Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam: Phát triển công nghệ bê tông Việt Nam bền vững, đáp ứng yêu cầu xây dựng kết cấu hạ tầng trong kỷ nguyên mới
Công nghệ 03:27 - 12/01/2025
Là tổ chức xã hội nghề nghiệp, Hội Bê tông Việt Nam không chỉ hoạt động chuyên môn về lĩnh vực vật liệu mà còn quan tâm cả công nghệ thi công đến thiết kế kết cấu công trình. Trước yêu cầu phát triển kết cấu hạ tầng trong kỷ nguyên mới, Hội Bê tông Việt Nam xác định các nhiệm vụ trọng tâm; tiếp tục nghiên cứu và đưa ra các dự báo, định hướng phát triển cho công nghệ bê tông ở Việt Nam, đáp ứng thực tiễn xây dựng của đất nước cũng như đảm bảo tính bền vững của công trình. Phóng viên Báo Xây dựng đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quang Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam về những nhiệm vụ quan trọng này.
|
Ông Lê Quang Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam. |
- Xin ông cho biết, phạm vi, chức năng cũng như nội dung hoạt động của Hội Bê tông Việt Nam?
Ông Lê Quang Hùng: Hội Bê tông Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp, được thành lập cách đây gần 30 năm, từ năm 1996, khởi đầu là Hội Công nghiệp Bê tông quy tụ các cơ sở chế tạo cấu kiện bê tông. Qua gần 30 năm hình thành, phát triển, Hội đã chuyển đổi dần hoạt động theo xu thế chung của thế giới, Hội luôn có trên 200 hội viên, các tổ chức và cá nhân hoạt động nghề nghiệp gồm các nhà khoa học, chuyên gia, các đơn vị tư vấn, nghiên cứu và các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ bê tông.
Hoạt động của Hội Bê tông Việt Nam hiện nay tập trung vào việc tham gia biên soạn các tiêu chuẩn kỹ thuật, tổ chức các hội thảo chuyên đề về bê tông. Từ đó, phát hiện, tư vấn và góp ý các vấn đề phát sinh từ thực tiễn.
Như chúng ta đã biết, bê tông và bê tông cốt thép là vật liệu chủ yếu, chiếm 70% cấu tạo các kết cấu từ công trình dân dụng tới công trình giao thông, công trình thủy công, hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Hiện nay, hoạt động của Hội Bê tông Việt Nam tiệm cận dần mô hình hoạt động của các hội nghề nghiệp về bê tông trên thế giới, đơn cử như Mỹ có Viện Bê tông Mỹ (ACI), Châu Âu có Liên đoàn kết cấu bê tông (FIB), Nhật Bản có Viện Bê tông Nhật Bản (JCI), Hàn Quốc có Viện Bê tông Hàn Quốc (KCI)…
Hội Bê tông Việt Nam hiện là thành viên và cũng là thành viên sáng lập Liên đoàn Bê tông Châu Á (ACF – Asian Concrete Federation).
- Thưa ông! Vậy trong thời gian gần đây, hoạt động của Hội Bê tông Việt Nam tập trung vào những nội dung gì? Có những vấn đề gì cần phải quan tâm nghiên cứu và những giải pháp trong lĩnh vực bê tông?
Ông Lê Quang Hùng: Ngay từ giữa năm 2023, Hội đã chủ động phối hợp với 7 Hội, Hiệp hội về vật liệu xây dựng đã có cảnh báo với Chính phủ về việc sụt giảm nghiêm trọng về vật liệu xây dựng, trong đó có bê tông và xi măng.
Suy giảm xi măng trong năm 2022 và năm 2023, năm 2024 có tăng tiêu thụ 3% nhưng vẫn thấp hơn mức tiêu thụ cao nhất trong quá khứ, trong khi tăng trưởng kinh tế của nước ta năm nay đạt 7,09%.
Trên cơ sở kiến nghị của Hội Bê tông Việt Nam và các hiệp hội, Chính phủ đã nhiều lần tổ chức họp và cũng ra Nghị quyết tháo gỡ, qua đó, hy vọng thị trường sẽ có sự khởi sắc.
Trong năm 2024, Hội Bê tông Việt Nam cũng tổ chức nhiều các Hội thảo, Hội nghị chuyên đề xung quanh lĩnh vực kết cấu bê tông, cụ thể như Hội thảo vật liệu và kết cấu chịu lửa cho nhà và công trình, qua đó, tính toán thời gian chịu lửa của kết cấu thép và bê tông cốt thép, đồng thời đề xuất các giải pháp đảm bảo thực hiện QCVN 06:2022/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình; các vấn đề kiểm định vật liệu chống cháy, công tác thí nghiệm, khả năng chịu lửa các kết cấu trong phòng thí nghiệm; đề xuất các nội dung hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn, hoàn thiện cơ sở pháp lý trong lĩnh vực vật liệu và kết cấu chịu lửa cho nhà và công trình nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thiết kế, nghiệm thu và làm nghề xây dựng.
Hội cũng tổ chức nhiều Hội thảo khoa học như Hội thảo đánh giá thực trạng áp dụng các tiêu chuẩn chống ăn mòn nhằm tập trung vào thực trạng, hiện trạng xâm thực ăn mòn và các giải pháp thiết kế đảm bảo độ bền lâu của kết cấu tương ứng với tuổi thọ thiết kế công trình. Tổ chức Hội thảo chuyên đề: Chống ăn mòn và bảo vệ công trình xây dựng; tác động của bão Yagi tới kết cấu xây dựng và giải pháp phòng ngừa. Qua hội thảo, tổng kết đánh giá ở góc độ chuyên môn để xem quy mô sức mạnh cơn bão so với quy định của quy chuẩn xây dựng hiện nay. Bên cạnh đó, hiện trạng tác động của bão đến công trình nào, loại kết cấu nào, nguyên nhân gây ra hư hỏng và giải pháp phòng ngừa.
Cũng trong năm 2024, Hội cũng tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề về các vấn đề phụ gia bê tông, bê tông có cường độ siêu cao như UHPC…; các vấn đề về tiêu chuẩn của các cột điện bê tông ly tâm, qua đó góp ý sửa đổi, biên soạn lại các tiêu chuẩn này; quy hoạch lại các hệ thống tiêu chuẩn về bê tông và bê tông cốt thép.
- Trong giai đoạn tới, nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; chắc chắn đối với ngành Xây dựng sẽ có những sự đầu tư mạnh về kết cấu hạ tầng. Vậy, Hội Bê tông Việt nam sẽ định hướng hoạt động của mình như thế nào trong thời gian tới?
Ông Lê Quang Hùng: Trong thời gian tới, hoạt động của Hội sẽ vẫn tuân theo tôn chỉ, mục đích của tổ chức xã hội, nghề nghiệp như đã đề ra. Hội sẽ tập trung vào một số vấn đề chính như sau:
1. Hội Bê tông Việt Nam sẽ tiếp tục cùng phối hợp với các hiệp hội xây dựng Việt Nam và một số cơ quan, tổ chức khác có liên quan để nghiên cứu về thị trường tiêu thụ xi măng và bê tông trong giai đoạn 2025 – 2030. Dự báo các xu thế về công nghệ xi măng và bê tông bền vững, tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu khí nhà kính, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững theo cam kết của Việt Nam với thế giới.
2. Nghiên cứu các công nghệ bê tông đáp ứng yêu cầu xây dựng các kết cấu nhà ở xã hội với chi phí thích hợp, kết cấu lắp ghép xây dựng nhà ở cho người nghèo (như xây dựng nhà ở tại Làng Nủ…). Nghiên cứu công nghệ bê tông cho kết cấu cầu, hầm phục vụ xây dựng các tuyến đường cao tốc, đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao; nghiên cứu công nghệ mặt đường bê tông cho đường băng cất hạ cánh tại các sân bay…
3. Hệ thống hóa các tiêu chuẩn về vật liệu, nghiên cứu các tiêu chuẩn về kết cấu bê tông, đồng bộ trong lĩnh vực xây dựng các công trình dân dụng và công trình giao thông.
Sửa đổi, bổ sung, thay thế các tiêu chuẩn và các hướng dẫn kỹ thuật để xây dựng các kết cấu bê tông và bê tông cốt thép đảm bảo bền vững với tác động của gió bão, động đất, cũng như đảm bảo độ bền theo thời gian.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!