Ảnh minh họa.
Đây là một trong những kết quả quan trọng được đưa ra trong báo cáo phát triển Bền vững năm 2024 tại Việt Nam với chủ đề “Vì một tương lai bền vững: Thúc đẩy các sáng kiến về môi trường của ASEAN” vừa được Liên minh rượu mạnh và rượu vang quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương (APISWA), công bố ngày 31/10.
Tỷ lệ tái chế rác thủy tinh ở các nước ASEAN còn rất thấp
Mặc dù thủy tinh có thể tái chế được 100%, nhưng trên toàn thế giới, 79% thủy tinh vẫn đang không được tái chế. Cải thiện hoạt động tái chế đóng vai trò then chốt đối với tính tuần hoàn của thủy tinh, nhằm giảm thiểu nhu cầu khai thác tài nguyên thiên nhiên và tận dụng khả năng tái chế vô hạn của thủy tinh.
Thống kê hiện nay, tỷ lệ tái chế thủy tinh ở các nước ASEAN vẫn còn thấp so với các quốc gia, khu vực khác; và thuỷ tinh cũng là vật liệu được tái chế ít hơn so với các loại vật liệu khác.
Do nhu cầu thấp từ các chủ doanh nghiệp phế liệu khiến những người thu gom phế liệu và công nhân vệ sinh không có động lực thu gom và bán rác thải thủy tinh. Hệ quả là hầu hết rác thải thủy tinh được đưa đi chôn lấp.
Do đó, thị trường ASEAN chủ yếu nhập khẩu thủy tinh tái chế. Trong khi đó nhu cầu tìm kiếm thủy tinh tái chế làm nguyên liệu thô từ các doanh nghiệp sản xuất thủy tinh trong khu vực rất lớn. Yếu tố quyết định là do tỷ lệ thu gom thủy tinh để tái sử dụng thành thành phần thủy tinh tái chế còn thấp.
Ước tính tỷ lệ tái chế thủy tinh trung bình tại châu Âu là 74%, tại Mỹ là 33%, còn tại các nước như Singapore (14%), Malaysia (10%) và Việt Nam (15%).
Theo báo cáo này, thủy tinh là một thành phần thiết yếu trong ngành sản xuất rượu, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong vật liệu đóng gói chính. Ưu điểm nổi bật nhất của bao bì thủy tinh là khả năng tái chế 100% và có thể tái chế vô hạn mà không làm giảm chất lượng hoặc độ tinh khiết. Điều này khiến thủy tinh trở thành lựa chọn lý tưởng cho nền kinh tế tuần hoàn.
Nghiên cứu chỉ rõ: thủy tinh vụn có thể thay thế tới 95% nguyên liệu thô được sử dụng để sản xuất thủy tinh. Thông qua việc tái chế thủy tinh, các nhà sản xuất được hưởng lợi ích từ việc tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu tiêu thụ nguyên liệu thô và khí thải carbon.
Tại Việt Nam, chỉ có khoảng 6% chủ doanh nghiệp phế liệu thu mua rác thải thủy tinh sau tiêu thụ, trong đó nhu cầu đối với thủy tinh màu thậm chí còn thấp hơn so với thủy tinh trong. Do nhu cầu thấp từ các chủ doanh nghiệp phế liệu khiến những người thu gom phế liệu và công nhân vệ sinh không có động lực thu gom và bán rác thải thủy tinh. Hệ quả là hầu hết rác thải thủy tinh được đưa đi chôn lấp hoặc được xử lý như vật liệu lấp trong công trình xây dựng.
Xu hướng tiêu dùng bền vững sẽ thúc đẩy nhu cầu tái chế, giảm thiểu rác thải thủy tinh
Tương tự như các ngành khác, hiệu quả tái chế thủy tinh phụ thuộc lớn vào sự tham gia và ý thức của người tiêu dùng. Người tiêu dùng đóng vai trò then chốt trong phân loại và xử lý đúng rác thải thủy tinh, ở hộ gia đình hay khu vực thương mại, quán bar, nhà hàng. Đặc biệt, trong bối cảnh xu hướng tiêu dùng bền vững ngày càng gia tăng, người tiêu dùng sẽ thúc đẩy nhu cầu tái chế, góp phần giảm thiểu rác thải thủy tinh và bảo vệ môi trường.
Theo khảo sát gần đây của Bain & Company với hơn 16.000 người tiêu dùng tại 11 quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương, tiêu chí "tốt cho môi trường" đã vươn lên vị trí thứ 3 trong số các tiêu chí mua hàng quan trọng nhất.
Người tiêu dùng có ý thức về môi trường và xã hội chiếm 14% tổng số người tiêu dùng ở Châu Á - Thái Bình Dương.
Theo chuyên gia, bên cạnh cải thiện cơ sở hạ tầng giúp cải thiện hoạt động tái chế rác thải, việc đầu tư vào nhận thức và giáo dục có thể giúp nâng cao mức độ hiểu biết về nhu cầu tái chế và cách thức thực hiện, tăng động lực để hành động. Điều này không chỉ áp dụng ở cấp độ người tiêu dùng mà còn có thể mở rộng cho toàn bộ chuỗi giá trị.
Kết quả phỏng vấn người tiêu dùng tại Việt Nam của Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á (EPPSEA) cho thấy hơn 90% người tiêu dùng nhận thức được tầm quan trọng của việc tái chế nói chung; hơn 75% người tiêu dùng cho biết họ sẵn sàng hỗ trợ các sáng kiến tái chế.
Ông Davide Besana, Giám đốc APISWA, cho biết các công ty thành viên của APISWA đang tìm kiếm cơ hội để thí điểm và mở rộng các sáng kiến với kênh tiêu thụ tại chỗ và ngoài điểm bán, cũng như mong muốn hợp tác với các Chính phủ và đối tác liên ngành để hỗ trợ tăng tỷ lệ tái chế thủy tinh.
Tại Việt Nam, APISWA cũng đã hợp tác với Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á (EEPSEA) nghiên cứu con đường phát triển và chuỗi giá trị của rác thải thủy tinh sau tiêu dùng.
Báo cáo cho thấy cơ sở hạ tầng để phân loại, thu gom và tái chế chai thủy tinh tại Việt Nam vẫn chưa phát triển. Việc xác định những thách thức các bên liên quan trong toàn bộ chuỗi giá trị tại Việt Nam phải đối mặt, từ người thu gom đến các doanh nghiệp phế liệu và nhà sản xuất thủy tinh, cũng như người tiêu dùng đòi hỏi nhiều nguồn lực và hoạt động. Cách tiếp cận toàn diện này là chìa khóa để phát triển các giải pháp phù hợp mang lại sự thay đổi trong ngành tái chế thủy tinh.
Theo ông Bayard Sinnema, Giám đốc Thương mại châu Á của O-I, thị trường thủy tinh tại Việt Nam có sản lượng khoảng 220.000 tấn, đồng nghĩa với rất nhiều cơ hội để xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững và có khả năng mở rộng quy mô, mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan. Ngành này có thể dẫn đầu trong việc thúc đẩy các nỗ lực giáo dục hệ sinh thái tái chế rác thải thủy tinh về giá trị của việc chuyển hướng thủy tinh khỏi bãi chôn lấp. Khi chỉ ra được các cơ hội và giá trị trong tái chế thủy tinh có thể thu hút nhiều nguồn đầu tư hơn để xây dựng cơ sở hạ tầng tốt hơn.
Năm 2020, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á giới thiệu chương trình Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). EPR yêu cầu các công ty sản xuất và nhập khẩu đóng góp vào những nỗ lực quốc gia nhằm tăng tỷ lệ tái chế tại hộ gia đình với các vật liệu như nhựa PET, lon nhôm và thủy tinh…
Ông Hồ Quốc Thông, Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á (EEPSEA), cho rằng lựa chọn tốt nhất hiện nay là kết hợp những công cụ pháp lý và công cụ dựa trên thị trường, cũng như hợp tác với các hiệp hội trong ngành như APISWA để thực hiện giáo dục cộng đồng, sáng kiến hành vi về tái chế thủy tinh.
“EPR là cơ hội để các nhà sản xuất chia sẻ trách nhiệm với Chính phủ và xã hội vì sự phát triển bền vững”, ông Thông nói. Điều này bao gồm việc triển khai các chương trình thí điểm để hỗ trợ những người thu gom rác thải, doanh nghiệp và hộ gia đình giảm chi phí tái chế thủy tinh hoặc thiết lập các ưu đãi kinh tế phù hợp cho thị trường tái chế thủy tinh.
Việc tạo ra thị trường tái chế rác thải thủy tinh cũng góp phần làm cho ngành công nghiệp thủy tinh bền vững hơn thông qua giảm tiêu thụ năng lượng và sự phụ thuộc vào nguyên liệu thô.