Khi cát trở thành “hàng hóa xa xỉ”
Trải qua 20 giờ đồng hồ với 200 vòng đấu nghẹt thở, con số cứ thế nhảy múa theo từng giờ, từ 1,2 tỷ đồng ban đầu leo lên mức giá không tưởng, 370 tỷ đồng cho mỏ cát với trữ lượng 159.000m3. Tiếng búa gõ xuống lúc 4h sáng ngày 19/10/2024 cũng là lúc mọi ánh mắt đổ dồn vào doanh nghiệp trúng thầu đến từ Đà Nẵng.
Phiên đấu giá mỏ cát ĐB2B tại xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam diễn ra đầy kịch tính và khép lại với con số khiến cả thị trường xây dựng choáng váng: hơn 2,3 triệu đồng cho mỗi mét khối cát. Vốn là thành phần không thể thiếu trong các công trình xây dựng, giờ đây cát bỗng trở thành “hàng hóa xa xỉ” trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm, nhu cầu thị trường tăng cao.
Nhiều người cho rằng, kết quả mà doanh nghiệp đấu giá trúng mỏ cát với giá 370 tỷ đồng, gấp tới 308 lần so với giá khởi điểm cho mỏ cát trên là quá phi lý, nếu so với giá cát mà UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt ban hành là 150.000 đồng/m3. Với mức giá mua vào theo tính toán là hơn 2,3 triệu đồng/m3, doanh nghiệp trúng thầu sẽ phải bán ra với giá cao hơn để thu hồi vốn, kéo theo đó là chi phí xây dựng tăng cao.
Trước đó, hồi tháng 11/2023, một phiên đấu giá khác tại Hà Nội đã gây chú ý không kém. Ba mỏ cát trên sông Hồng với tổng trữ lượng hơn 5,6 triệu m3 đã được đấu giá với mức giá trúng thầu lên tới 1.700 tỷ đồng, gấp hàng trăm lần so với mức giá khởi điểm. Con số này ngay lập tức làm dấy lên những nghi vấn về tính khả thi, bởi mức giá vượt xa giá trị thực tế của khối cát khai thác được.
Xi măng, sắt thép, gạch cát... đồng loạt tăng giá từ đầu năm đến nay khiến từ người dân đến doanh nghiệp đứng ngồi không yên
Câu chuyện đấu giá mỏ cát tưởng chừng như một hiện tượng đơn lẻ, nhưng nó lại là lát cắt sắc nét phản ánh bức tranh thị trường vật liệu xây dựng hiện nay. Giá cát tăng phi mã không chỉ là áp lực trực tiếp lên các nhà thầu xây dựng, mà còn tạo ra làn sóng domino đẩy chi phí công trình leo thang. Những ngôi nhà từ phố thị đến nông thôn, từ cao ốc đến nhà ở bình dân, tất cả đều bị cuốn vào vòng xoáy chi phí tăng vọt.
Không chỉ có cát xây dựng, các mặt hàng khác từ sắt thép, xi măng, gạch xây… cho đến vật liệu hoàn thiện cũng “đùng đùng” tăng giá chóng mặt với mức tăng từ 20-40% tùy theo từng loại vật liệu, khu vực. Trong bối cảnh thị trường Bất động sản đang đối mặt với nhiều khó khăn, giá vật liệu xây dựng tăng phi mã là một vấn đề lớn trên thị trường hiện tại. Đây là một trong 5 loại chi phí tác động đến giá của một sản phẩm Bất động sản. Riêng chi phí sắt thép chiếm 15-20%, còn lại là chi phí đất, xây dựng, quản lý và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Theo tính toán của Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, chi phí vật liệu thường chiếm khoảng 60% chi phí xây dựng. Điều này đồng nghĩa, bất kỳ biến động nào về giá vật liệu đều dẫn đến áp lực chi phí cực lớn lên các nhà thầu và chủ đầu tư. Do đó, khi giá vật liệu xây dựng tăng, giá Bất động sản đương nhiên sẽ tăng theo. Mặt khác, việc các loại vật liệu biến động giá cũng sẽ làm gián đoạn tiến độ của các công trình vì đội vốn, khi đó chủ đầu tư và nhà thầu phải tính lại bài toán xây dựng nếu tiếp tục triển khai dự án.
Cơn “bão giá” vật liệu thời gian quan không chỉ gây khó khăn cho nhà thầu, mà còn đẩy giá nhà đất tăng cao, khiến giấc mơ sở hữu nhà của người dân ngày càng xa vời. Giữa vòng xoáy tăng giá ấy, những xu hướng công nghệ xây dựng mới đang được kỳ vọng như một “liều thuốc giải”, mở ra hướng đi hoàn toàn khác biệt. Các xu hướng, mô hình xây dựng mới không chỉ giúp giảm chi phí, rút ngắn thời gian thi công mà còn góp phần giải quyết bài toán nhà ở cho người dân một cách bền vững và hiệu quả.
Liệu công nghệ xây dựng mới có thể thay đổi cuộc chơi?
Nhà ở tiện lợi, xây dựng nhanh chóng được manh nha những năm gần đây với những tiến bộ trong xây dựng lẫn thiết kế. Có thể thấy đó là sự chuyển đổi khéo léo các thùng container thành nhà đơn giản mà vẫn sạch sẽ, hoặc sự xuất hiện một số loại vật liệu “làm sẵn” giúp đẩy nhanh tiến độ xây dựng nơi ở với giá cả phù hợp mà vẫn an toàn.
1. Công nghệ in 3D - Cuộc cách mạng của ngành xây dựng
In 3D là công nghệ in tái tạo lại vật thể trong không gian 3 chiều từ các file thiết kế số, được phát triển từ những năm 1980. Với quá trình in ấn thông thường, sau khi in, mực sẽ khô và để lại các vệt màu trên giấy. Còn máy in 3D sẽ “đắp” từng mảng vật liệu theo từng lớp trong thời gian siêu ngắn để tạo thành mô hình tương ứng.
Những công trình được xây bằng công nghệ in 3D đang dần trở thành xu thế mới của ngành xây dựng
Trong ngành xây dựng, in 3D không còn là ý tưởng trên giấy mà đã trở thành thực tế tại nhiều quốc gia. Công nghệ này đã có những bước đi đáng kể và nhanh chóng vào cuộc sống con người. Nhờ đó, những công trình được xây bằng máy in 3D hiện nay không còn là điều xa lạ và đang dần trở thành xu thế mới của ngành xây dựng.
Khác với những ứng dụng công nghệ in 3D khác, quy trình in vật liệu xây dựng sử dụng máy in 3D khổng lồ với “mực in” là một số dạng bê tông khô nhanh, đổ ép khuôn chính xác do máy tính điều khiển. Thực chất, vật liệu cho in 3D trong xây dựng là xi măng, cát, cát nghiền, tro bay, xỉ hạt lò cao nghiền mịn, phụ gia siêu dẻo, phụ gia ổn định độ chảy, phụ gia điều chỉnh ninh kết và tăng dính.
Tại nhiều nước, công nghệ in 3D cho đến nay đã được sử dụng để xây dựng nhà ở và cả những chiếc cầu vừa phải. Một trong những lợi thế dễ nhận thấy nhất của công nghệ in 3D là tính hiệu quả cao cả về thời gian, năng suất. Theo đó, Xây nhà bằng công nghệ in 3D giúp rút ngắn thời gian xây dựng, khi phần lớn thời gian chủ yếu ở khâu thiết kế.
Bên cạnh tiết kiệm thời gian thi công, ưu điểm nổi bật của công nghệ in 3D là giảm đáng kể chất thải xây dựng. Bản chất của phương pháp này là sử dụng vật liệu cần thiết để tạo ra cấu trúc nên trong quá trình hoạt động, nó gần như không phát sinh phế thải. Ngoài ra, công nghệ này có khả năng tự động hóa cao và robot hóa quá trình sản xuất, do đó dù thực hiện dự án trong môi trường khắc nghiệt thì vẫn đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người. Nhìn chung, nhà in 3D hiệu quả hơn về mặt thời gian, chi phí, yêu cầu ít lao động hơn và máy móc thậm chí có thể hoạt động “khỏe hơn” thợ xây đúng nghĩa…
Hiện công nghệ in 3D đang dần trở nên thịnh hành trên toàn thế giới, trong đó có những dự án đã tạo ra nhà ở với khoảng thời gian in vỏn vẹn 24 giờ và giá khoảng vài nghìn USD. Tại Texas - Mỹ, tổ hợp nhà ở bao gồm 100 ngôi nhà được xây dựng bằng công nghệ in 3D lớn nhất thế giới, đang được hoàn thiện những căn cuối cùng. Đây là dự án của Công ty xây dựng ICON, được xây dựng từ tháng 11/2022, bằng việc sử dụng máy in 3D khổng lồ có tên Vulcan, với chiều rộng gần 14 mét và khối lượng 4,7 tấn.
Những bức tường in 3D này được thiết kế với khả năng chống nước, nấm mốc, mối mọt và điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Ước tính sẽ mất khoảng 3 tuần để hoàn thành việc in ngôi nhà 1 tầng với 3 đến 4 phòng ngủ. Công ty ICON mô tả dự án này là “khởi đầu cho lịch sử của việc phát triển các khu dân cư” và công nghệ in 3D sẽ giúp xây dựng nhà ở với chất lượng tốt một cách nhanh chóng và rẻ hơn so với phương pháp xây dựng truyền thống.
Ngôi nhà một tầng với 3 - 4 phòng ngủ mất khoảng 3 tuần để hoàn thành bằng phương pháp xây dựng in 3D
2. Xu hướng nhà lắp ghép - linh hoạt và tiết kiệm
Trong bối cảnh giá vật liệu xây dựng tăng cao, nhà lắp ghép đang nổi lên như một xu hướng đầy tiềm năng, mang đến giải pháp xây dựng hiệu quả cả về chi phí, thời gian và tính bền vững. Mô hình này không chỉ đáp ứng nhu cầu xây dựng cấp bách mà còn mở ra tương lai mới cho ngành xây dựng.
Khác với xây dựng truyền thống, nhà lắp ghép hay còn gọi là nhà tiền chế, sử dụng các thành phần được sản xuất sẵn tại nhà máy và lắp ráp nhanh chóng tại công trường. Hiện nay, có 3 loại theo chất liệu khung: nhà khung bê tông, nhà khung thép tiền chế và nhà khung gỗ. Có thể lựa chọn các loại vách khác nhau để kết hợp với 3 loại khung trên, như vách panel, xây tường gạch, vách kính, tấm gỗ xi măng...
Các mẫu nhà lắp ghép có tính ứng dụng cao, được xem là giải pháp tối ưu trong lĩnh vực xây dựng dân dụng và công nghiệp như kho bãi, nhà xưởng tiền chế, nhà ở, văn phòng, homestay, trung tâm mua sắm…
Một trong những ưu điểm nổi bật nhất của nhà lắp lắp ghép là khả năng giảm thiểu chi phí xây dựng. Nhà lắp ghép có chi phí đầu tư thấp hơn từ 30-40% so với xây dựng truyền thống vì trọng lượng và khối lượng công trình nhẹ hơn. Kết cấu móng cũng được giảm thiểu, từ đó giảm chi phí. Mặt khác, phần khung xương công trình đa phần được hoàn thiện tại xưởng, thi công tại công trường chỉ cần thao tác móng, lắp dựng khung xương, thi công vách. Điều này làm rút ngắn thời gian, từ đó giảm được chi phí nhân công.
Theo chủ một công ty xây dựng, hiện tại, với các mô hình nhà giá rẻ, khách hàng chỉ mất khoảng 200-300 triệu đồng là đã có được một ngôi nhà với đầy đủ công năng, kèm nội thất mà thiết kế vẫn đảm bảo sự trẻ trung và hiện đại.
Không chỉ tiết kiệm chi phí, nhà lắp ghép còn rút ngắn đáng kể thời gian thi công. Một ngôi nhà diện tích 50m2 có thể được hoàn thiện trong vòng 7-15 ngày, thay vì mất vài tháng như phương pháp xây dựng truyền thống. Ngoài ra, mô hình xây dựng này còn mang lại sự linh hoạt vượt trội với khả năng tháo dỡ, di chuyển và tái sử dụng. Với khả năng tùy chỉnh cao, nhà lắp ghép có thể đáp ứng nhiều mục đích sử dụng mà vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ và tiện nghi.
Những xu hướng xây dựng mới đang cho thấy tiềm năng to lớn trong việc thay đổi toàn bộ ngành công nghiệp xây dựng. Tuy nhiên, để thực sự đạt được sự chuyển mình, cần có những bước đi chiến lược từ Chính phủ, doanh nghiệp và cả người dân. Chính phủ cần tạo hành lang pháp lý thuận lợi với các ưu đãi để khuyến khích ứng dụng công nghệ mới. Doanh nghiệp cần đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn và nghiên cứu phát triển công nghệ tiên tiến. Quan trọng hơn cả, người dân cần thay đổi nhận thức, sẵn sàng đón nhận những giải pháp xây dựng hiện đại với một chi phí phù hợp.