Thị trường xi măng phía Nam: Tăng giá 50.000 đồng/tấn
Thị trường VLXD 03:20 - 19/03/2025
Nhiều thương hiệu xi măng phía Nam đã gửi thông báo đến khách hàng sẽ tăng giá bán lên 50.000 đồng/tấn, bắt đầu từ 31/3.
Giá tăng 50.000 đồng/tấn
Đánh giá về việc các thương hiệu đồng loạt tăng giá bán xi măng từ ngày 31/3, ông Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết: “Việc tăng giá là do nhu cầu của doanh nghiệp. Trên thực tế, chi phí cao, giá bán thấp, lỗ nhiều, nên mức tăng 50.000 đồng/tấn là bình thường. Đây là mức tăng hợp lý!”.
Thông báo từ Xi măng Long Sơn tại Long An cho thấy, đơn giá điều chỉnh tăng 50.000 đồng/tấn đối với tất cả các nhãn hiệu xi măng bao, thời gian áp dụng từ 6h ngày 01/4. Thông báo ghi rõ: Đường bộ tính giờ cân bì xe vào qua bàn cân, đường thủy tính giờ cập cảng đăng ký tại phòng bán hàng nhà máy.
Tương tự, xi măng INSEE cũng thông báo tăng 50.000 đồng/tấn đối với xi măng bao, bắt đầu từ 00:01 giờ ngày 31/3, và 50.000 đồng/tấn với xi măng công nghiệp (xi măng xá) từ 00:01 giời ngày 02/4.

Vicem Hà Tiên tăng giá 50.000 đồng/tấn cho tất cả các loại xi măng.
Xi măng Vicem Hà Tiên thông báo điều chỉnh giá bán tại tất cả các điểm giao hàng, xi măng bao 50kg với mức tăng 50.000 đồng/tấn, thời gian áp dụng từ 00h00 ngày 31/3. Giá bán xi măng rời/Jumbo tăng 50.000 đồng/tấn, thời gian áp dụng từ 00h00 ngày 02/4.
Xi măng Vicem Hạ Long thông báo tăng giá 50.000 đồng/tấn đối với xi măng đóng bao kể từ 00h00 ngày 01/4 tại địa điểm giao hàng là nhà máy Hiệp Phước.
Xi măng Sài Gòn cũng có thông báo điều chỉnh tăng giá 50.000 đồng/tấn áp dụng cho tất cả các loại xi măng bao, xi măng xá. Thời điểm áp dụng từ 6h sáng ngày 01/4.
Áp lực từ chi phí
Tại thông báo gửi các nhà phân phối, các công ty xi măng thông báo rõ lý do tăng giá. Theo đó, xi măng Sài Gòn nêu: “Do sự biến động về giá điện tăng cao trong thời gian vừa qua, đồng thời giá nguyên liệu đầu vào trong ngành xi măng đều tăng theo làm ảnh hưởng đến giá thành. Mặc dù đã cố gắng tiết giảm chi phí sản xuất, vẫn không bù đắp được chi phí đầu vào…”.
Xi măng INSEE cho biết: Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực trong suốt thời gian qua để tối ưu hóa chi phí cho sản xuất, nhưng Công ty phải tăng giá để bù đắp cho sự gia tăng của chi phí năng lượng và chi phí nguyên vật liệu mà INSEE không thể bù đắp được.
Xi măng xá (xi măng rời) được dùng trong các dự án có lượng tiêu thụ lớn và các trạm trộn bê tông.
Xi măng Vicem Hà Tiên cho biết: Giá thành sản xuất xi măng liên tục tăng trong các năm gần đây, đặc biệt vào Quý 4/2024, giá điện đã tăng bình quân trên 4,8%, đồng thời giá nguyên nhiên vật liệu cho đầu vào trong sản xuất xi măng đang ở mức cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Mặc dù đơn vị đã cố gắng tìm giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất, tối đa hóa hiệu quả sử dụng nguyên liệu, nhưng vẫn không thể bù đắp được chi phí đầu vào tăng cao và nhanh như hiện nay. Do vậy, Công ty xem xét cân đối lại giá bán để bù đắp chi phí ngày càng tăng cao.
Hiệp hội xi măng Việt Nam cho biết, thị trường xi măng được dự báo sẽ ấm lên trong quý 2/2025 do có nhiều dự án đầu tư công được xây mới và một số dự án được khởi động trở lại. Mặt khác, trước áp lực về chi phí, các công ty xi măng không có con đường nào khác ngoài việc tăng giá bởi những gì làm được họ đã làm rồi.
Năm 2025, Bộ Xây dựng dự kiến tiêu thụ xi măng khoảng 95 - 100 triệu tấn, tăng 2 - 3% so với năm 2024. Trong đó, tiêu thụ nội địa khoảng 60 - 65 triệu tấn, xuất khẩu 30 - 35 triệu tấn. Hiện cả nước có 92 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất thiết kế 120 triệu tấn/năm. Việc tổng công suất thiết kế gần gấp đôi so với nhu cầu và sản lượng tiêu thụ xi măng trong nước là một trong những nguyên nhân khiến toàn ngành xi măng luôn gặp thế khó. Trong khi đó, sản lượng xuất khẩu chiếm đến 30% thị phần tiêu thụ, nhưng không phải nhà máy sản xuất nào cũng có vị trí thuận tiện cho việc xuất khẩu. Sản phẩm xi măng vừa nặng, vừa cồng kềnh nên chỉ phù hợp xuất khẩu bằng đường biển mới giảm được chi phí vận chuyển.