Showroom không chỉ phục vụ giới chuyên môn hay chủ đầu tư lớn mà còn đang dần trở thành điểm đến quen thuộc của người dân khi xây mới hoặc cải tạo nhà cửa – một tín hiệu tích cực cho xu hướng tiêu dùng VLXD hiện đại.
Xu hướng tất yếu
Những năm gần đây, cùng với làn sóng chuyển đổi xanh và đẩy mạnh tiêu chuẩn công trình tiết kiệm năng lượng, thị trường VLXD cũng xuất hiện sự thay đổi mạnh mẽ về cách tiếp cận khách hàng. Showroom – vốn được hiểu là nơi trưng bày mẫu vật liệu đang dần trở thành không gian tương tác trực tiếp giữa nhà cung cấp, kiến trúc sư, chủ đầu tư và người tiêu dùng cuối.
Không gian của showroom giờ đây thường được thiết kế như mô hình thực tế, giúp khách hàng trực tiếp trải nghiệm cảm quan vật liệu: ánh sáng, cách âm, độ bền, khả năng chống nóng… Sự kết hợp giữa công nghệ mô phỏng 3D, các mô hình tường – sàn – trần mẫu và giải pháp tích hợp vật liệu đã biến showroom thành một công cụ giáo dục thị trường hiệu quả.
Một số doanh nghiệp khác như Viglacera, Đồng Tâm Group, Sơn Spec... cũng phát triển trung tâm trưng bày quy mô lớn, tích hợp công nghệ mô phỏng 3D và trải nghiệm vật liệu tương tác. Các showroom này được đặt tại những đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng – những nơi thị trường bất động sản có nhu cầu tiêu thụ vật liệu cao và phân khúc khách hàng yêu cầu ngày càng khắt khe.
Ông Tananan Decha-Umphai, Giám đốc SCG Home Việt Nam cho biết, việc theo đuổi phát triển bền vững ngày nay không còn là lựa chọn mang tính trách nhiệm đơn thuần, mà đã trở thành nền tảng cho đổi mới và tăng trưởng dài hạn của doanh nghiệp.
Mới đây, sự ra đời của SCG Home Long Biên tại Hà Nội, là không gian trải nghiệm sống xanh và sáng tạo, được thiết kế dành riêng cho người tiêu dùng hiện đại. Showroom sử dụng gạch bê tông khí chưng áp (AAC), vật liệu tái chế giúp giảm phát thải CO2. Thiết kế không gian mở, tận dụng ánh sáng tự nhiên và hệ thống thông gió thông minh của cửa hàng cũng góp phần nâng cao hiệu quả vận hành và tiết kiệm năng lượng.
"Chúng tôi muốn mang đến hệ sinh thái mua sắm mà ở đó, mỗi khách hàng không chỉ mua sản phẩm mà còn được đồng hành trong hành trình kiến tạo tổ ấm, từ ý tưởng đến thi công thực tế" - ông Tananan cho biết.
Không chỉ phục vụ các nhà thầu và kiến trúc sư, showroom VLXD hiện đại còn đang thu hút người dân có nhu cầu cải tạo nhà cửa. Anh Nguyễn Mạnh Hùng – chủ thầu nhà phố tại phường Thanh Xuân chia sẻ: “Trước đây tôi chọn vật liệu dựa vào lời giới thiệu từ đại lý. Giờ vào showroom, được trải nghiệm trực tiếp vật liệu chống nóng, cách âm, tôi hiểu hơn về chất lượng và chọn đúng sản phẩm cho công trình”.
Tương tự, chị Lê Thu Trang – cư dân đang xây nhà ở phường Long Biên cho biết: “Tôi đến showroom chọn sơn và gạch lát. Ở đây có phối cảnh mẫu như phòng khách, nhà bếp thật sự, ánh sáng mô phỏng y như trong nhà. Tôi không chuyên xây dựng, nhưng nhờ cách trưng bày này tôi thấy dễ chọn hơn rất nhiều”.
Một đại diện thuộc đơn vị thiết kế kiến trúc tại Hà Nội chia sẻ: “Khi chủ đầu tư được trải nghiệm vật liệu tại showroom, họ dễ đưa ra quyết định chọn lựa ngay tại chỗ, rút ngắn thời gian thuyết phục, đồng thời hiểu rõ giá trị sử dụng và hiệu quả năng lượng của sản phẩm”.
Không chỉ với khách hàng lẻ, mô hình showroom cũng đang trở thành điểm đến của các nhà thầu, nhà tư vấn, nhằm cập nhật vật liệu mới và tiêu chuẩn thi công. Từ đó, showroom đóng vai trò lan tỏa công nghệ vật liệu thay vì chỉ là nơi mua bán đơn thuần.
Thách thức cho doanh nghiệp
Sự phát triển của showroom không chỉ nâng tầm hình ảnh thương hiệu, mà còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ cho thị trường VLXD hiện đại. Việc người dân được tiếp cận vật liệu tiên tiến trong không gian trưng bày chuyên nghiệp đã thay đổi đáng kể nhận thức tiêu dùng.
Tuy nhiên, đầu tư showroom không dễ dàng, nhất là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông Trần Thanh – Phó Giám đốc Nhà máy nội thất tháng 5 thẳng thắn, phát triển showroom cũng đối diện với không ít khó khăn. Với doanh nghiệp nhỏ và vừa, bài toán mặt bằng, chi phí thiết kế và vận hành là không hề nhỏ. Ước tính, một showroom vật liệu tích hợp tại Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh có chi phí khởi điểm từ 2 – 5 tỷ đồng, chưa kể chi phí duy trì hoạt động, nhân lực kỹ thuật, công nghệ trình diễn.
“Chúng tôi đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng để mở showroom tại Hà Nội. Đây là khoản chi lớn, nhưng nhờ đó khách hàng tin tưởng hơn, doanh thu tăng 20% chỉ trong 6 tháng” - ông Thanh cho hay.
Một thách thức khác là việc đào tạo đội ngũ tư vấn kỹ thuật, thiết kế không gian trải nghiệm đạt chuẩn và cập nhật liên tục sản phẩm công nghệ mới – điều không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ năng lực và nhân sự để thực hiện.
Ngoài ra, hiện chưa có quy định, chính sách hỗ trợ riêng cho việc phát triển showroom vật liệu hiện đại như ưu đãi về thuế, mặt bằng hay quỹ xúc tiến thương mại. Điều này khiến không ít doanh nghiệp dù có sản phẩm tốt vẫn gặp khó khi muốn tiếp cận thị trường bằng mô hình showroom chuyên nghiệp.
Trong khi đó, thị trường lại đang phân hóa mạnh giữa nhu cầu công trình cao cấp và đại trà. Với một bộ phận chủ đầu tư còn đặt nặng yếu tố giá, showroom khó thuyết phục nếu không gắn liền với chiến lược đồng bộ về tiêu chuẩn xây dựng, tiết kiệm năng lượng và nhãn xanh.
Giới chuyên gia kiến nghị, cần xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển hệ thống showroom VLXD tương tự như hạ tầng thị trường cho nông nghiệp. Chuyên gia về vật liệu xây dựng, Thạc sĩ Phạm Ngọc Trung cho rằng: “Nếu xem showroom là đầu mối kết nối giữa nhà sản xuất – thiết kế – người tiêu dùng, Nhà nước cần có ưu đãi thuế, hỗ trợ thuê mặt bằng, hoặc quỹ xúc tiến thương mại như các trung tâm logistics hay chợ đầu mối”.
Theo xu hướng toàn cầu, showroom không còn đơn thuần là điểm bán hàng mà là nơi lan tỏa xu hướng sống xanh, thẩm mỹ mới và tiêu chuẩn kỹ thuật cao trong xây dựng. Trong giai đoạn ngành xây dựng hướng tới phát triển bền vững, showroom chính là cánh tay nối dài giữa công nghệ, người tiêu dùng và thị trường.
Trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh chiến lược tăng trưởng xanh, xây dựng tiêu chuẩn công trình tiết kiệm năng lượng và ứng dụng vật liệu mới, mô hình showroom nếu được hỗ trợ đúng mức có thể trở thành một trong những công cụ thúc đẩy chuyển đổi thói quen tiêu dùng.
Bên cạnh đó, showroom cần vượt qua vai trò bán hàng, trở thành trung tâm trải nghiệm sáng tạo – nơi các bên liên quan có thể học hỏi, phối hợp và cùng thúc đẩy tiêu chuẩn công trình hiện đại. Đây chính là một trong những mắt xích quan trọng nếu Việt Nam muốn xây dựng hệ sinh thái VLXD bền vững, minh bạch và cạnh tranh toàn cầu.