Sau giai đoạn đầy biến động trong những năm 2023-2024, ngành xi măng Việt Nam bước vào năm 2025 với nhiều kỳ vọng mới. Từng đối mặt với áp lực cung vượt cầu, chi phí đầu vào tăng cao và thị trường xuất khẩu gặp rào cản, giờ đây các doanh nghiệp xi măng đang đứng trước loạt cơ hội từ chính sách điều hành vĩ mô, sự phục hồi của thị trường nội địa và làn sóng đầu tư công mạnh mẽ.
Nghị quyết 77: "Liều thuốc tăng lực" đúng lúc
Ngày 10/4 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy tiêu dùng các mặt hàng vật liệu xây dựng sản xuất trong nước như xi măng, sắt, thép...
Đây được xem là động thái thiết thực, góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành xi măng trong bối cảnh năng lực sản xuất đang dư thừa, nhưng đầu ra lại gặp nhiều thách thức.
Tổng sản lượng tiêu thụ xi măng 3 tháng đầu năm 2025 đạt gần 24 triệu tấn, tăng 10% so với cùng kỳ
Một điểm đáng chú ý khác là đề xuất giảm thuế suất đối với xuất khẩu clinker. Điều này được kỳ vọng sẽ mở đường cho các doanh nghiệp xi măng đẩy mạnh xuất khẩu, giải phóng hàng tồn và tăng hiệu quả sản xuất.
Theo các chuyên gia, đây là một bước đi quan trọng trong việc tái cơ cấu thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành xi măng Việt Nam trên bản đồ khu vực.
PGS.TS Lương Đức Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho biết, Nghị quyết 77 của Chính phủ đã tiếp thêm động lực để ngành vật liệu xây dựng nói chung và ngành xi măng nói riêng phát triển trong thời gian tới.
Thị trường tiêu thụ khởi sắc rõ rệt
Tín hiệu tích cực không chỉ đến từ chính sách mà còn từ thực tế thị trường. Dẫn ra số liệu cụ thể, VNCA cho biết sau một thời gian gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, tiêu thụ xi măng cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu đã ghi nhận sự phục hồi và tăng trưởng tích cực.
Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, trong tháng 3/2025, tổng sản lượng tiêu thụ xi măng đạt 7,8 triệu tấn, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, tiêu thụ nội địa tăng mạnh với 4,8 triệu tấn, xuất khẩu đạt khoảng 3 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ.
Lũy kế 3 tháng đầu năm 2025, tổng sản lượng tiêu thụ cả trong nước lẫn xuất khẩu đạt gần 24 triệu tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Những con số này cho thấy, nhu cầu thị trường đang có dấu hiệu phục hồi, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều dự án hạ tầng lớn bắt đầu được triển khai trên khắp cả nước.
Tại khu vực phía Nam, các dự án trọng điểm như Vành đai 3 TP.HCM, sân bay Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cùng hàng loạt khu công nghiệp tại Long An, Tây Ninh, Bình Dương... đang tạo ra nhu cầu vật liệu xây dựng khổng lồ, trong đó xi măng là mặt hàng không thể thiếu.
Còn tại miền Trung và phía Bắc, các tỉnh như Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ninh cũng tăng tốc đầu tư công, kích thích mạnh mẽ tiêu thụ xi măng.
.jpeg)
Tiêu thụ xi măng tăng nhờ hưởng lợi từ các dự án hạ tầng
Không thể không nhắc đến vai trò của đầu tư công trong việc tạo lực đẩy cho ngành xi măng. Kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 dự kiến đạt 790.000 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2024.
Việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng giúp thúc đẩy hàng loạt dự án lớn, kéo theo nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng vật liệu xây dựng gia tăng đáng kể.
Với đặc tính là vật liệu chủ lực trong xây dựng kết cấu hạ tầng, xi măng không chỉ được sử dụng cho các dự án cao tốc, sân bay, cảng biển mà còn là thành phần chính trong xây dựng nhà ở xã hội và các công trình dân sinh. Đây chính là cơ hội vàng để ngành xi măng gia tăng doanh thu và củng cố thị phần.
Triển vọng năm 2025
Dù triển vọng năm 2025 là khá tích cực, nhưng ngành xi măng vẫn phải đối mặt với nhiều trở ngại. Trước hết là tình trạng cung vượt cầu, với tổng công suất toàn ngành lên tới hơn 120 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu thực tế chỉ dao động quanh mức 95-100 triệu tấn, mức tiêu thụ nội địa của Việt Nam khoảng 650kg/người/năm. Áp lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước và với các nhà sản xuất nước ngoài là rất lớn.
Ngoài ra, chi phí đầu vào như than, điện, xăng dầu tiếp tục biến động, ảnh hưởng tới biên lợi nhuận của doanh nghiệp. Một số thị trường xuất khẩu truyền thống như Philippines, Trung Quốc cũng có dấu hiệu siết lại các chính sách nhập khẩu, yêu cầu chất lượng và tiêu chuẩn môi trường cao hơn.
Trước những áp lực và cơ hội đan xen, nhiều doanh nghiệp xi măng đang chủ động tái cấu trúc hoạt động, tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả vận hành.
Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản khuyến nghị các doanh nghiệp bám sát diễn biến thị trường, không mở rộng công suất ồ ạt, tránh dư thừa nguồn cung. Đồng thời, ngành cần chủ động tham gia các chuỗi giá trị xanh, từ khai thác nguyên liệu, sản xuất, vận chuyển đến xử lý chất thải.
Với sự hậu thuẫn từ chính sách Nhà nước, cùng với những tín hiệu tích cực từ thị trường và động lực chuyển đổi xanh, năm 2025 được kỳ vọng sẽ là năm bản lề cho ngành xi măng phục hồi và phát triển bền vững.
Đề cập về việc Chính phủ đề nghị các cơ quan nghiên cứu, đề xuất giảm thuế suất đối với clinker, VNCA cho rằng đây là động thái tích cực để giải quyết bài toán cung vượt cầu của thị trường xi măng trong nước hiện nay.
Tuy nhiên, VNCA cũng mong muốn Chính phủ tiếp tục nghiên cứu đưa mức thuế suất clinker về bằng 0 theo thông lệ quốc tế.