4 lĩnh vực được ưu tiên vay vốn xanh
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, đề ra nhiều nhiệm vụ “dài hơi” trong đó có hoàn thiện cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, khung chính sách dài hạn để khuyến khích, ưu đãi, và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế tuần hoàn.
Tuy nhiên, trong Dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định để tạo “sức sống” cho các chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn thì cách tiếp cận tuần tự, truyền thống là chưa đủ và phải cần có thêm động lực từ thúc đẩy “phục hồi xanh”.
Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, 4 lĩnh vực được phép thử nghiệm tại Cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn gồm có: Nông, lâm nghiệp và thủy sản; Công nghiệp; Năng lượng tái tạo và Vật liệu xây dựng.
Theo đó, các dự án thử nghiệm thuộc 4 lĩnh vực trên sẽ được tiếp cận, vay vốn ưu đãi xanh của các tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư và hợp tác với các đơn vị có chức năng phát hành trái phiếu xanh.
Lý giải về đề xuất này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, hiện tại các quy định về tín dụng xanh còn thiếu. Bản thân các tổ chức tín dụng cũng ngần ngại trong việc cung ứng tín dụng xanh, do khung pháp lý chưa thực sự rõ ràng (chủ yếu phải dựa trên khung ESG).
Trong khi đó, ngay cả khi có các quy định pháp lý cụ thể thì rủi ro tiếp cận tín dụng xanh vẫn còn khi mà các nước gia tăng các quy định về phát triển bền vững, trong đó có các tiêu chuẩn xanh liên quan đến sản xuất và xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam.
Tương tự, các quy định về trái phiếu xanh còn thiếu. Bản thân các định chế tài chính cũng ngần ngại trong việc đầu tư vào trái phiếu xanh do khung pháp lý chưa thật rõ ràng.
Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị, các dự án kinh tế tuần hoàn có thể tham gia cơ chế thử nghiệm thông qua việc được cấp giấy chứng nhận đăng ký. Tùy thuộc vào loại hình dự án (toàn phần hoặc bán phần), cơ chế này cho phép các dự án được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, vay vốn không bảo lãnh Chính phủ, và các khoản tín dụng xanh từ tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tài chính quốc tế, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Quỹ phát triển địa phương và các quỹ khác như quỹ môi trường, quỹ phát triển xanh, quỹ an sinh xã hội, quỹ khoa học công nghệ của doanh nghiệp, tổ chức và định chế tài chính.
Ngoài ra, các dự án tham gia Cơ chế thử nghiệm cũng được tiếp cận vốn thông qua trái phiếu xanh nhưng với giới hạn cụ thể và phải bảo đảm các quy định về phát hành trái phiếu xanh.
Bên cạnh vốn ưu đãi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn đề xuất Nhà nước hỗ trợ 50%-70% phí đào tạo nghề, khóa học quản trị doanh nghiệp. Cơ quan quản lý sẽ nghiên cứu xây dựng thử nghiệm sàn giao dịch trái phiếu xanh, tín chỉ carbon tự nguyện,…
Theo dự thảo, mức độ ưu đãi các chính sách nói trên sẽ dựa trên tiêu chí phân loại xanh. Thời gian của cơ chế thử nghiệm kéo dài tối đa 5 năm, có thể gia hạn một lần. Kết quả sẽ được sử dụng làm căn cứ để cơ quan có thẩm quyền xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, quy định quản lý chính thức.
Vì sao chọn những lĩnh vực trên?
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nông, lâm nghiệp và thủy sản là ngành quan trọng song chưa có đột phá về tăng năng suất lao động, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ gắn với phát triển bền vững, giảm phát thải ra môi trường.
“Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng tăng trưởng của ngành chưa được cải thiện một cách đáng kể trong nhiều năm qua. Giai đoạn 2016 – 2022, tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành là 2,98%. Tính trong 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng trung bình được nâng lên mức 3,38%”, dự thảo nêu rõ.
Lĩnh vực công nghệ cũng chưa tạo ra được sự đột phá về liên kết nội ngành và liên kết với nông, lâm nghiệp và thủy sản, và dịch vụ. Tăng trưởng của khu vực công nghiệp chỉ đạt 7,78% vào năm 2022, 3,02% vào năm 2023 và 7,54% trong 6 tháng đầu năm 2024.
Bản thân liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, dù có nhiều cải thiện, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển công nghiệp gắn với khả năng cải thiện mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập và khai thác các hiệp định thương mại tư do thế hệ mới.
Lĩnh vực năng lượng được lựa chọn do đây là các vấn đề an ninh năng lượng, giảm phát thải trong quá trình sản xuất và tiêu dùng năng lượng, tư duy phát triển xanh.
Trong khi đó, lĩnh vực vật liệu xây dựng được lựa chọn nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất và phát triển bền vững của ngành, nhất là trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang có nhu cầu xây dựng hạ tầng và các công trình dân dụng tương đối lớn.
Chẳng hạn, nhu cầu vật liệu đắp nền để phục vụ các dự án đường cao tốc phía Nam là rất lớn, song nguồn cung hiện chưa thể đáp ứng. Vì vậy, bảo đảm đủ nguồn cung vật liệu xây dựng một cách bền vững và theo cách tiếp cận cung ứng bền vững sẽ giúp đáp ứng yêu cầu phát triển hạ tầng đúng thời gian và đúng chất lượng, đồng thời tạo đột phá cho cải thiện giá trị gia tăng của ngành, dự thảo nêu rõ.
"Kinh tế tuần hoàn" là một mô hình kinh tế hiện đại với cách tổ chức khép kín và gắn kết chặt chẽ giữa các đơn vị sản xuất, dựa trên việc tận dụng tối đa các dịch vụ kết nối như tài chính, logistics, công nghệ thông tin và truyền thông.
Đây là mô hình sản xuất thông minh, hướng đến giảm chi phí và tối ưu hóa giá trị gia tăng bằng cách: giảm thiểu chất thải, hợp lý hóa quy trình đầu vào – đầu ra, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng năng suất và thu nhập cho người lao động.
Đồng thời, kinh tế tuần hoàn khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, phục hồi tài nguyên, tiêu dùng bền vững và giảm phát thải nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, mở ra cơ hội phát triển bền vững cho nền kinh tế và xã hội.