Bài trả lời phỏng vấn Ban Khoa Giáo - Đài Truyền hình Việt Nam - VTV2 của ông Tống Văn Nga - Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam
Tin tức - Sự kiện 10:57 - 31/03/2023
Sáng ngày 16/3/2023, được sự hỗ trợ của Dự án PEEB (Chương trình hiệu quả năng lượng trong các tòa nhà) Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam đã phối hợp với Ban Tổ chức Triển lãm Vietbuild tổ chức Hội thảo: "VẬT LIỆU XÂY DỰNG PHÁT THẢI THẤP VÀ CÔNG TRÌNH NHÀ Ở CÁC BON THẤP". Tại Hội thảo, Ông Tống Văn Nga - Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam đã trả lời phỏng vấn của Ban Khoa Giáo - Đài Truyền hình Việt Nam - VTV2, nội dung về việc các doanh nghiệp VLXD chuẩn bị như thế nào cho mục tiêu net zero vào năm 2050 do Chính phủ đã đặt ra.

Chủ tọa Hội thảo: "VẬT LIỆU XÂY DỰNG PHÁT THẢI THẤP VÀ CÔNG TRÌNH NHÀ Ở CÁC BON THẤP"
Sau đây là nội dung bài trả lời phỏng vấn.
Phóng viên: Xin cám ơn ông đã nhận lời trả lời phỏng vấn. Thưa ông, ông có thể chia sẻ, hiện nay Chính phủ đặt ra mục tiêu net zero vào năm 2050, hiện tại các doanh nghiệp VLXD trong Hội đã chuẩn bị như thế nào cho mục tiêu này?
Ông Tống Văn Nga: Mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 là mục tiêu cực kỳ quan trọng, mà có lẽ là phải phấn đấu rất mạnh, thì mới có thể thực hiện được. Tuy nhiên chúng ta có thể vui mừng thấy rằng đa phần các doanh nghiệp VLXD đã nhận thức được vấn đề quan trọng đó, mà điển hình như là các doanh nghiệp sản xuất xi măng hiểu rất rõ. Phải nói một điều là công nghiệp sản xuất xi măng của chúng ta đã có những bước tiến rất mạnh. Hiện nay chúng ta đứng thứ ba trên thế giới về sản lượng. Nhờ đâu, nhờ chúng ta tận dụng tốt cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, tức là tự động hóa và điện khí hóa. Hiện nay chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì các đơn vị cũng đã thấy và đang bắt đầu có bước đi cụ thể.
Cụ thể thế nào? Từ những năm 90 trở lại đây, chúng ta phát triển rất mạnh nhờ vào việc chúng ta chọn đúng những công nghệ mới nhất, những thiết bị tốt nhất của thế giới. Đầu tiên của các nước G7, sau đó kết hợp với các nước đang phát triển, để có được vốn đầu tư hợp lý nhất, nhưng đảm bảo được chất lượng sản phẩm tốt, thiết bị tốt, tiêu hao ít năng lượng, đặc biệt là điện và than và nhờ đó chúng ta có những sản phẩm clanhke vào loại tốt, để rồi khi chúng ta sản xuất ra một tấn xi măng thì từ định mức là 80 - 85% clanhke, giảm xuống còn 60 - 65% clanhke. Cái đó là cái vô cùng quan trọng là nó giúp cho việc giảm được khí thải CO2 vào không khí và hơn nữa, từ cái đó thì chúng ta tận dụng được những chất thải của các nhà máy nhiệt điện, rồi những cái nhà máy hóa chất, như tận dụng lại thạch cao phốt pho từ nhà máy hóa chất thải ra để chúng ta đưa vào làm nguyên liệu sản xuất xi măng. Thì đấy là một trong những thành công của ngành VLXD. Bên cạnh đó, các nhà máy sản phẩm khác như là gạch ốp lát cũng đi theo cũng hướng đó, ta nhập khẩu những thiết bị và công nghệ tiên tiến nhất của thế giới về và bây giờ nếu như các anh, các chị, nếu như mọi người đến những cuộc triển lãm như Vietbuild Hà Nội năm nay thì chúng ta thấy những sản phẩm vô cùng đẹp và chất lượng. Và hơn nữa đối với kính xây dựng thì chúng ta có những nhà máy sản xuất kính LOW - I, tức là kính vừa giảm được ánh nắng, đảm bảo cho môi trường trong nhà rất là tốt.
Phóng viên: Vâng thưa ông, như ông chia sẻ, tất cả các doanh nghiệp trong Hội đã có giải pháp và hướng đi để đạt được mục tiêu này, nhưng theo ông thì đâu là khó khăn và vướng mắc trong quá trình thực hiện mục tiêu này.
Ông Tống Văn Nga: Bây giờ có vấn đề thế này, muốn phát triển nhanh đưa lại hiệu quả thì phải phát huy hết công suất nhưng mà từ cuối năm ngoái đến nay, thì xây dựng dừng lại, các dự án bất động sản hầu như là đứng yên và cũng rất may là vừa rồi Chính phủ có Nghị quyết 33 tháo gỡ những cái đó, nhưng chắc cũng phải cần một thời gian mấy tháng nữa thì dần dần những quyết định trong Nghị quyết 33 của Chính phủ đi vào cuộc sống, thì việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, không chỉ đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, với các doanh nghiệp xây dựng gắn liền, và từ các doanh nghiệp xây dựng có việc làm thì các doanh nghiệp VLXD sẽ giải thoát được hàng tồn kho và giảm công suất.
Phóng viên: Theo ông, là cái khó hiện tại do thị trường bất động sản đang gặp khó, nên kéo theo các doanh nghiệp ngành VLXD gặp khó.
Ông Tống Văn Nga: Cái đó là cái khó nhất. Nhưng mà hy vọng rằng bên cạnh Nghị quyết 33 thì có Quyết định của Chính phủ là từ nay đến năm 2030 sẽ tập trung xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở cho những người thu nhập thấp, đặc biệt cho cán bộ công nhân viên, những người gắn với khu công nghiệp, khu chế xuất làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Cái hay là đã có chủ trương của Chính phủ. Cái thứ hai là Chính phủ cũng đã có Quyết định dành 120.000 tỷ đồng vốn tín dụng để phục vụ mục tiêu đó. Việc của chúng ta bây giờ là tổ chức thật tốt để thực hiện được việc đó
Phóng viên:Như ông chia sẻ khi chúng ta áp dụng mục tiêu net zero như vậy, việc đầu tư về công nghệ và chi phí, theo ông có phải là khó khăn không?
Ông Tống Văn Nga: Thực ra là muốn có sản phẩm tốt, muốn có chất lượng tốt thì phải đầu tư công nghệ. Mà đầu tư công nghệ thì mình sẽ có hiệu quả, vừa năng suất, vừa giảm chi phí. Cho nên dám làm, dám chịu đầu tư thì chúng ta sẽ có được hiệu quả kinh tế chứ đừng nghĩ đến chuyện mà đầu tư cao, giảm được tiêu hao, tăng năng suất lao động và tăng được chất lượng tốt hơn thì dứt khoát nó sẽ bù đắp lại, có khi tốt hơn là nếu chúng ta cứ mải mê đi theo những thiết bị công nghệ đã lạc hậu rồi . Cái hay của ngành VLXD là đi được theo cách như vậy.
Phóng viên: Theo ông nếu chúng ta đầu tư như vậy thì chi phí của sản phẩm tăng lên. Làm thế nào để chúng ta thu hút được khách hàng. Đó có thể là bài toán các doanh nghiệp nghĩ tới?
Ông Tống Văn Nga: Muốn thu hút được khách hàng thì chúng ta phải quảng cáo. Cái thứ hai là Nhà nước cũng phải: một là khuyến khích, hai là phải có tiêu chuẩn, quy chuẩn cho đúng, tương xứng với các cấp xây dựng, các cấp nhà và cái quan trọng nữa là phải hướng dẫn cho người ta sử dụng đúng, thì mới phát huy được.
Phóng viên: Hiện nay các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tự giải cứu mình. Thêm vào đó lại đang khuyến khích ủng hộ sử dụng công nghệ mới để giảm phát thải bằng “0” vào năm 2050. Vậy thì các doanh nghiệp đang khó khăn như vậy liệu họ có đồng lòng để họ thực hiện nhiệm vụ đó hay không và ông có hy vọng liệu đến năm 2050 có đạt được mục tiêu đó hay không ạ?
Ông Tống Văn Nga: Tôi vừa nói rồi, muốn làm gì làm phải đi theo cách mạng của thế giới. Chúng ta đã biết tìm kiếm và tiếp thu những công nghệ, thiết bị mới thì chúng ta không sợ là chúng ta tốn kém, và cái đó là cái đảm bảo cho ngành vật liệu xây dựng được phát triển như ngày nay. Cái thứ hai là đừng có sợ, nó có khó khăn một chút thôi, nhưng với các chính sách giải cứu của Chính phủ như là Nghị quyết 33 vừa thông qua, như là cái việc dành vốn 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, thì chúng ta thấy đấy là một tương lai, mà đấy là hướng đúng để gỡ khó cho các doanh nghiệp và từ đó các doanh nghiệp này tiếp tục có những phát huy mạnh hơn, tin tưởng hơn. Và với cái đó, tôi nghĩ là net zero vào năm 2050 là không dễ, nhưng có lẽ chúng ta cũng tiếp cận được, với sự đồng tình của Chính phủ, của các doanh nghiệp và của toàn dân thì chúng ta thực hiện được.
Phóng viên: Xin cám ơn ông.