Ảnh minh họa
Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương biết (PVTM), ngày 18/6 vừa qua, Cục đã tiếp nhận đầy đủ và hợp lệ hồ sơ đề nghị tiếp nhận Hồ sơ của các công ty là đại diện cho ngành sản xuất trong nước yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) đối với sản phẩm gạch ốp lát có xuất xứ từ Ấn Độ.
Theo đó, ngày 02/7/2025, cơ quan điều tra xác nhận hồ sơ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định pháp luật về phòng vệ thương mại. Trong vòng 45 ngày kể từ thời điểm này, cơ quan điều tra sẽ tiến hành thẩm định để trình Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định có khởi xướng điều tra hay không. Đây là giai đoạn bắt buộc theo Điều 70 Luật Quản lý ngoại thương, nhằm đảm bảo tính khách quan và cơ sở pháp lý trước khi đưa ra bất kỳ biện pháp phòng vệ nào.
Để phục vụ công tác thẩm định, cũng như đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, Cục PVTM đề nghị các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gạch ốp lát tại Việt Nam chủ động cung cấp thông tin nhằm phục vụ quá trình đánh giá hiện trạng ngành. Các dữ liệu cần thiết bao gồm: Thông tin về doanh nghiệp; Công suất thiết kế và sản lượng của sản phẩm gạch ốp lát trong từ năm 2020 đến năm 2024; Ý kiến của công ty về vụ việc (đồng ý, phản đối, không có ý kiến) hoặc cung cấp bất kỳ tài liệu/chứng cứ nào khác mà công ty cho rằng liên quan đến vụ việc.
Ngoài các thông tin cơ bản, doanh nghiệp có thể gửi thêm tài liệu, chứng cứ hoặc phản ánh mà họ cho là liên quan, qua đó góp phần xác định rõ liệu có tồn tại hành vi bán phá giá từ phía nhà xuất khẩu Ấn Độ, và mức độ ảnh hưởng đến ngành sản xuất nội địa. Hạn chót để nộp thông tin là ngày 18/7/2025.
Theo Cục PVTM, đây là quy trình bắt buộc nhằm đảm bảo các quyết định điều tra được đưa ra dựa trên cơ sở pháp lý rõ ràng, chứng cứ cụ thể và phản ánh đúng thực trạng thị trường. Động thái này cũng nhằm thu thập đầy đủ cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc đánh giá khách quan tình hình sản xuất, mức độ thiệt hại và tác động từ sản phẩm nhập khẩu, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các bên liên quan trong vụ việc.
Trong bối cảnh ngành sản xuất gạch ốp lát của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu từ Ấn Độ với giá bán rẻ hơn nhiều hàng nội địa, khiến các doanh nghiệp sản xuất gạch ốp lát nội địa đang đối mặt với áp lực cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu giá rẻ. Do đó, việc các doanh nghiệp đại diện cho ngành sản xuất trong nước yêu cầu điều tra hành vi bán phá giá từ phía nhà xuất khẩu Ấn Độ nhằm bảo vệ lợi ích cho ngành sản xuất nội địa; bên cạnh đó còn đảm bảo sự cân bằng, minh bạch giữa các bên liên quan, bao gồm cả nhà nhập khẩu và người tiêu dùng.