Thoát nước đô thị chưa được chú trọng
Đã trải qua rất nhiều lần thay đổi mẫu thiết kế và các vật liệu sử dụng để lát vỉa hè ở các đô thị lớn như gạch bê tông xi măng, gạch tự chèn (hay còn gọi là gạch con sâu) và hiện nay là dùng đá tự nhiên (đá xẻ). Nhưng dường như vấn đề thoát nước vỉa hè góp phần giải quyết tình trạng ngập úng vào mùa mưa tại các đô thị vẫn chưa được chú trọng. Hay nói cách khác, toàn bộ nước mưa vẫn theo bề mặt vỉa hè dồn xuống cống rãnh thoát nước nhỏ, sau đó chảy ra cống to, gây ra áp lực lớn cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật của thành phố.
Trao đổi với Báo Lao Động, ông Trần Bá Việt - Trưởng Ban Tiêu chuẩn Bê tông cốt thép của Bộ Xây dựng (TCVN/TC71), Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bê tông Việt Nam - cho biết: “Các vật liệu đã được dùng để lát vỉa hè đô thị đều có ưu, nhược điểm riêng. Sau khi ban hành Quyết định số 1303/QĐ-UBND ngày 21.3.2019 về “Thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn Thành phố Hà Nội”, hiện nay, nhiều tuyến phố được thay lát bằng đá tự nhiên (hay còn gọi là đá xẻ). Bên cạnh những ưu điểm đẹp, độ bền cao, chịu lực tốt thì lát vỉa hè bằng đá sẽ tốn kém hơn rất nhiều. Thêm nữa, sau một thời gian sử dụng mặt đá bị mòn, xuống cấp, độ ma sát thấp sẽ dẫn đến trơn trượt rất nguy hiểm cho người đi bộ. Và đặc biệt là sẽ không tiêu thoát nước được. Nước trên mặt vỉa hè sẽ chảy dồn toàn bộ vào hệ thống thoát nước đô thị, gây ngập úng khi mưa dồn dập”.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, hiện tượng khó thoát nước, gây ngập úng của Hà Nội có phần tác động không nhỏ từ việc sử dụng vật liệu lát gạch vỉa hè là đá tự nhiên. Không những thế, việc lát đá tự nhiên cho vỉa hè còn gây tốn kém, lãng phí vì phải tốn tiền để mua vật liệu mới, thuê nhân công, còn gạch lát cũ thì trở thành rác thải phải xử lý.
“Mặt đá vỉa hè hiện nay gãy vỡ nên mỗi khi mùa mưa tới là xuất hiện ngập úng, trơn trượt. Mỗi khi xảy ra tình trạng ngập úng như vậy làm tôi rất khó khăn trong việc đi lại hàng ngày” - chị Nguyễn Phương sống gần phố Mai Dịch chia sẻ.
Bê tông hốc rỗng giải quyết được vấn đề gì?
Theo ông Trần Bá Việt, giải quyết bài toán ngập úng của các thành phố lớn cần giải quyết những vấn đề chung, mang tính tổng thể. Hiện nay, đã và đang có nhiều giải pháp về thiết kế, vật liệu được nghiên cứu, thử nghiệm nhưng cần có kiểm chứng để đưa vào thực tiễn. Trong đó, bê tông hốc rỗng có thể coi là một giải pháp khả thi.
Từ những kết quả thí nghiệm của Viện Chuyên ngành bê tông - Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng (IBST - Bộ Xây dựng) cho thấy, bê tông rỗng là loại bê tông có cấu trúc lỗ rỗng hở liên tục, có độ rỗng 20 - 25%, độ dày 20 cm thì sẽ trữ được 4 - 5 cm nước. Thành phần tương tự như bê tông thông thường, tuy nhiên đá được dùng có cùng cỡ hạt và chứa rất ít hoặc không dùng đến cát; những hạt đá có cùng kích thước được bao phủ và dính kết với nhau tại các vị trí tiếp xúc bằng lượng hồ xi măng - đó là nguyên lý để tạo nên lỗ rỗng hở bên trong cấu trúc bêtông. Ngoài ra, những lỗ rỗng hở này cho phép hơi lạnh từ đất bên dưới làm mát bề mặt của bê tông rỗng.
Chính bởi cấu trúc lỗ rỗng mà bê tông rỗng có khả năng thoát nước rất tốt. Khi dùng đá có kích thước càng nhỏ thì kích thước các hốc rỗng sẽ giảm, nhưng độ rỗng lại tăng và từ đó làm tăng khả năng thoát nước của bê tông rỗng. Với việc sử dụng bê tông hốc rỗng, bề mặt vỉa hè được nhìn nhận như là một bề mặt thoát nước góp phần làm giảm tải ngập úng trong đô thị. Thêm nữa, bê tông rỗng cho phép nước mưa thấm vào lớp đất bên dưới nên cây cối được cung cấp nước tự nhiên, giảm chi phí tốn kém cho hệ thống tưới nước. Hiện tượng nước chảy tràn được ngăn cản, chất lượng nước được cải thiện. Đặc biệt là nguồn nước ngầm được bảo vệ.
Tuy nhiên, khả năng thoát nước của bê tông rỗng không chỉ đơn thuần phụ thuộc vào độ rỗng mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như tính liên tục, tính quanh co, bề mặt của các hốc rỗng. Do đặc tính thoát nước tốt, độ ma sát cao hơn đá tự nhiên nên có thể ứng dụng bê tông rỗng vào các công trình đô thị công cộng như lề bộ hành, công viên, bãi đỗ xe, taluy, mái dốc ven sông...
Mặc dù là bê tông có cấu trúc rỗng, nhưng bê tông rỗng vẫn đạt được cường độ và độ bền cần thiết. Hiện nay, việc sử dụng các loại phụ gia cho phép giảm lượng nước nhào trộn để cải thiện cường độ và độ bền, thì việc thi công tốt vẫn rất cần thiết để đảm bảo mối liên kết giữa các hạt cốt liệu với nhau trong khi vẫn đảm bảo độ rỗng cần thiết.
Cùng với sự phát triển của các đô thị lớn, những thành phố, đã tác động sâu sắc tới hệ thống dòng chảy tự nhiên và nguồn nước tại chỗ. Quá trình đô thị hoá làm thay đổi không chỉ đơn thuần về điều kiện vật lý mà cả điều kiện hoá học và sinh vật học của nguồn nước. Do lớp bao phủ bề mặt tại các khu đô thị như: Đường sá, sân bãi, công viên, nhà cửa... được làm từ vật liệu không thấm đã làm chậm quá trình bốc hơi nước vào không khí để ngưng tụ thành mưa tức là ngăn cản vòng tuần hoàn nước tự nhiên và điều này là khởi đầu cho sự thay đổi về thời tiết, làm nhiệt độ đô thị tăng cao vào những ngày nắng nóng. Ông Việt cho hay: “Theo tính toán, việc lát đá tự nhiên có thể làm nhiệt độ đô thị có thể tăng thêm từ 20-40oC vào mùa nắng nóng. Điều này gây ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng sống đô thị. Ngược lại vào mùa mưa, nước không dễ dàng thấm qua đá vào đất, để bổ sung vào nguồn nước tự nhiên mà lại chảy tràn trên bề mặt gây ra hiện tượng ngập úng, lầy lội”.
Ông Việt cho biết thêm: “Ngoài ưu điểm góp phần giảm tải ngập úng vào mùa mưa, việc sử dụng bê tông rỗng còn giúp giảm nhiệt độ đô thị khi lượng nước mưa thấm vào đất thông qua các lỗ rỗng có thể bốc hơi, làm giảm nhiệt độ đô thị vào những ngày nắng nóng, cải thiệt chất lượng sống. Hệ sinh thái dưới đất (như giun, dế, các sinh vật sống trong lòng đất...) cũng sẽ được cân bằng nhờ lượng nước ngầm được bảo vệ”.
Rất nhiều ưu điểm nhưng bê tông rỗng lại có giá thành thấp, thấp hơn giá thành lát đá rất nhiều, thậm chí còn rẻ hơn cả gạch tự chèn khi sản xuất với số lượng lớn. Thông thường, bê tông rỗng sẽ có màu xi măng nhưng hoàn toàn có thể nhuộm màu theo yêu cầu.
Trên thế giới, bê tông hốc rỗng được nghiên cứu, phát triển và sử dụng khá lâu và tại Việt Nam mặc dù đã có một số nghiên cứu ứng dụng về công nghệ bê tông rỗng nhưng theo ông Việt bê tông rỗng vẫn chưa được đưa vào sử dụng.
Ngoài ưu điểm góp phần giảm tải ngập úng vào mùa mưa, việc sử dụng bê tông rỗng còn giúp giảm nhiệt độ đô thị khi lượng nước mưa thấm vào đất thông qua các lỗ rỗng có thể bốc hơi, làm giảm nhiệt độ đô thị vào những ngày nắng nóng, cải thiện chất lượng sống.