Từ đáy bùn đen nô lệ
120 năm trước, ngày 25/12/1899, trên mảnh đất ngã ba sông Cấm và kênh đào Hạ Lý ngày nay, Nhà máy Xi măng Hải Phòng chính thức được khởi công xây dựng, đích thân toàn quyền Đông Dương Pôn Đume đã đặt khối đá vôi lớn tại chân móng lò nung, đánh dấu sự ra đời của một huyền thoại - Xi măng Hải Phòng trường tồn qua 3 thế kỷ, lớn mạnh cùng đất nước.
Dưới thời Pháp thuộc, Nhà máy Xi măng Hải Phòng là cơ sở duy nhất ở Đông Dương sản xuất xi măng phục vụ chính sách khai thác thuộc địa. Do máy móc thiết bị còn thô sơ, lạc hậu, điều kiện làm việc nặng nhọc, lại bị áp bức bóc lột nặng nề, nên công nhân xi măng đã anh dũng đấu tranh, từ tự phát sang tự giác, trở thành lực lượng tiên phong cách mạng của Hải Phòng và cả nước.
Ban đầu nhà máy có 4 lò nung, kiểu lò đứng thủ công, công suất 25 tấn/ngày/lò, sản xuất theo phương pháp khô. Đến năm 1925 phát triển lên 15 lò với tổng công suất 150 nghìn tấn xi măng/năm, theo phương pháp khô - phương pháp sản xuất xi măng hiện đại nhất thời bấy giờ. Đến năm 1931, nhà máy bỏ dần lò đứng, chuyển sang lò quay; tiếp tục nâng công suất lên 300 tấn/ngày.
Nhà máy xi măng được xây dựng và mở mang cùng với quá trình đô thị hóa, đưa Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp lớn nhất Bắc kỳ, bến cảng thứ nhì Đông Dương. Đội ngũ công nhân cũng phát triển nhanh, khi mới xây dựng toàn nhà máy có 100 công nhân, sau tăng lên đến 6 - 7 nghìn người. Họ là những người thợ xuất thân từ nông dân, ngư dân và thợ thủ công đến từ Hải Phòng và các tỉnh lân cận như Hà Nam, Nam Định, Thái Bình… sống tập trung trong các xóm thợ Đình Hạ (Thượng Lý), Chiêu Thương (Hạ Lý), phố Bàng (An Lạc - Thượng Lý).
Chính điều kiện lao động khắc nghiệt trong môi trường nhiệt độ cao, tiếng ồn, thợ lò thường bị cháy sém lông mi, lông mày, mắt mờ, họng khô rang; thậm chí khi chuyển clinker ra lò thợ phải đội trên đầu thúng nguyên liệu nóng, nặng trĩu. Họ khổ đến mức đầu trui, mảng da đầu tuột đầy sẹo, người lở loét, sần sùi như phong hủi. Ông Đặng Xuân Thiều - công nhân nhà máy hồi ký: Những đau khổ cung cực, những uất ức căm thù của những người bốn phương xô đẩy đến đây, cùng đường không thể lao xuống biển được nên đã đoàn kết rất chặt chẽ trong đấu tranh chống tư bản bóc lột. Ngọn lửa yêu nước, căm thù giặc sâu sắc được người thợ xi măng hun đúc!
Đến sự vùng dậy đấu tranh, bất khuất, kiên trung
Trong điều kiện làm việc nặng nhọc, bị áp bức bóc lột, các thế hệ công nhân nhà máy đã hun đúc tinh thần đấu tranh cách mạng từ tự phát sang tự giác, trở thành một trong những lực lượng cách mạng đầu tiên ở thành phố Cảng.
Từ năm 1927, các tổ chức cách mạng trong nhà máy lần lượt ra đời, như Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Công hội đỏ, Xích vệ đỏ. Đáng chú ý, sự kiện ngày 15/8/1929, Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập với 18 đảng viên ở nhà máy, là một trong những chi bộ đầu tiên của Hải Phòng cũng như miền Bắc lúc bấy giờ. Sự ra đời của chi bộ Đảng đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng cho phong trào đấu tranh của công nhân, thợ thuyền.
Sau khi thành lập gần 4 tháng, ngày 08/01/1930, Chi bộ Xi măng Hải Phòng lãnh đạo cuộc bãi công lớn trong toàn nhà máy, với sự tham gia của hơn 2 nghìn công nhân đòi tăng lương, giảm giờ làm. Cuộc bãi công giành thắng lợi, buộc giới chủ Pháp phải chấp nhận các yêu sách của công nhân. Ngày 08/01 đã trở thành ngày truyền thống của Nhà máy Xi măng Hải Phòng, nay là Ngày truyền thống ngành Xi măng Việt Nam. Cuối năm 1955, Đảng bộ Nhà máy Xi măng Hải Phòng được thành lập, đánh dấu sự trưởng thành của tổ chức Đảng, phù hợp yêu cầu, đặc điểm tình hình, giai đoạn cách mạng mới.
Từ năm 1955 đến ngày thống nhất đất nước, Đảng bộ, công nhân Nhà máy Xi măng Hải Phòng đã hoàn thành vai trò làm chủ, đoàn kết một lòng, khắc phục mọi khó khăn, duy trì sản xuất ổn định; vượt qua thử thách về kỹ thuật sản xuất xi măng, về công tác quản lý và đã đạt thành công về nhiều mặt.
Nhà máy nhiều lần được Nhà nước chọn làm điểm về các mặt quản lý kinh tế. Tổ Đá nhỏ ca A, phân xưởng Máy đá được công nhận là Tổ lao động XHCN đầu tiên, là con chim đầu đàn của phong trào tổ, đội lao động XHCN toàn miền Bắc, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1974. Trong phong trào làm theo lời Bác đã xuất hiện các Anh hùng Lao động như: Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Hiền Viết, Nguyễn Văn Vinh… và nữ công nhân tiêu biểu của nhà máy thời kỳ bấy giờ là đồng chí Trương Thị Len, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Đại biểu Quốc hội khóa II.
Giai đoạn 1965 - 1975, Đảng bộ, công nhân Nhà máy Xi măng Hải Phòng đã dũng cảm đối đầu thử thách ác liệt của hai cuộc chiến tranh phá hoại và phong tỏa của đế quốc Mỹ, kiên cường bám trụ. Đây là thời kỳ ác liệt nhất, mất mát hy sinh rất nhiều, nhà máy bị tàn phá nặng nề, nhưng cũng là thời kỳ oanh liệt nhất, kiên cường nhất, sáng tạo nhất. Thời kỳ vừa sản xuất vừa chiến đấu, người thợ xi măng “tay búa, tay súng” với lời thề “Tim còn đập, Lò còn quay”; “Hãy sản xuất thật nhiều xi măng cho Tổ quốc”, khắc phục những hậu quả nặng nề của chiến tranh, khôi phục sản xuất và cho ra lò 2,855 triệu tấn xi măng, kịp thời phục vụ các công trình kinh tế và quốc phòng, góp phần xây dựng hậu phương lớn miền Bắc XHCN.
Ngọn lửa yêu nước, cách mạng luôn cháy rực trong tim người thợ Xi măng. Ngọn lửa ấy biến thành sức mạnh tập thể để cháy rực tinh thần ngày 08/01 bất diệt, là khát khao cống hiến lao động sản xuất, bảo vệ nhà máy trong chiến tranh!
Và ngọn lửa truyền thống bất diệt!
Ngọn lửa truyền thống ngành Xi măng được hun đúc từ tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất kiên trung của người thợ xi măng. Ngọn lửa ấy qua các thời kỳ khác nhau vẫn mãi rực cháy. Năm nào cũng vậy, ngày 08/01 hàng năm, cán bộ công nhân viên Xi măng lại cùng ôn lại truyền thống bất khuất hào hùng.
Ngọn lửa yêu nước được hun đúc từ khó khăn gian khổ thời kỳ nô lệ, đến khát khao bảo vệ xây dựng Tổ quốc thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đến nay, trong thời kỳ hòa bình, ngọn lửa truyền thống lại rực cháy khát khao cống hiến, sản xuất thật nhiều xi măng để xây dựng Tổ quốc, để xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như lời Bác hằng mong mỏi.
Thế hệ người Xi măng hôm nay đang khát khao xây dựng một ngành sản xuất xi măng tiêu chuẩn xanh với phát thải CO2 thấp nhất, giảm tối đa việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản mà đi đầu là VICEM. Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh, nghi thức trao đuốc giữ lửa ấy thể hiện truyền thống đoàn kết, vươn lên, vượt khó, niềm khát khao được cống hiến trí tuệ, sức lực của các cán bộ, công nhân viên VICEM qua các thời kỳ, vì sự phát triển của ngành Xi măng Việt Nam.
Ngày 30/5/1957, cán bộ, công nhân Nhà máy Xi măng Hải Phòng vinh dự đón Bác Hồ về thăm. Bác đến khu chuyển đá, bừa bùn, lò nung, đóng bao và nói chuyện với cán bộ, công nhân tại Nhà tháo (phân xưởng đóng bao): Nhà máy Xi măng Hải Phòng trước đây là của thực dân, bây giờ là của các cô các chú. Người công nhân trước đây là người làm thuê cho tư bản, bây giờ là người làm chủ đất nước, phải xứng đáng với vai trò của mình…
|