Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 203/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến công tác và làm việc với các Bộ, địa phương về tình hình đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông tại khu vực ĐBSCL.
Thru tướng yêu cầu các chủ đầu tư chủ động rà soát và quyết định theo thẩm quyền việc thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền. Ảnh: INT
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tiếp tục nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, tích cực, chủ động trong việc triển khai dự án.
Cụ thể, về vật liệu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh có nguồn vật liệu (đất, cát, đá) tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ; có giải pháp xử lý ngay tại cơ sở đối với các vướng mắc phát sinh, không để chậm trễ, gây ảnh hưởng đến tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn, hoàn thành thủ tục cấp phép khai thác các mỏ trong tháng 4/2025.
Các chủ đầu tư (trong đó có UBND tỉnh Sóc Trăng) chủ động rà soát và quyết định theo thẩm quyền đối với việc thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng và Bộ NN&MT để giảm áp lực nguồn cát sông.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc điều chuyển các mỏ vật liệu được cấp theo cơ chế đặc thù đang còn trữ lượng nhưng không còn nhu cầu khai thác và điều chuyển khối lượng cát sau khi dỡ tải từ dự án áp dụng cơ chế đặc thù sang dự án khác (đang áp dụng cơ chế đặc thù) để tiếp tục khai thác, sử dụng nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án; đặc biệt lưu ý, quan tâm không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.
Bộ NN&MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố có liên quan thực hiện, bảo đảm tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật (hoàn thành trong tháng 4/2025), báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.
Bộ NN&MT sớm hoàn thành việc đánh giá lại trữ lượng, chất lượng nguồn cát sông, cát biển tại khu vực ĐBSCL, làm cơ sở để các địa phương triển khai thủ tục cấp mỏ để cung ứng cho các dự án triển khai trong thời gian tới; khẩn trương trình Chính phủ về cơ chế đặc thù cho Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các dự án hoặc hạng mục công trình có liên quan đến các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù (nếu có); hướng dẫn thực hiện công tác hoàn nguyên đối với các dự án hạ tầng giao thông trong khu vực.
Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Xây dựng, Bộ NN&MT, UBND tỉnh Sóc Trăng chủ động khai thác, cung ứng cát biển cho dự án theo thẩm quyền, đồng thời chủ động làm việc với các địa phương có nguồn vật liệu san lấp (cát, đá) để cung ứng cho dự án, không để dự án chậm tiến độ như thời gian qua.
ĐBSCL đang triển khai 4 dự án đường bộ cao tốc. Trong các dự án đang thi công, 2 công trình sẽ hoàn thành trong năm 2025 là tuyến Cần Thơ - Hậu Giang và tuyến Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Trong khi đó, dự án thành phần 1 Cao Lãnh - An Hữu và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác năm 2027; dự án thành phần 2 Cao Lãnh - An Hữu sẽ hoàn thành năm 2027.
Đến nay, nguồn cung ứng vật liệu san lấp nền đường cho 4 dự án nêu trên đã được xác định với tổng trữ lượng khoảng 56,75 triệu m3 cát.
Thiếu vật liệu san lấp nền, trong đó chủ yếu là cát, khiến tiến độ các dự án đường cao tốc ở ĐBSCL thời gian qua chậm trễ.