Nhìn lại năm qua, ngành VLXD đã phải đối mặt với hàng loạt khó khăn như: chi phí sản xuất tăng cao, nhu cầu tiêu thụ trong nước và quốc tế còn yếu, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, thị trường BĐS trong nước phục hồi chậm, nhiều công trình, dự án hạ tầng trọng điểm bị trì hoãn hoặc kéo dài tiến độ, khó khăn về vốn, biến động giá vật liệu… dẫn đến tình trạng tồn kho và đình trệ sản xuất.
Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu đầu vào, đặc biệt là giá than đã có thời điểm tăng đột biến, làm gia tăng áp lực lên chi phí sản xuất. Nhiều DN ngành VLXD buộc phải cắt giảm chi phí, tái cơ cấu tổ chức và hoãn các khoản đầu tư không cần thiết để duy trì hoạt động trong bối cảnh thị trường khó khăn.
Thêm vào đó, chi phí vận chuyển quốc tế tăng cao, xuất khẩu sản phẩm VLXD giảm do cạnh tranh khốc liệt về giá từ các nhà sản xuất lớn trên thế giới, cùng với các quy định hàng rào kỹ thuật khắt khe tại thị trường các nước nhập khẩu.
Dù phải đối mặt với hàng loạt sức ép trên, nhưng năm 2024, ngành VLXD vẫn có sự phục hồi rõ nét hơn so với năm 2023, ghi dấu nhiều điểm sáng đáng chú ý.
Trước hết, phải kể đến ngành thép. Trong quý 1 và quý 2/2024, ngành thép chủ yếu xu hướng giảm giá (5 lần giảm), kéo giá thép về mức đáy thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Bước sang quý 3 và 4/2024, tình hình tiêu thụ thép xây dựng dần được cải thiện. Do đó, giá sắt thép đã có 6 lần điều chỉnh tăng liên tiếp kể từ giữa tháng 9 tới tháng 11, chấm dứt giai đoạn dò đáy và nâng giá thép lên mức phổ biến 13,8 - 14 triệu đ/tấn…
Có thể thấy, thời điểm 2 quý cuối năm, các tín hiệu tốt ngày càng lộ diện rõ. Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, thị trường thép trong nước ghi nhận những tác động tích cực từ nhu cầu về tôn mạ, thép xây dựng để lợp lại nhà cửa, sửa chữa các công trình bị hư hỏng của cơn bão Yagi và một số cơn bão miền Trung trong tháng 9/2024.
Trên thực tế, hoạt động xây dựng dân dụng giai đoạn cuối năm cũng sôi động hơn giai đoạn đầu năm, nhờ sự hồi phục của thị trường BĐS. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ từ các dự án đầu tư công đều gia tăng khi nhiều dự án trọng điểm đang trong giai đoạn về đích.
Nhờ vậy, giá thép đã chấm dứt giai đoạn dò đáy và bắt đầu chu kỳ đi lên nhờ nhu cầu nội địa gia tăng khi thị trường BĐS có tín hiệu mở rộng nguồn cung và xu hướng hạ lãi suất của các thị trường chủ lực như: Mỹ, EU, ASEAN giúp kích thích thị trường nhà ở. Trong khi đó, nhu cầu thép tại Trung Quốc có triển vọng phục hồi sau các biện pháp kích cầu kinh tế của Chính phủ.
Đánh giá về mức độ phục hồi của ngành thép và những lưu ý trong thời gian tới, ông Dương Đức Quang - Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho rằng: Năm 2024, ngành thép có nhiều tín hiệu phục hồi và dần ổn định trở lại sau thời gian dài lao dốc. Nhưng đây chỉ là dấu hiệu khởi sắc ban đầu, sự phục hồi này chưa chắc chắn và bền vững do nhu cầu tiêu thụ không thực sự đột phá. Thêm vào đó, ngành thép thế giới còn gặp nhiều khó khăn do chịu tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng thép Trung Quốc. Do vậy, trong ngắn hạn, ngành thép nước ta chưa thể bứt phá sang giai đoạn tăng trưởng mới và dự kiến tiếp tục diễn biến trầm lắng, ít nhất là trong nửa đầu năm 2025.
Đối với mặt hàng xi măng, mặc dù chưa có sự khởi sắc đáng kể so với thị trường sắt thép nhưng theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong năm qua, sản lượng sản xuất đạt 91 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2023; lượng tiêu thụ cũng đạt khoảng 91 triệu tấn, tăng 2%. Trong đó, tiêu thụ nội địa ở mức 60 triệu tấn, tăng khoảng 6%; xuất khẩu sản phẩm xi măng và clinker khoảng 31 triệu tấn với giá trị xuất khẩu đạt 1,1 tỷ USD.
Sau thời gian dài không tăng giá kể từ tháng 6/2022 đến tháng 10/2024, các nhà sản xuất xi măng lớn như: Vicem Bỉm Sơn, Bút Sơn, The Vissai, Xi măng Thành Thắng Group, Xi măng Xuân Thành... đã đồng loạt tăng giá bán. Động thái này để bù đắp chi phí sản xuất sau khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông báo điều chỉnh giá điện tăng thêm 4,8% so với giá hiện hành.
Mức tăng giá trong đợt điều chỉnh này được các DN ấn định 50 nghìn đồng/tấn, riêng The Vissai tăng 46.300 đ/tấn.
Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho biết, các nhà sản xuất tăng giá bán xi măng là tất yếu, bởi cả mấy năm qua, xi măng đã bán dưới giá thành sản xuất. Nếu không điều chỉnh giá bán để bù đắp phần nào chi phí đầu vào, DN khó có thể tồn tại tiếp.
Theo ông Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), tăng giá là điều các DN xi măng không mong muốn, nhưng nếu không tăng giá bán sản phẩm thì khó duy trì hoạt động.
Cũng theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đối với gạch ốp lát, sản lượng sản xuất trong năm 2024 đạt khoảng 450 triệu m2, tăng 15%; sản lượng tiêu thụ ở mức 405 triệu m2, tăng 15% so với năm trước.
Sản lượng sản xuất sứ vệ sinh đạt gần 14,5 triệu sản phẩm, tăng 15%; tiêu thụ mặt hàng này đạt khoảng 13 triệu sản phẩm.
Riêng mặt hàng kính xây dựng, sản lượng sản xuất đạt khoảng 147 triệu m2, giảm 16% so với năm 2023; tiêu thụ năm 2024 khoảng 140 triệu m2.
Đối với cát, đá và đất đắp nền đường trong năm qua vẫn không ngừng tăng giá, nhất là tại khu vực phía Nam, nơi có nhiều công trình giao thông trọng điểm đang thi công nên nhu cầu rất lớn, luôn trong tình trạng thiếu hụt. Bên cạnh đó, việc khai thác cát, đá bị hạn chế ở nhiều khu vực để bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên cũng gây ra tình trạng khan hiếm cục bộ, đẩy giá lên...
Như vậy, trong năm 2024, mặc dù ngành sản xuất VLXD vẫn chưa có bước đột phá và còn phải đối mặt với nhiều khó khăn hiện hữu. Song, ngành VLXD vẫn đón nhận những cơ hội và động lực thúc đẩy tiêu thụ và có sự phục hồi khá rõ nét. Điều này cũng cho thấy, ngành VLXD đã bắt đầu chu kỳ phục hồi mới. Do đó, nếu biết tận dụng cơ hội, các DN ngành VLXD vẫn có dư địa và động lực để phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Trong năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt về các lĩnh vực nền kinh tế, trong đó đặc biệt quan tâm nắm bắt, tháo gỡ khó khăn của DN để phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực.
Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội năm qua luôn ổn định; nhiều dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia như cao tốc Bắc - Nam, các dự án đường cao tốc liên vùng, liên tỉnh, sân bay, cảng biển được khởi công, khánh thành; thị trường BĐS có những chuyển biến tích cực, nguồn cung được cải thiện.
Đặc biệt, Chính phủ đã tập trung vào việc khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu như lưới điện, đường sá, trường học và trạm xá, đồng thời hỗ trợ người dân sửa chữa và xây dựng lại nhà cửa bị hư hại do bão Yagi. Thông qua các dự án tái thiết do Chính phủ và địa phương triển khai sẽ thúc đẩy ngành VLXD phục hồi và phát triển.
Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS có hiệu lực sớm đã kịp thời giải quyết, xử lý các vướng mắc, bất cập, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho người dân, doanh nghiệp, phân cấp mạnh cho địa phương; qua đó, thúc thẩy phát triển nhà ở, nhất là NƠXH, góp phần tăng nguồn cung, tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS; bên cạnh đó còn đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm như sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc - Nam… là yếu tố kích cầu tiêu thụ VLXD.
Để tháo gỡ khó khăn cho DN VLXD, Chính phủ đã có một số giải pháp can thiệp. Cụ thể, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký ban hành Chỉ thị 28/CT-TTg ngày 26/8/2024 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tái cơ cấu lại nguồn lực, tiết giảm chi phí, tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ để giảm tiêu hao năng lượng, giảm tiêu hao nguyên liệu, giảm giá thành sản phẩm, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và VLXD nói chung.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ VLXD. Trên cơ sở kết quả của Hội nghị, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/8/2024 về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và VLXD.
Có thể thấy, những chính sách điều hành trên được xem là đòn bẩy để ngành VLXD phục hồi và phát triển trong năm qua. Nhất là việc Chính phủ đẩy mạnh hoạt động đầu tư công đã tạo ra nhu cầu lớn về VLXD.
Đặc biệt, năm qua, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BXD ngày 01/11/2024 về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa VLXD và phổ biến toàn quốc hướng dẫn thực hiện Thông tư nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và tạo sự cạnh tranh lành mạnh cho thị trường VLXD. Bên cạnh đó, các chiến lược phát triển VLXD, quy hoạch khoáng sản làm VLXD cũng được rà soát, điều chỉnh kịp thời nhằm khơi thông và tạo điều kiện cho lĩnh vực VLXD phát triển phù hợp các giai đoạn của đất nước.
Năm 2025, kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng từ 7 - 7,5% nhờ sự ổn định của các yếu tố vĩ mô, bao gồm lạm phát được kiểm soát dưới 4% và chính sách tiền tệ linh hoạt.
Theo các nhà phân tích thị trường, bước sang năm 2025, DN VLXD lạc quan về triển vọng thị trường tiêu thụ nhờ lực đẩy từ các chính sách điều hành vĩ mô của Chính phủ như: đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng, NƠXH, cùng kỳ vọng hồi phục của thị trường BĐS khi các nút thắt pháp lý dần được tháo gỡ.
Năm 2025 cũng là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, ghi nhận mức đầu tư công kỷ lục lên tới 791 nghìn tỷ đồng (tương đương 6,4% GDP) đã được Quốc hội phê duyệt. Khoản ngân sách này sẽ giúp đẩy mạnh thi công các công trình trọng điểm.
Để đẩy mạnh công tác giải ngân vốn cho các dự án hạ tầng trọng điểm, liên tiếp các biện pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công được Chính phủ ban hành.
Đáng chú ý, ngày 29/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực từ 01/01/2025 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực từ ngày 15/01/2025. Điều này sẽ giúp giải quyết các vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng.
Đến nay, cả nước đã có hơn 2.000 km đường bộ cao tốc. Chính phủ đã yêu cầu phát động phong trào thi đua 500 ngày để hoàn thành 3.000 km cao tốc trước ngày 31/12/2025; và đến năm 2030, cả nước sẽ có 5.000 km đường cao tốc.
Đối với thị trường BĐS, sau hàng loạt chính sách hỗ trợ của Chính phủ và mặt bằng lãi suất thấp đã có dấu hiệu phục hồi đáng kể so với giai đoạn đóng băng trước đó với sự cải thiện của nguồn cung BĐS tại khu vực phía Bắc và phía Nam. Số lượng dự án đang triển khai tiếp tục duy trì ở mức cao…
Các yếu tố trên chính là lực đẩy, tạo đà cho thị trường VLXD trong năm 2025 phát triển, kỳ vọng tốt hơn năm 2024.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia nhận định, năm 2025, thị trường tiêu thụ VLXD được kỳ vọng sẽ duy trì tăng trưởng nhưng có nhiều biến động. Nhà đầu tư cần thận trọng, theo sát diễn biến toàn cầu và tận dụng những cơ hội từ các biến động bất thường. Đây sẽ là năm mà sự cân bằng giữa kỳ vọng và ứng phó với rủi ro là yếu tố quyết định thành công.
Về phía các DN, sự phát triển của công nghệ đã mở ra nhiều cơ hội cho ngành VLXD trong việc phát triển các loại vật liệu mới, vừa tiết kiệm chi phí vừa thân thiện với môi trường. Những vật liệu như gạch bê tông khí chưng áp, kính tiết kiệm năng lượng, hay các loại vật liệu tái chế, vật liệu tận dụng từ phế thải công-nông nghiệp để tạo ra những VLXD phát thải carbon thấp, VLXD âm carbon… đang trở thành xu hướng trong ngành Xây dựng hiện đại. Việc sử dụng các loại vật liệu mới không chỉ giúp giảm áp lực lên nguồn cung truyền thống mà còn đáp ứng được các yêu cầu về phát triển bền vững.
Ngoài việc tập trung vào thị trường nội địa thì DN cần chú trọng mở rộng thị trường xuất khẩu, bởi đây là một trong những giải pháp quan trọng giúp các DN trong ngành VLXD vượt qua khó khăn.
Do vậy, nếu biết nắm bắt cơ hội, thị trường xuất khẩu sẽ là động lực lớn cho các DN Việt Nam phát triển trong bối cảnh nhu cầu xây dựng tại các quốc gia đang phát triển ngày càng tăng cao.
Mặc dù các DN có thể đón nhận được nhiều cơ hội lớn, song các chuyên gia cho rằng, trong năm 2025, ngành VLXD có thể tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và diễn biến phức tạp, khó dự đoán của thị trường.
DN cần nhạy bén, chủ động nắm bắt các thông tin, phân tích diễn biến tình hình của thị trường trong và ngoài nước để khai thác tối đa những cơ hội tăng trưởng cũng như tránh được các rủi ro và tác động tiêu cực luôn tiềm ẩn. Đặc biệt, việc khai thác những động lực mới từ đầu tư và tiêu dùng là yếu tố quan trọng để đảm bảo phát triển bền vững cho DN trong tương lai./