Hội thảo “Giải pháp công nghệ giảm phát thải khí nhà kính trong ngành công nghiệp xi măng và thép tại Việt Nam”
Hội thảo - Hội chợ 09:32 - 15/05/2023
Ngày 19/5, Công ty Cổ phần Công nghệ và Tư vấn CIC phối hợp với Carbon Re (V.Q Anh) và STX Group (Hà Lan) sẽ tổ chức Hội thảo với chủ đề “Giải pháp công nghệ giảm phát thải khí nhà kính trong ngành công nghiệp xi măng và thép tại Việt Nam” dưới sự bảo trợ chính thức của Bộ Xây dựng, Đại sứ quán Vương quốc Anh và Đại sứ quán Hà Lan
|
Thời gian vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã cam kết giảm phát thải khí nhà kính được nêu trong Biên bản các đóng góp do quốc gia tự quyết định (Nationally Determined Contributions - NDC) tại Hội nghị COP26, COP27 (Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 và 27), đồng thời đã ban hành Chiến lược, Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050 (tại Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 20/7/2020); Nghị định số 06/2022/ND-CP ngày 07/01/2022 Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone và theo sau là Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 về danh mục các lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính cần phải hiện việc kiểm kê khí nhà kính. Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Kế hoạch hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong công nghiệp xi măng đến năm 2020 tại Quyết định số 802/QĐ-BXD ngày 26/07/2017 và Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành đến năm 2030 và định hướng đến 2050 tại Quyết định số 385/QĐ-BXD ngày 12/05/2022. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là những ngành có lượng phát thải cao như xi măng, thép, phân bón…cần phải bắt tay ngay vào xây dựng phương án và lộ trình giảm phát thải để có thể kịp thời hành động và đạt mục tiêu giảm phát thải mà chính phủ đặt ra, góp phần tiến đến hoàn thành mục tiêu mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
|
Được sự bảo trợ của các ban ngành liên quan, Hội thảo do Công ty Cổ phần Công nghệ và Tư vấn CIC phối hợp với Carbon Re (V.Q Anh) và STX Group (Hà Lan) tổ chức với mong muốn đồng hành cùng các doanh nghiệp ngành công nghiệp xi măng và ngành thép tại Việt Nam trong việc tiếp cận và ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến, phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả, giảm chi phí và giảm phát thải khí nhà kính từ các hoạt động sản xuất v.v...
Hội thảo được tổ chức nhằm tập trung vào vấn đề giảm phát thải khí nhà kính, một trong những vấn đề nóng hiện nay đang được quan tâm trên toàn thế giới. Đặc biệt, trọng tâm trao đổi của hội thảo sẽ là hai ngành công nghiệp xi măng và thép, bởi đây là 2 ngành đóng góp lớn vào nền kinh tế Việt Nam, nhưng cũng là những ngành có tác động mạnh đến môi trường và sức khỏe con người nếu không được quản lý và kiểm soát tốt.
Nội dung hội thảo sẽ trình bày hiện trạng và giới thiệu các giải pháp công nghệ tiên tiến phục vụ giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất xi măng và thép. Các chuyên gia từ Bộ Xây dựng và các doanh nghiệp sẽ chia sẻ các nghiên cứu mới nhất cùng kinh nghiệm thực tiễn về cách áp dụng các công nghệ, giải pháp vào hoạt động sản xuất. Hội thảo cũng sẽ là nơi để các chuyên gia và các doanh nghiệp sản xuất có cơ hội trao đổi kinh nghiệm và đưa ra các ý kiến, đề xuất giúp cải thiện môi trường trong các ngành công nghiệp. Hội thảo chắc chắn sẽ là cơ hội tốt để các chuyên gia và nhà sản xuất hợp tác thúc đẩy sự phát triển bền vững trong ngành công nghiệp xi măng và thép.
Hội thảo đang thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp trong các lĩnh vực xi măng và thép nói riêng và các ngành công nghiệp nói chung, cũng như sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước nhằm mang đến giải pháp hiệu quả trong giảm phát thải cho ngành công nghiệp xi măng và ngành thép tại Việt Nam.
Quý vị có nhu cầu tham gia hội thảo có thể tham khảo các thông tin sau:
Thời gian: 09h00 đến 12h00, ngày 19 tháng 5 năm 2023
Địa điểm: Hội trường Bộ Xây Dựng – Số 37 Lê Đại Hành, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội.
Link đăng ký tham dự: Đăng ký
Liên hệ hỗ trợ: Trần Ngọc Quỳnh - Công ty Cổ phần Công nghệ và Tư vấn CIC
Mobile: 0866.059.659
Email: tranquynh@cic.com.vn