|
Nam Định tăng cường công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động khoáng sản cát trên địa bàn tỉnh. |
Trong thời gian qua, thực hiện quy định của pháp luật về khoáng sản và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường; UBND tỉnh Nam Định đã thường xuyên chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện các biện pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, việc phối hợp của các Sở, ngành, địa phương ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn; công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh; tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển khoáng sản trái phép đã được hạn chế; trách nhiệm của chính quyền cơ sở, người dân trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản được nâng cao. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn phát sinh những vụ việc vi phạm quy định về khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản; còn khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản cát trên địa bàn tỉnh.
Để chủ động khắc phục, giải quyết các khó khăn, vướng mắc và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản; UBND tỉnh Nam Định yêu cầu các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong quản lý hoạt động khoáng sản, các nội dung theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại các văn bản: Quyết định số 09/2018/QĐ-UBND ngày 02/5/2018 ban hành quy định trách nhiệm phối hợp quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 18/CT-UBND ngày 03/10/2023 về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và chấn chỉnh hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 05/02/2024 về việc tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với các vi phạm liên quan đến hoạt động khoáng sản cát trên địa bàn tỉnh Nam Định; đồng thời tập trung chỉ đạo, phối hợp thực hiện tốt một số nội dung sau:
UBND tỉnh Nam Định giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về môi trường, tài nguyên khoáng sản; tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực khoáng sản; tham mưu quản lý chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật đối với các dự án nạo vét bến cảng, luồng lạch, vùng nước đường thủy nội địa theo quy định. Rà soát, xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ, đột xuất việc chấp hành pháp luật về khai thác khoáng sản của các đơn vị được cấp phép khai thác trên địa bàn tỉnh.
Thường xuyên phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh trong việc rà soát, thống kê, cung cấp thông tin về phương tiện đăng ký hoạt động khai thác, vận chuyển cát tại các điểm mỏ được cấp phép để phối hợp quản lý, giám sát hiệu quả; đồng thời thông báo kế hoạch, phương tiện khai thác của các điểm mỏ cho các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để cùng theo dõi, giám sát.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ, phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông thuộc phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra, rà soát về điều kiện hoạt động của các bãi tập kết, cơ sở sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng tại khu vực bờ, bãi sông trên địa bàn tỉnh.
Giao Sở Giao thông vận tải chỉ đạo lực lượng thanh tra phối hợp với lực lượng chức năng của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và lực lượng công an kiểm tra, xử lý, không để phương tiện neo đậu, bốc dỡ hàng hóa tại các bến thủy nội địa không đủ điều kiện hoạt động.
Công an tỉnh cùng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng nắm chắc tình hình, tổ chức đấu tranh có hiệu quả với các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản, các bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng, nhất là khu vực giáp ranh địa bàn các tỉnh, khu vực cửa sông, ven biển của tỉnh. Tăng cường đoàn kiểm tra liên ngành, mở các đợt cao điểm trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát. Có biện pháp phối hợp với lực lượng Công an và Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng các tỉnh: Thái Bình, Ninh Bình trong việc tuần tra, kiểm tra, xử lý các hành vi khai thác cát trái phép khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ chuyên môn.
UBND các huyện, thành phố Nam Định tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản, vận động nhân dân địa phương không khai thác, kinh doanh, vận chuyển khoáng sản trái phép. Công bố công khai số điện thoại đường dây nóng và bố trí cán bộ tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân khi phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản, nhất là hành vi khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát trái phép.
Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan kiểm tra, rà soát về điều kiện hoạt động của các bãi tập kết, cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng tại khu vực bờ, bãi sông trên địa bàn huyện và có biện pháp xử lý theo quy định đối với các bãi, cơ sở không đủ điều kiện hoạt động. Kiên quyết thực hiện các biện pháp để thu hồi, hoàn trả hiện trạng ban đầu đối với các bãi, cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng tự phát, sử dụng đất sai mục đích; phòng ngừa, giải quyết sớm tình trạng các đối tượng lợi dụng việc thuê đất để sử dụng vào mục đích tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng trái phép.
Ban hành và thực hiện nghiêm phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn; chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với Công an tỉnh và các đơn vị có liên quan đẩy mạnh kiểm tra, phát hiện và kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát trái phép; trường hợp vượt quá thẩm quyền, kịp thời báo cáo UBND tỉnh để xem xét, xử lý theo quy định.
Các Sở, ban, ngành tăng cường phối hợp rà soát, đánh giá thực hiện quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh; thường xuyên đánh giá, dự báo cung - cầu cát trên địa bàn, theo dõi chặt chẽ diễn biến về giá cát, vật liệu xây dựng, không để lợi dụng tình hình khan hiếm về cát, vật liệu xây dựng để tăng giá trục lợi.
Các tổ chức hoạt động khai thác cát trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm các quy định của giấy phép đã được cấp và các quy định của pháp luật có liên quan; không khai thác vượt quá độ sâu, phạm vi, công suất, thời gian quy định; đảm bảo môi trường và an toàn lao động. Khi phát hiện có dấu hiệu sạt lở khu vực xung quanh, phải dừng ngay hoạt động khai thác và báo cáo đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét, giải quyết. Chịu trách nhiệm lập, theo dõi, thống kê, kiểm kê sản lượng khai thác, trữ lượng mỏ; đo vẽ bản đồ hiện trạng mỏ; báo cáo định kỳ hoạt động khoáng sản về cơ quan có thẩm quyền và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính theo quy định pháp luật.
Thông báo, niêm yết công khai thông tin về dự án khai thác của mỏ được cấp phép. Thực hiện nghiêm việc quản lý, bảo vệ phao tiêu, biển báo ranh giới khu vực khai thác theo quy định; kịp thời sửa chữa, duy trì số lượng phao báo hiệu theo quy định.
Thực hiện việc đăng ký kế hoạch khai thác, phương tiện khai thác (tên chủ phương tiện, số đăng ký, đăng kiểm, sức chở/tải trọng, công dụng) cho các cơ quan chức năng để thực hiện theo dõi, giám sát. Chịu hoàn toàn trách nhiệmtrong việc giám sát phương tiện ra, vào mỏ. Thực hiện hoặc yêu cầu chủ phương tiện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với các phương tiện khai thác tại các mỏ cát làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh theo quy định.