Một số công trình sử dụng vật liệu xây không nung tại Hà Nội.
Tiêu chuẩn quốc gia cho gạch bê tông TCVN 6477-2016
Cho đến nay, đã có Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6477-2016, thay thế TCVN 6477:2011, áp dụng cho gạch bê tông được sản xuất từ hỗn hợp bê tông cứng dùng trong các công trình xây dựng. Tiêu chuẩn này do Hội Bê tông Việt Nam biên soạn, Bộ Xây dựng đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ KH&CN công bố.
Theo đặc điểm cấu tạo, gạch bê tông được phân thành gạch đặc và gạch rỗng; Theo mục đích sử dụng, gạch bê tông được phân thành gạch thường (xây có trát), gồm gạch đặc thường, gạch rỗng thường và gạch trang trí (xây không trát), gồm gạch đặc trang trí, gạch rỗng trang trí;
Gạch nặng là do dùng gạch đặc, nếu dùng gạch rỗng thì nhẹ hơn, có loại gạch rỗng chỉ nặng 1,1 - 1,2 kg/viên. Có thể dùng gạch bê tông để xây nhà cao tầng, tuy nhiên, nếu xây nhà rất cao thì nên xây bằng gạch ACC hoặc các tấm panel Acotec.
Các loại gạch bê tông, gạch rung ép, gạch ép, gạch đúc rót, gạch đặc, gạch độ rỗng thấp dưới 25%, gạch độ rỗng trung bình 25 - 35%, gạch độ rỗng cao 35 - 45%, gạch độ rỗng rất cao trên 45%. Trong đó, gạch rung ép phổ biến nhất.
Gạch đặc có khối lượng thể tích 2 tấn/m3, rất nặng. Gạch độ rỗng rất cao trên 45%, thường là gạch được sản xuất bằng công nghệ đúc rót và thường có cường độ rất cao. Nếu có độ rỗng trên 35% có thể xây nhà cao tầng đến 15 tầng.
Trong quá trình thẩm định, cần xem xét kỹ nội dung này để nắm được việc tư vấn thiết kế cho công trình lựa chọn loại gạch có đúng không, nếu chọn không đúng thì hậu quả có thể gây sự cố, gây nứt, thấm.
Theo mác gạch, gạch bê tông được phân thành các loại M3,5; M5,0; M7,5; M10,0: M12,5; M15,0; và M20,0. Riêng gạch AAC chỉ có mác 3,5 và mác 4; gạch đỏ có thể lên tới mác 15 hoặc 20; gạch đặc có thể lên tới 15 hoặc 20. Thiết kế phải lựa chọn sử dụng loại gạch nào cho phù hợp từng vị trí, công năng làm sao bảo đảm phù hợp, hiệu quả về kinh tế. Ví dụ, đối với tường ngăn phòng thì không cần cường độ cao…
Người ta có thể sử dụng kết hợp với các loại gạch khác nhau. Vậy, nếu sử dụng 80 - 90% là gạch bê tông, tỷ lệ còn lại là gạch đỏ thì kết hợp như thế nào? Có thể trụ cửa hoặc một số vị trí xây bằng gạch đỏ. Sự kết hợp này phải được tính toán, nằm trong bản vẽ thiết kế thi công, từ đó mới xác định rõ, đoạn tường nào sử dụng gạch đỏ để ra định mức của gạch đỏ, đoạn tường nào sử dụng gạch bê tông để ra định mức của gạch bê tông; từ đó mới ra được định mức, ra giá để phê duyệt.
Công nhân phải được đào tạo kỹ thuật xây gạch bê tông
Việc sử dụng gạch bê tông để thi công xây dựng, cần sử dụng các vật liệu phụ đi kèm như: Viên xây bê tông rỗng và đặc; Vữa mạch mỏng, vữa trát; Neo, liên kết, tắc ke; Cột và trụ, nẹp tường; Lintel và giằng tường; Lưới sợi thuỷ tinh, đinh bê tông; Keo dán lước sợi thủy tinh; Vật liệu chống thấm WC, tường ngoài…
Cùng với các dụng cụ, máy thi công như: Dao xây; Quả dọi; Thước; Dây lèo; Máy cắt gạch; Súng hoặc búa để bắn đinh bê tông; Máy khuấy hoặc máy trộn vữa, keo dán…
Lưu ý, đối với tấm tường Acotec cũng nên có súng bắn đinh tốt hơn là dùng khoan, nếu không có súng mới dùng khoan; keo dán lưới thuỷ tinh sử dụng ở các mối nối, có thể dùng keo tổng hợp hoặc vữa trộn sẵn hoặc gói polymer trộn với xi măng ngay tại hiện trường. Vật liệu phụ và các dụng cụ đi kèm phải do các chủ thầu, chủ đầu tư trang bị cho người thợ xây.
Nếu trong quá trình thi công gạch bê tông, không có các loại vật liệu phụ hoặc các dụng cụ đi kèm, đương nhiên việc xây gạch không tốt, dễ dẫn đến nứt khối xây hoặc thấm tường khối xây.
Các loại vật liệu phụ trên đều có trong định mức do Bộ Xây dựng ban hành. Như vậy, khi thực hiện công tác giám sát, kiểm tra và khi nghiệm thu, thậm chí sau khi nghiệm thu, vẫn có thể kiểm tra được nhà thầu thi công có tuân thủ đúng việc sử dụng vật liệu phụ trong quá trình xây.
Về đà giáo thi công, riêng đối với thi công tường khối xây gạch block, đề nghị sử dụng giáo tự đứng, đã có tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng, không được dùng giáo tựa vào tường. Bởi, gạch không nung phụ thuộc vào vữa rất nhiều, khi vừa xây xong, độ hút nước thấp, việc dựa giáo vào tường bị tụt, sập đổ, mất an toàn, cho nên phải dùng giáo tự đứng, không tựa vào tường.
Đáng chú ý, công nhân phải được đào tạo về kỹ thuật xây gạch bê tông. Chủ đầu tư có thể phỏng vấn nhà thầu về việc đội ngũ công nhân đã được đào tạo thi công gạch bê tông chưa? Chứng chỉ đào tạo đâu? Trường hợp bị mất chứng chỉ, phỏng vấn trực tiếp đội ngũ công nhân xem họ có nắm được một số thao tác kỹ thuật cơ bản xây gạch bê tông không, như dán lưới thuỷ tinh vào đâu, bắn đinh bê tông vào đâu, dùng vừa như thế nào?… Tất cả các nội dung này chủ đầu tư, tư vấn giám sát có quyền kiểm tra trước khi chấp thuận nhà thầu.
Kiểm soát được thời gian xuất xưởng của gạch bê tông
Quy trình thi công điển hình gồm 6 bước: (1) Vật liệu block, vữa xây mác bằng hoặc hơn 75, phụ kiện neo, bát neo, đinh bê tông, lưới thuỷ tinh; (2) Tổng mặt bằng, mặt bằng thi công, vị trí, điện, nước, môi trường, bụi ồn, ATLĐ, PCCN; (3) Lấy mực thước, cao trình, vị trí cửa đi, cửa sổ, lỗ kỹ thuật, vị trí sẽ đổ bê tông cốt thép cho nẹp, trụ tường nhỏ hơn hoặc bằng 6 m và giằng tường nhỏ hoặc bằng 2 - 2,2 m, vị trí sẽ có neo liên kết với cột bê tông cốt thép, dầm bê tông cốt thép; (4) Trộn vữa, xây hàng đầu tiên, neo bát neo, mối nối, liên kết, xây đến cao trình giằng, lintel; (5) Thi công nẹp và trụ tường, khung cửa bằng bê tông cốt thép, xây đến khi xong tường, thi công điện, nước phối hợp, ghim và dán vải thuỷ tinh các khe nối bằng skimcoat, trát vảy hồ xi măng, trát lót vữa xi măng cát hạt trung, xoa phẳng; (6) Nghiệm thu độ phẳng, thẳng đứng, cửa, lỗ kỹ thuật, điện, nước, dán vải thuỷ tinh, khung giằng và nghiệm thu tổng thể.
Cách thức xây gạch bê tông về cơ bản không khác so với xây gạch đặc, theo nguyên tắc: Ngang bằng, sổ thẳng, đầy mạch và không trùng mạch. Tuy nhiên, đối với xây gạch lỗ, cần tính toán, tập huấn chiều xây cho người thợ để vữa không chui vào lỗ gạch.
Bảo đảm cung cấp đủ vật liệu phụ và dụng cụ, máy móc thi công cho người người thợ. Quá trình thi công, phải có liên kết cột với nẹp, giằng bê tông, phải chống tách lớp bằng lưới thuỷ tinh và lưới sợi thép tại vị trí liên kết.
Sau nhiều năm kinh nghiệm, tôi khuyến cáo dùng lưới sợi thuỷ tinh bền kiềm có trọng lượng từ 90 - 120 g/m2, bởi vì dùng sợi thép vào các góc không bám dính để tạo góc vuông được. Ở Trung Quốc, nhà thầu chủ yếu dùng lưới thuỷ tinh. Giá của lưới thuỷ tinh tại thị trường Trung Quốc khoảng 2.500 đồng/m2, tương đương 300 - 400 đồng/m chiều dài.
Khi sử dụng kết hợp, phần chân tường sử dụng gạch bê tông đặc, phần thân tường dùng gạch bê tông rỗng, cần liên kết bằng bắn đinh, các gối giằng tường phải quá ½ chiều dài viên gạch tức là phải chờm qua nửa viên cộng thêm một viên nữa để bảo đảm hiệu suất cục bộ trên đầu lanto nhỏ…
Việc dán lưới thuỷ tinh nên dán cả vào các vị trí đi đường nước, đường điện. Sau khi cắt tường ở vị trí cần đi đường nước, đường điện xong thì dán lại rồi bả lại. Bả keo xi măng trước, sau đó dán lại bằng lưới thuỷ tinh. Khi kết hợp gạch không nung xây ở dưới với tấm tường hoặc gạch ACC ở trên, phải nẹp tường, giằng tường.
Đặc biệt lưu ý, phải kiểm soát được thời gian xuất xưởng của gạch sau khi sản xuất. Gạch bê tông cốt liệu phải bảo dưỡng đúng quy trình trước khi xuất xưởng, sau khi sản xuất, gạch phải được bảo dưỡng đúng quy trình trong thời gian tối thiểu 14 ngày mới đảm bảo cường độ, giảm co ngót, để xuất xưởng.
Nếu lấy lẫn lộn các loại gạch có thời gian xuất xưởng và bảo dưỡng khác nhau, với những loại xuất xưởng trước 14 ngày, thậm chí 3 - 4 ngày đã xuất xưởng, khi xây tường dễ dẫn tới co, ngót dẫn tới nứt tường… Do đó, vấn đề về thời gian bảo dưỡng và xuất xưởng của gạch bê tông cốt liệu phải được giám sát, có hồ sơ xuất xưởng của gạch.
Nhận diện một số khuyết tật và nguyên nhân
Có thể kể đến một số hiện tường thường gặp như: Hiện tượng tách tường với cột bê tông cốt thép, vách bê tông cốt thép, trần bê tông cốt thép, tách khuôn cửa; Gối dưới dầm, linto đè trực tiếp lên gạch cốt liệu có chỗ bị nứt vỡ; Liên kết của hai hàng xây yếu, xây ngược viên xây, viên xây không có lớp đáy; Thấm tường ngoài, ngấm khu dùng nước; Thi công điện nước khó khăn, nứt tách dọc tuyến điện nước; Trát hoàn thiện khó nếu không có lớp hồ xi măng lót…
Trong đó, đối với hiện tượng tách tường với cột do thiếu neo, thiếu đinh, nếu tách nhỏ, rạn nứt là do thiếu lưới thuỷ tinh; Gối dưới dầm có thể bị nứt, bị xé do có thể chiều dài gối không đủ, không có lưới thuỷ tinh; Thấm tường ngoài, ngấm khu dùng nước do chống thấm không tốt; Thi công điện nước khó khăn, nứt dọc tuyến điện, nước do không có lưới thuỷ tinh, dán không đúng, hoặc dùng lưới thép bị phồng, không dính vào tường.
Riêng với gạch không nung, bởi độ hút nước của gạch thấp, nên khi hoàn thiện cần trát lớp lót bằng hồ xi măng sau đó mới đi lớp xi măng cát, 2 lớp đi liên tục, cách nhau một giờ. Việc đi lớp xi măng lót cũng có trong định mức. Nếu chỉ có trát xi măng cát thì dễ dẫn đến bong rộp hoặc tách lớp. Sau khi đi 2 lớp xong thì xoa nhẵn luôn.
Như vậy, có thể thấy thi công gạch bê tông đã có tiêu chuẩn về sản phẩm (TCVN 6477-2016). Với tiêu chuẩn này, nếu xây trong nhà thì không cần hệ số thấm, xây bên ngoài cần hệ số thấm.
Tuy nhiên, chúng ta đang thiếu và yếu việc tập huấn và hiểu biết để bảo đảm thi công đúng theo TCVN và các hướng dẫn kỹ thuật, đặc biệt là trong công tác tư vấn thiết kế, thẩm định và thẩm tra của Sở Xây dựng.
Cần phải có thiết kế kỹ thuật thi công mới ra định mức, ra khối lượng sử dụng, ra giá trị… trên cơ sở đó, nhà thầu thi công mới làm được, không có thì không làm được; Phải thực hiện giám sát bảo đảm kỹ thuật xây, đặc biệt là giám sát đối với phần liên kết và phần nẹp tường.
Kiến nghị tập huấn và phổ biến các tiêu chuẩn và hướng dẫn sử dụng cho: Chủ đầu tư, thiết kế, thi công - thợ xây dựng, giám sát và kiểm định. Nâng cao và quản lý chất lượng gạch bê tông, gạch tự chèn, chứng nhận hợp chuẩn hợp quy cho gạch của các nhà cung cấp gạch bên tông.
TS. Trần Bá Việt
Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bê tông Việt Nam