc lỗ nặng trong quý 2 đã khiến thành quả cả năm chỉ còn lãi 1.5 tỷ đồng, giảm hơn 90%.
Với chu kỳ kinh doanh quý cuối năm là giai đoạn thu lãi về nhiều nhất, Xi măng La Hiên VVMI (HNX: CLH) lãi ròng hơn 21 tỷ đồng trong 3 tháng cuối năm, tăng 23%, cao nhất trong 12 quý qua (từ quý 1/2022). Cả năm, Công ty lãi gần 39 tỷ đồng, giảm 18%.
Xi măng Yên Bình (UPCoM: VCX) cũng có quý kinh doanh ấn tượng khi lãi hơn 14 tỷ đồng, tăng 19% - cao nhất trong 28 quý qua (từ quý 1/2018). Cũng lưu ý rằng, kể từ năm 2020, quý 4 thường là mùa kinh doanh lãi đậm nhất trong năm của VCX.
Công ty cho biết, sản lượng bán hàng quý cuối năm tăng nên doanh thu tăng. Mặt khác, Công ty đã thúc đẩy sản xuất, giảm tiêu hao nên sản lượng sản xuất tăng. Cùng với đó, giá nguyên vật liệu đầu vào chính như than, thạch cao, cước vận chuyển đều giảm và chi phí sửa chữa lớn cũng giảm so với cùng kỳ nên giá thành sản xuất sản phẩm giảm, góp phần đưa lợi nhuận tăng.
KQKD của doanh nghiệp xi măng trong quý 4/2024 (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
|
Trong khi đó, lợi nhuận ròng của ông lớn Xi Măng Vicem Hà Tiên (HOSE: HT1) giảm hơn 60%, còn khoảng 21 tỷ đồng. HT1 cho biết, tình trạng dư thừa nguồn cung vẫn tiếp tục diễn ra, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt giữa các công ty xi măng về giá bán và chính sách bán hàng nhằm gia tăng sản lượng tiêu thụ, mở rộng thị phần. Điều này khiến lợi nhuận sụt giảm.
Dẫu vậy, HT1 vẫn lãi ròng 65 tỷ đồng trong năm 2024, gấp 3.6 lần năm trước. Trên nền kế hoạch thấp, Doanh nghiệp vượt xa mục tiêu lợi nhuận năm (hơn 23 tỷ đồng).
Xi măng Bỉm Sơn (HNX: BCC) lãi hơn 41 tỷ đồng trong quý 4 (cao nhất trong 10 quý qua, kể từ quý 3/2022), cùng kỳ lỗ kỷ lục gần 86 tỷ đồng. Lũy kế cả năm, BCC vẫn lỗ hơn 6 tỷ đồng. Năm 2023 lỗ kỷ lục hơn 227 tỷ đồng.
Vẫn còn khó khăn
Lỗ nặng nhất trong các doanh nghiệp tiếp tục thua lỗ là Xi măng VICEM Bút Sơn (HNX: BTS) khi lỗ gần 76 tỷ đồng trong quý 4/2024. Đây cũng là quý thua lỗ thứ 9 liên tiếp của BTS. Cả năm, BTS tiếp tục lỗ ròng gần 198 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên 288 tỷ đồng.
CTCP Xi măng VICEM Hoàng Mai (HNX: HOM) cho biết, dù quý 4/2024 là thời điểm đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng, ngành xi măng vẫn đối mặt khó khăn do nguồn cung xi măng cao, thị trường xi măng trong nước và xuất khẩu tiếp tục cạnh tranh khốc liệt về giá, áp lực tồn kho sản phẩm, dư thừa năng lực sản xuất… Thị trường xuất khẩu xi măng, clinker gặp khó khăn do giá thấp, nhu cầu chất lượng xi măng nâng cao khiến Công ty lỗ ròng 16 tỷ đồng. Lũy kế cả năm, HOM tiếp tục lỗ ròng 67 tỷ đồng, đưa lỗ lũy kế lên hơn 92 tỷ đồng.
KQKD của doanh nghiệp xi măng năm 2024 (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
|
Cả năm 2024, có 5 doanh nghiệp đạt doanh thu trên ngàn tỷ đồng gồm HT1, BCC, BTS, HOM và SCJ. Trong đó, HT1 có lãi tăng mạnh nhất, tiếp đến là SCJ, 3 doanh nghiệp còn lại tiếp tục lỗ.
Tồn kho về đáy 17 năm, vẫn còn khó trong năm 2025
Đến cuối năm 2024, nhóm doanh nghiệp niêm yết ngành xi măng có tổng giá trị tồn kho hơn 2,100 tỷ đồng, giảm 24% so với đầu năm, mức thấp nhất trong 17 năm qua (từ năm 2008). Trong đó, tồn kho của ông lớn HT1 chiếm 30%, với hơn 646 tỷ đồng, giảm 24% so với đầu năm; giá trị thành phẩm của HT1 hơn 280 tỷ đồng, giảm 28% so với đầu năm.
Theo Bộ Xây dựng, nguồn cung xi măng toàn quốc năm 2024 đạt khoảng 122 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước chỉ khoảng 60 triệu tấn; xuất khẩu giảm so với năm trước, dẫn đến dư thừa nguồn cung và cạnh tranh gay gắt, giá bán giảm...
Chưa kể, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao như điện, than...; nguyên liệu sản xuất duy trì mức cao khiến chi phí sản xuất ngày càng tăng mạnh. Thị trường bất động sản trầm lắng, các dự án xây dựng từ nguồn đầu tư công chậm giải ngân, ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu tiêu thụ của xi măng trong nước.
Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) cho biết: sản lượng sản xuất clinker năm 2024 gần 16 triệu tấn, đạt hơn 94% kế hoạch năm, giảm gần 4% so với năm 2023. Nguyên nhân do nhu cầu tiêu thụ xi măng, clinker sụt giảm, tồn kho tăng cao, dẫn đến một số công ty phải dừng lò, giảm năng suất, thời gian huy động thiết bị so với kế hoạch, để hạn chế đổ clinker ra bãi.
Nhận định năm 2025 còn nhiều khó khăn và khó đoán định, VICEM dự kiến sản lượng sản xuất clinker gần 17.9 triệu tấn, tăng 12% so với năm 2024, năng lực sản xuất của VICEM khoảng 22 triệu tấn clinker/năm; tổng sản lượng tiêu thụ xi măng, clinker gần 25.6 triệu tấn, tăng 8% so với năm 2024.