
Các máy lu lèn đang thi công tại cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh.

Máy xây dựng được hiểu là toàn bộ máy móc, thiết bị dùng để thực hiện các công việc trong ngành Xây dựng thay thế sức người; với nhiều ứng dụng và tính năng hiện đại, giúp tăng năng suất, tối ưu hóa tiến độ công trình, tăng độ chính xác, tiết kiệm vật tư, nhiên liệu, tiết kiệm chi phí nhân công, đảm bảo chất lượng cũng như tuổi thọ công trình và an toàn cho người lao động.
Khi đất nước đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cùng với đó là cơ chế mở cửa đã tạo điều kiện cho nhiều loại máy móc, trang thiết bị hiện đại ra đời hoặc được nhập khẩu từ nước ngoài giúp cho việc cơ giới hóa máy móc thay cho sức lao động của con người. Máy xây dựng ngày càng đóng một vai trò vô cùng lớn trong việc nâng tầm công trình xây dựng Việt Nam cũng như trên thế giới.
Thị trường máy xây dựng hiện nay rất đa dạng về chủng loại, được phân loại theo tính chất công việc hoặc công dụng như: Máy phát lực hay còn gọi là động cơ; Máy nâng chuyển; máy làm đất; máy gia công đá; gia công thép; gia cố nền móng; máy phục vụ cho công tác bê tông; máy sản xuất vật liệu xây dựng,.
Các máy lu lèn tại công trường cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh
Nếu như từ những năm 1980 trở về trước, hoạt động xây dựng chủ yếu là dựa vào sức người và cũng chỉ có các công trình nhỏ được hình thành, thì từ sau năm 1980 đến nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật trong và ngoài nước, nhiều loại máy xây dựng đã xuất hiện và du nhập vào Việt Nam như: Xe xây dựng; máy móc và thiết bị xây dựng; máy móc và thiết bị khai thác mỏ; thiết bị quan trắc, thử nghiệm, thí nghiệm; máy khoan cọc nhồi; máy khoan neo thủy lực, với nhiều chủng loại đến từ các thương hiệu khác nhau (Kobelco, Komatsu, Hitachi,...).
Việt Nam là quốc gia đang trong giai đoạn phát triển sôi động, tập trung đầu tư vào cải thiện hạ tầng giao thông, bao gồm việc xây dựng và nâng cấp các tuyến đường bộ, đường sắt, cảng biển và sân bay, nhằm kết nối hiệu quả các trung tâm kinh tế và mở rộng mạng lưới logistics…

Theo số liệu thống kê, thị trường xây dựng Việt Nam đạt giá trị 57,52 tỷ USD vào năm 2020 và thị trường này dự kiến đạt 94,93 tỷ USD vào năm 2026 với tốc độ tăng trưởng hơn 8% trong giai đoạn dự báo từ 2021 tới 2026. Ngành Xây dựng Việt Nam được đánh giá là ngành hoạt động tốt nhất trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APAC).
Qui mô thị trường xây dựng Việt Nam là 23,1 tỷ USD trong năm 2024 và dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) trên 8,5% trong giai đoạn dự báo.
Có thể thấy, xây dựng đã và đang là một lĩnh vực nhận được nguồn đầu tư lớn không chỉ từ ngân sách Nhà nước mà còn từ nhiều tập đoàn, công ty tư nhân. Bên cạnh đó, Việt Nam đang thu hút nhiều dự án đầu tư trực tiếp FDI từ nước ngoài và trong đó có nhiều dự án lớn về phát triển cơ sở hạ tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, địa ốc, khách sạn, và khu nghỉ dưỡng…
Máy xây dựng ngày càng đóng một vai trò vô cùng lớn trong việc nâng tầm công trình xây dựng Việt Nam cũng như trên thế giới.
Những số liệu trên là cơ sở cho thấy, nhu cầu máy xây dựng của Việt Nam trong thời gian tới sẽ rất lớn. Theo dự báo của các công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu, nhờ quá trình đô thị hóa nhanh chóng và các dự án hạ tầng quy mô lớn, thị trường máy công trình tại Việt Nam sẽ phát triển mạnh trong 3 - 5 năm tới, nhờ vào việc Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt trong các lĩnh vực giao thông, đô thị, thủy lợi, sân bay, cảng biển...
Hãng nghiên cứu thị trường Research and Markets cho biết, ngành máy móc xây dựng của Việt Nam được định giá 2 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến đạt 9,4 tỷ USD vào năm 2032.
Từ năm 2022 đến nay, thị trường tăng trưởng mạnh, đạt mức bình quân khoảng 20 - 30%/năm. Riêng 2 tháng đầu 2025 đạt mức tăng trưởng lên tới 100%, dự kiến cả năm tăng từ 25 - 40% so với năm ngoái, với 2.500 - 3.000 máy công trình mới được nhập về. Mức tăng trưởng bình quân hàng năm ước đạt 10% trong 3 - 5 năm tới
Nhiều loại xe chuyên dụng, thiết bị, máy móc công trình tại Triển lãm Contech Vietnam 2025 vừa qua.
Mặc dù đang trong giai đoạn tăng trưởng, nhưng thị trường máy xây dựng Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, như sự biến động giá vật liệu xây dựng trực tiếp gây áp lực lên chi phí xây dựng và nhu cầu máy móc.
Bên cạnh đó, việc phải cạnh tranh từ các nhà cung cấp quốc tế với những thương hiệu máy móc lớn như: Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu đang chiếm lĩnh thị trường cũng gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp nội địa

Từ Triển lãm Contech Vietnam 2025 diễn ra tại Hà Nội (từ 22-25/4), ông Tống Văn Nga - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam nhận định, thị trường máy xây dựng Việt Nam hiện đang có rất nhiều cơ hội để phát triển. Nhưng những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này còn thiếu các hoạt động giao thương, kết nối và hợp tác để góp phần tạo dựng kênh giao lưu, xúc tiến thương mại thực sự hiệu quả và chuyên nghiệp.
Ngoài ra, chúng ta cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, để có đội ngũ chuyên gia, chuyên sâu lựa chọn thiết bị phù hợp nhất vào từng công trình. Điều này sẽ góp phần xây dựng nên những tuyến giao thông, đặc biệt là đường sắt cao tốc, cầu cống… đảm bảo chất lượng cũng như tuổi thọ lâu dài cho các công trình.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ kỹ thuật cần nghiên cứu tìm hiểu, nắm bắt sự thay đổi thường xuyên về máy xây dựng để khai thác có hiệu quả, đáp ứng các quy trình công nghệ xây dựng tiên tiến, nâng cao chất lượng công trình, giảm giá thành xây lắp.

Thị trường máy xây dựng toàn cầu, trong đó có Việt Nam, đang chứng kiến sự phát triển vượt bậc nhờ nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình dân dụng và các dự án năng lượng tái tạo ngày càng tăng. Đây là một phần không thể thiếu của ngành Xây dựng, đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa hiệu suất và đảm bảo tiến độ các dự án.
Thị trường máy xây dựng Việt Nam đang hướng đến các thiết bị mới, đặc biệt là các loại máy có tính năng tự động hóa và công nghệ cao. Điều này nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe về tiến độ, chất lượng và bảo vệ môi trường hiện nay.
Ngoài các thiết bị như máy xúc, máy ủi, máy cẩu thì máy trộn bê tông vẫn chiếm ưu thế, phục vụ hiệu quả cho các công trình từ dân dụng đến công nghiệp.
Thị trường cũng đang dần chuyển dịch sang máy móc thân thiện với môi trường. Trong đó, nhiều doanh nghiệp trong ngành đang dần thay thế các thiết bị cũ bằng các loại máy sử dụng năng lượng tái tạo hoặc tiết kiệm nhiên liệu.
Đặc biệt, đối với các thiết bi tự động hóa, máy móc được tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) sẽ trở thành xu hướng chính, giúp cải thiện năng suất và giảm rủi ro cho công nhân.
Ngoài ra, loại máy nhỏ gọn, linh hoạt sẽ được ưa chuộng tại các khu đô thị đông đúc và các công trình nhỏ. Hay máy móc sử dụng năng lượng điện, hybrid sẽ chiếm thị phần ngày càng lớn, góp phần giảm khí thải và tiết kiệm chi phí vận hành.
Có thể thấy, rất nhiều yếu tố đã và đang thúc đẩy sự phát triển của thị trường máy công trình tại Việt Nam. Đặc biệt là chính sách của Chính phủ trong việc đầu tư vào hạ tầng, đặc biệt là các lĩnh vực giao thông, đô thị, thủy lợi, sân bay, cảng biển, khu đô thị, các dự án năng lượng tái tạo và các dịch vụ hạ tầng khác. Bên cạnh đó, sự phát triển của các dự án bất động sản cũng đóng góp vào nhu cầu máy móc ngày càng cao.

Ông Chu Anh Việt - Giám đốc điều hành Công ty CP Vật tư thiết bị công trình Minh Đức – một trong những đơn vị tham gia tại Triển lãm Contech Vietnam 2025, chia sẻ, doanh nghiệp của ông chuyên sản xuất và cung cấp các loại vật tư, thiết bị nhập khẩu đặc thù cho ngành Xây dựng như: xây dựng cầu – đường, công trình dân dụng, công trình công nghiệp như: hệ giàn máy khoan neo cho việc gia cố vách dốc và nền móng công trình hiện đại hóa, máy khoan xoay phun vữa, máy khoan lỗ ống ngầm và khoan xoắn… Hiện các sản phẩm máy khoan này đều được ứng dụng rộng rãi trong các công trình cầu đường, đường sắt, đường ống ngầm, đường cao tốc, đường hầm trên khắp thế giới.
Thời gian tới, doanh nghiệp sẽ không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ và giá cả hợp lý nhất để cung cấp nhiều chủng loại, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.
Hiện nay, ngành máy xây dựng, xe chuyên dụng, công nghệ và hạ tầng giao thông vận tải đang trải qua một quá trình chuyển đổi mạnh mẽ. Các dự án hạ tầng lớn thúc đẩy ngành máy xây dựng phát triển, tạo ra nhu cầu về thiết bị hiện đại, tự động hóa và thân thiện với môi trường. “Do đó, thị trường máy xây dựng trong những năm tới đây hứa hẹn là giai đoạn bùng nổ với sự kết hợp giữa nhu cầu tăng cao và công nghệ tiên tiến” - ông Chu Anh Việt nhận định.
Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này, các doanh nghiệp cần linh hoạt ứng phó với biến động thị trường, đồng thời nắm bắt xu hướng và nhu cầu để đầu tư vào các thiết bị hiện đại, bền vững. Đây không chỉ là xu hướng mà còn là chìa khóa để duy trì sự cạnh tranh và phát triển trong tương lai.