|
Sở Xây dựng Quảng Ngãi chủ động tìm giải pháp ổn định giá, nguồn cung vật liệu xây dựng. |
Chiều 22/3, Sở Xây dựng Quảng Ngãi đã chủ trì, tổ chức cuộc họp với sự tham gia của đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, Tài Chính, Cục Thuế Quảng Ngãi, các chủ đầu tư, chủ mỏ khoáng sản và nhà thầu thi công một số gói thầu trọng điểm trên địa bàn. Buổi làm việc được tổ chức nhằm có cái nhìn cận cảnh về tình hình giá cả và nguồn cung vật liệu xây dựng, cũng như kịp thời lắng nghe các kiến nghị, đề xuất của những chủ thể có liên quan, từ đó làm cơ sở để tổng hợp và tham mưu UBND tỉnh Quảng Ngãi đưa ra những chỉ đạo kịp thời.
Trước đó, cơ quan này cũng đã thực hiện việc gửi Biểu mẫu và yêu cầu Báo cáo đến tất cả các nhà thầu tham gia thi công tuyến chính, các khu tái định cư và cải táng mồ mả thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam qua địa bàn. Trong đó, nhà thầu được yêu cầu cung cấp tên gói thầu tham gia; giá mà doanh nghiệp tiếp cận trên thị trường cùng với giá tham chiếu mà Sở Xây dựng Quảng Ngãi công bố tại thời điểm đó; tên nhà cung cấp vật liệu, tên mỏ, thời điểm mua hàng, cùng với các khó khăn, vướng mắc phát sinh.
|
Các nhà thầu tha thiết được tiếp cận nguồn cát để thi công. |
Động thái trên của Sở Xây dựng Quảng Ngãi nhằm thu thập, tổng hợp đầy đủ thông tin để tham mưu UBND tỉnh Quảng Ngãi kịp thời chấn chỉnh hoặc xử lý vi phạm đối với các hành vi găm hàng, thông đồng để đầu cơ, nâng giá vật liệu .
Sở Xây dựng Quảng Ngãi cho biết, theo Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng làm vật liệu xây dựng thông thường tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 được duyệt thì trên địa bàn có tổng cộng 343 mỏ đất, cát và đá xây dựng. Cụ thể: 77 mỏ đá với tổng trữ lượng dự báo khoảng 230 triệu m3; 98 mỏ cát với tổng trữ lượng dự báo khoảng 22,8 triệu m3 và 168 mỏ đất đồi với tổng trữ lượng dự báo khoảng 108 triệu m3 .
Đồng thời, theo Đề án phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt thì nhu cầu sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh đã được tính toán và dự báo cụ thể. Trong đó, nhu cầu đến năm 2025 về vật liệu đá là 2,03 triệu m3/năm, cát xây dựng là 1,74 triệu m3/năm và đất san lấp là 25 triệu m3/năm.
|
Hiện tỉnh Quảng Ngãi chỉ còn duy nhất một mỏ cát được phép khai thác. |
Cơ quan này cho biết, qua theo dõi giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực thì đá xây dựng cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường, giá cả ổn định. Đất đồi làm vật liệu san lấp vẫn còn thiếu so với nhu cầu thực tế, tuy nhiên loại vật liệu này đã được Sở Xây dựng tổ chức kê khai, thẩm định và thông báo giá cho từng mỏ cụ thể nên đã giữ ổn định giá bán tại mỏ.
Riêng cát xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đang ở trong tình trạng “báo động đỏ” về thiếu hụt nguồn cung. Cả tỉnh hiện chỉ còn duy nhất mỏ cát thôn Nghĩa Lập, xã Đức Hiệp (Mộ Đức) đang khai thác với công suất 59.000m3/năm, trong khi đó nhu cầu cát trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi kể cả dự án cao tốc Bắc – Nam lên đến hơn 2 triệu m3.
Việc thiếu hụt nguồn cung quá lớn đã làm mất cân đối cung - cầu, dẫn đến tình trạng khan hiếm cát, chủ mỏ bán cát cao hơn mức giá đã công bố…cũng như phát sinh vấn nạn khai thác, tiêu thụ cát trái phép.
Về phần mình, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi cho biết, hiện nay các doanh nghiệp trúng đấu giá quyền khai thác các mỏ cát trên sông Trà Khúc, sông Vệ đang xúc tiến việc hoàn thành các thủ tục để UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác. Tuy nhiên, quá trình này phải được thực hiện đảm bảo các trình tự, thủ tục theo quy định.
Là chủ đầu tư các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn, nên thời gian gần đây Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi nhận được rất nhiều phản hồi từ các nhà thầu về việc cát khan hiếm, khó tiếp cận và giá bán cao. Đặc biệt là những doanh nghiệp nhận các gói thầu phải tiến hành đắp một khối lượng cát lớn để gia cố nền đất yếu.
Trong khi đó, giá đất đắp – loại vật liệu trước đây thường là nỗi “ám ảnh” của các nhà thầu thì đang được kiểm soát rất tốt, đa phần các chủ mỏ bán đúng giá đã kê khai với Sở Xây dựng.
|
Khẩn trương đưa các mỏ cát vào khai thác là giải pháp để ổn định tình hình. |
Đại diện các nhà thầu tham gia buổi làm việc cũng đưa ra nhận định như trên, đồng thời nếu ra một thực trạng xưa nay chưa từng có rằng, các nhà thầu phải chạy đôn chạy đáo để mua cát giá cao nhưng vẫn không được.
Ông Trần Kim Mỹ - Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng công trình Quảng Ngãi cho biết, hiện tại nhà thầu vô cùng tha thiết được tiếp cận nguồn cát để thi công các gói thầu mà doanh nghiệp đã nhận. Theo ông Mỹ, hợp đồng đã ký kết với chủ đầu tư đến 30/6, nghĩa là chỉ còn hơn 3 tháng nữa để triển khai thi công trên công trường. Tuy nhiên, dù đã làm đủ mọi cách để xoay sở nhưng vẫn không mua được cát để thi công.
“Tôi làm xây dựng đã rất nhiều năm nhưng chưa bao giờ gặp tình cảnh này. Hiện tại, nhà thầu bất đắc dĩ phải mua cát nhỏ lẻ mà… không nhìn giá, vì có được cát để thi công đã là một điều may mắn”, ông Mỹ chua chát.
Cùng với đó, dưới góc nhìn của một người có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực xây dựng công trình, đại diện nhà thầu này còn kiến nghị, các cơ quan chuyên môn và UBND tỉnh Quảng Ngãi cần tức tốc có giải pháp bổ sung gấp nguồn cung cát cho thị trường để ổn định tình hình, đồng thời không kéo chậm tiến độ các dự án trên địa bàn. “Thực trạng thiếu cát để thi công hiện nay đang đặt cả Tiểu dự án và tuyến chính cao tốc Bắc – Nam vào viễn cảnh chậm tiến độ”, đại diện nhà thầu nói.
Mỏ cát thôn Nghĩa Lập của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Quốc Tiến thời gian gần đây được rất nhiều nhà thầu xây dựng gõ cửa mua cát. Ông Lê Quốc Tiến – Giám đốc Công ty cho biết, sau khi ký các hợp đồng cung ứng cho một số nhà thầu thi công các khu tái định cư phục vụ dự án cao tốc Bắc – Nam, với tổng khối lượng khoảng gần 30.000m3, thì doanh nghiệp phải làm một việc hết sức vô lý là… từ chối hợp đồng mua cát từ một số đơn vị khác có nhu cầu, vì khả năng cung ứng của mỏ có hạn, trong khi lượng cát nhà thầu cần là rất lớn.
Chủ mỏ này lý giải, sau khi trúng đấu giá quyền khai thác, dựa trên công suất hàng năm, doanh nghiệp tiến hành ký kết các hợp đồng cung ứng thường xuyên với các đối tác doanh nghiệp lẫn cá nhân trên địa bàn. Vì vậy, khi một lượng lớn nhà thầu tìm đến mua cát, trong khi công suất mỏ không đổi, đường vận chuyển lại nhỏ hẹp, dễ phát sinh những vấn đề ảnh hưởng đến dân sinh… nên doanh nghiệp đã chủ động không gửi báo giá, bán hàng. Tuyệt đối không có chuyện găm hàng, gây khan hiếm để trục lợi.
Theo ông Tiến, hiện tại doanh nghiệp đang niêm yết giá bán trong khoảng từ 220 – 250.000/m3, đây là mức giá được tính toán để đảm bảo việc thu hồi vốn đã bỏ ra để đấu giá quyền khai thác, các loại thuế phí, chi phí quản lý, vận hành khai thác, sửa chữa đường vận chuyển và vô vàn chi phí khác… mức giá trên đã được doanh nghiệp báo cáo đầy đủ, kịp thời đến Sở Xây dựng Quảng Ngãi. Đồng thời việc mua bán được lập và xuất hóa đơn đầy đủ theo quy định của cơ quan thuế.
“Chúng tôi là mỏ cát thương mại, vì vậy phải vận hành theo sát diễn biến của thị trường. Thời điểm này năm trước, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhu cầu cát không cao nên chúng tôi buộc phải bán giá thấp hơn các mỏ khác, trong khi chi phí cố định vẫn tăng thường xuyên nên gặp khó trong việc thu hồi vốn. Thời điểm hiện tại chúng tôi mới có cơ hội để xây dựng kế hoạch thu hồi số vốn đã bỏ ra”, ông Tiến nói.
|
Giá đất đắp được kiểm soát chặt là một thành công rất lớn của tỉnh Quảng Ngãi. |
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ngãi Nguyễn Hữu Hồng cho rằng, trước mắt để giải quyết tình trạng thiếu cát xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường cần khẩn trương đôn đốc các doanh nghiệp đã trúng đấu giá quyền khai thác các mỏ cát nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác, đưa mỏ vào hoạt động, kịp thời gỡ khó cho các nhà thầu, chủ đầu tư các công trình, nhất là dự án cao tốc Bắc - Nam.
“Tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, đảm bảo trữ lượng khai thác hàng năm theo như dự báo được duyệt, tránh tình trạng khan hiếm dẫn đến việc lợi dụng nâng giá của các doanh nghiệp, đồng thời ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép là giải pháp ổn định và lâu dài”, ông Hồng nói.