Nghiên cứu công nghệ khai thác, xử lý mặn nhằm thăm dò, khai thác hiệu quả cát sỏi đáy biển
Công nghệ 04:23 - 24/10/2020
Các kết quả điều tra địa chất khoáng sản biển hơn 25 năm qua đã xác định vùng biển Đông Nam Bộ (0-200 m nước) và kề cận có triển vọng về sa khoáng, đặc biệt là khoáng sản vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, hiện nay chưa được nghiên cứu, điều tra chi tiết để tiến tới khai thác sử dụng.
Thăm dò, khai thác hiệu quả cát sỏi đáy biển
Trên thế giới, rất nhiều quốc gia đã và đang thăm dò, khai thác sa khoáng và cát sỏi từ đáy biển. Sa khoáng để thu hồi titan và zircon sử dụng cho nhiều ngành công nghiệp khác nhau; cát sạn sỏi sử dụng làm cốt liệu bê tông, vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp nuôi bờ bãi.
Trong khi đó, ở Việt Nam, sa khoáng chỉ mới được khai thác ở các cồn cát, bãi cát ven biển; cát sỏi làm vật liệu xây dựng được khai thác từ các lòng sông trên đất liền. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên này ngày càng giảm mạnh và việc khai thác cũng có nhiều tác động xấu đến môi trường, nên những năm gần đây xu hướng tiến tới khai thác cát sỏi từ biển đang được quan tâm thực hiện từ khâu điều tra, đánh giá tài nguyên, công nghệ xử lý mặn, đến đánh giá tác động môi trường trong và sau khai thác.
Theo đánh giá của Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam), các kết quả nghiên cứu về thành phần vật chất và đặc điểm phân bố sa khoáng, vật liệu xây dựng ở vùng biển Đông Nam Bộ là cơ sở quan trọng để tiến hành nghiên cứu công nghệ khai thác, xử lý mặn, nhằm tiến đến thăm dò, khai thác cát sỏi đáy biển làm vật liệu xây dựng, phục vụ nhu cầu của xã hội, góp phần phát triển bền vững kinh tế biển.
Ông Vũ Tất Tuân (Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển) cho biết, vùng biển Đông Nam Bộ có thềm lục địa thoải, bề rộng lớn (200-250 km), đến độ sâu hơn 200 m nước mới chuyển sang sườn lục địa. Nguồn cung cấp vật liệu trầm tích rất lớn từ hệ thống sông Đồng Nai, sông Cửu Long. Chính nguồn cung cấp này đã tạo nên tiềm năng lớn khoáng sản sa khoáng và vật liệu xây dựng.
“Khoáng sản vật liệu xây dựng liên quan trực tiếp với tầng trầm tích cát và sạn sỏi. Tùy thuộc vào hàm lượng cát sạn sỏi mà trầm tích đáy biển được sử dụng làm cốt liệu bê tông, vữa xây trát, vật liệu san lấp, vật liệu nuôi bờ bãi. Vì vậy, dựa vào hàm lượng cát sạn sỏi từ kết quả phân tích độ hạt và bản đồ phân bố các trường trầm tích để xác định đặc điểm phân bố của khoáng sản vật liệu xây dựng”, ông Vũ Tất Tuân cho biết.
Tiếp tục đẩy mạnh điều tra, đánh giá làm rõ triển vọng khoáng sản
Theo ông Lê Văn Đức (Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển), trầm tích tầng mặt vùng biển Đông Nam Bộ (0-200 m nước) có 11 trường trầm tích, chủ yếu là trường trầm tích hạt thô như: sạn cát – sG; cát sạn – gS; cát lẫn sạn – (g)S; cát – S; cát bột – siS, diện tích phân bố khoảng 20.000 km2 tập trung từ 0 đến 100 m nước. Các trường trầm tích này chính là nguồn khoáng sản sử dụng trực tiếp làm vật liệu san lấp hoặc tuyển nâng cao chất lượng để làm cốt liệu hạt nhỏ cho bê tông và vữa; đồng thời cũng chứa khoáng vật nặng đi kèm với hàm lượng cao trong các trường trầm tích cát – S, cát bùn lẫn sạn – (g)mS, cát lẫn sạn – (g)S và cát sạn – gS.
Cụ thể, bằng công nghệ tuyển trọng lực có thể tận thu tinh quặng thô trong các trường trầm tích này với hàm lượng khoáng vật nặng dao động 0,03-1,46%, sau đó tuyển từ, tuyển điện, kết hợp tuyển trọng lực (tuyển đãi) để thu hồi các khoáng vật có ích (ilmenit, leucoxene, rutil, anataz, zircon, ít hơn có brukit và monazit).
Ông Lê Văn Đức cho hay, theo kết quả thí nghiệm 1 mẫu kỹ thuật công nghệ xác định tính khả tuyển sa khoáng cho kết quả thực thu tinh quặng ilmenite đạt hàm lượng 51,86% TiO2 với mức thực thu (TiO2 47,99%); tinh quặng Zircon 63,55%, ZrO2 với mức thực thu 67,08% và một phần khoáng vật nặng giàu Rutin.
Để sớm khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên này, Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển kiến nghị tiếp tục đẩy mạnh hoạt động điều tra, đánh giá nhằm làm rõ triển vọng khoáng sản; nghiên cứu áp dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác khoáng sản đáy biển; nghiên cứu công nghệ sử dụng cát biển làm cốt liệu bê tông và vữa.
Kết quả nghiên cứu vùng biển Đông Nam Bộ (0-200 m nước) đã khoanh định được 5 vùng triển vọng sa khoáng phân bố ở độ sâu 0-70 m nước. Các khoáng vật quặng có ích trong các vùng triển vọng này gồm ilmenit, leucoxene, rutil, anataz, zircon, brukit và monazit với hàm lượng trung bình từ 400 đến 5042 g/m3 và tài nguyên dự báo khoảng 20 triệu tấn tinh quặng.
Ngoài ra, khoanh định được 7 vùng triển vọng khoáng sản vật liệu xây dựng phân bố ở độ sâu 5-70 m nước, chiều dày tầng sản phẩm trung bình 6-7 m, thành phần là cát, cát sạn lẫn ít vụn sinh vật với tài nguyên dự báo khoảng 35 tỷ m3.