Quảng Bình: Để sản phẩm gạch không nung đi vào thực tiễn đời sống
Tin tổng hợp 09:32 - 26/12/2018
Gạch không nung là một sản phẩm thân thiện với môi trường, mang lại rất nhiều lợi ích cho đời sống. Tuy nhiên, việc tìm đầu ra cho vật liệu xây dựng không nung (VLXKN) cũng như thay đổi thói quen sử dụng của người tiêu dùng không hề đơn giản.
Gạch không nung được khuyến khích sử dụng trong thi công xây lắp
Vẫn khó cạnh tranh
Theo số liệu thống kê, hiện nay trên toàn tỉnh Quảng Bình đã đầu tư 13 dây chuyền sản xuất gạch xi măng cốt liệu, với tổng công suất khoảng 160 triệu viên/năm. Với năng lực và công suất như vậy, có thể thấy nguồn cung các sản phẩm gạch không nung rất dồi dào, đáp ứng đủ cho nhu cầu xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp. Song, thực tế thì việc tiêu thụ và sử dụng gạch không nung lại gặp nhiều khó khăn, không như mong đợi. Có thể thấy rõ vấn đề này khi vào mùa xây dựng, trong khi các sản phẩm xi măng, gạch nung, gạch men, gỗ xây dựng sản xuất đến đâu bán đến đó thì sản phẩm gạch không nung tiêu thụ rất hạn chế, sản phẩm tồn đọng nhiều, dây chuyền sản xuất không hoạt động hết công suất. Như, Cty TNHH thương mại và phát triển công nghệ Quảng Hà đã nhận lại dây chuyền sản xuất gạch không nung do Công ty CP Cosevco6 đầu tư từ năm 2012, dây chuyền nhập khẩu từ Hàn Quốc với công suất 20 triệu viên/năm. Sản phẩm chủ yếu của xí nghiệp là gạch xây rỗng và đặc, nhưng do thị trường khó tiêu thụ nên sản lượng trong những năm qua đạt xấp xỉ 50% công suất thiết kế. Hay Cty CP Khoáng sản Thuận Sơn đi vào hoạt động từ năm 2016 với công suất thiết kế lên đến 15 triệu viên/năm. Tuy được đầu tư lớn về kinh phí nhưng hiện tại Cty cũng chỉ cung ứng ra thị trường được khoảng 50% sản phẩm so với công suất thiết kế.
Nguyên nhân và hướng giải quyết
Nguyên nhân của thực trạng này, đầu tiên phải nhắc đến là do ảnh hưởng từ thói quen tiêu dùng của người dân vẫn thích sử dụng gạch nung đất sét, chưa mặn mà với sản phẩm mới nên tình trạng cung vượt cầu là điều khó tránh khỏi. Song, điều này đúng nhưng chưa đủ, bởi thói quen vẫn có thể thay đổi được theo thời gian khi mà người dân hiểu tác hại của việc sử dụng gạch đất sét nung trong công trình xây dựng và lợi ích mà VLXKN mang lại.
Nhưng, do VLXKN là loại sản phẩm thay thế cho gạch đất sét nung sử dụng vào các hạng mục xây dựng móng, phần bao che và tường ngăn trong các công trình xây dựng nhưng lại có nhiều nhược điểm như trọng lượng viên xây lớn, chưa có sự thống nhất về quy cách, kích cỡ. Bên cạnh đó, tay nghề của thợ xây dựng đã quen với việc sử dụng gạch nung từ nhiều đời nay cùng với những dụng cụ đơn giản. Trong khi thi công VLXKN đòi hỏi phức tạp hơn từ tay nghề của người thợ cho tới dụng cụ thi công, hồ vữa. Mặt khác, một số công trình xây dựng do chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn giám sát thiếu hướng dẫn, thông tin cụ thể với nhà thầu thi công về các yêu cầu kỹ thuật mới khi sử dụng loại vật liệu này trong xây dựng… dẫn tới trong quá trình tiêu thụ, thi công ở một số công trình không đúng quy trình kỹ thuật đã tạo ra các vết nứt, từ đó gây mất lòng tin đối với người sử dụng.
Xét về chi phí xây dựng thì do không phát huy được công suất nên khấu hao lớn dẫn tới giá VLXKN cao hơn giá gạch nung. Hiện chỉ có một số loại gạch block kích thước lớn, lỗ rỗng mới có ưu thế về giá, các loại gạch lỗ nhỏ và đặc biệt là gạch đặc nhẹ thì giá thành vẫn cao hơn gạch đất nung. Chẳng hạn, tại huyện Lệ Thủy, Bố Trạch gạch 6 lỗ không nung có giá là 2.200 đồng/viên trong khi gạch tuynen 6 lỗ có giá 2.000 đồng/viên. Với giá cả như vậy thì chi phí xây dựng công trình sử dụng gạch không nung sẽ cao hơn sử dụng gạch nung. Do đó, người tiêu dùng sẽ có ưu thế lựa chọn gạch nung cho công trình của mình. Còn đối với các công trình có vốn Nhà nước, nếu Sở Xây dựng không đề cập đến việc sử dụng vật liệu không nung thì chủ đầu tư vẫn sử dụng gạch nung truyền thống để tiết kiệm chi phí.
Một nguyên nhân nữa, theo ông Hoàng Minh Thái - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Bình từng phân tích thì: “Theo phần định mức dự toán xây dựng - Phần sửa đổi bổ sung kèm theo Quyết định 1264/QĐ-BXD đã công bố thì kích thước các chủng loại gạch nêu trong định mức là những loại không phổ biến trên địa bàn tỉnh nên gặp khó khăn trong khâu dự toán đối với các chủng loại vật liệu xây này”.
Trước những khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm VLXKN, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình đã thực hiện hướng dẫn, tư vấn để các tổ chức, cá nhân sản xuất gạch không nung chấp hành đúng các quy định, tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn để sản xuất. Theo định kỳ hoặc đột xuất, Sở Xây dựng đã tổ chức lấy mẫu kiểm tra chất lượng một số đơn vị sản xuất gạch không nung trên địa bàn. Trước một số thông tin phản ánh việc sử dụng VLXKN gây nứt tường ở một số công trình trên địa bàn tỉnh, Sở đã tổ chức kiểm tra, xem xét cụ thể tại các công trình và đưa ra kết luận.
Sản phẩm gạch không nung dùng khuôn đúc sẵn, vừa được ra lò từ hệ thống ép dùng công nghệ ép tĩnh.
Ngoài ra, để VLXKN đi vào cuộc sống thì ngoài việc phân loại gạch không nung theo nguyên liệu đầu vào, khả năng chịu lực, chịu nhiệt, trọng lượng thì cần phải tìm hiểu, phân tích thị trường để phân loại đối tượng sử dụng là những ai, loại nào dùng cho công trình nào là phù hợp.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý, các địa phương cần có những chế tài và biện pháp đủ mạnh nhằm hạn chế, tiến tới dần xóa bỏ tình trạng dễ dãi, tùy tiện trong các hoạt động khai thác và sử dụng nguyên liệu sản xuất gạch nung như hiện nay, có như vậy, mới tạo ra được một môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các sản phẩm gạch không nung.
N