Trước đó, vào cuối tháng 5/2017, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, UBND thị xã Kỳ Anh, UBND các phường Kỳ Phương, Kỳ Liên, Kỳ Thịnh, Kỳ Trinh tiến hành kiểm tra thực địa tại 13 mỏ khoáng sản trên địa bàn thị xã Kỳ Anh đã hết thời hạn khai thác nhưng các đơn vị không lập hồ sơ đóng cửa mỏ.
Mỏ đá khe Đụm Lét ( xóm 10 phường Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh).
Trong số 13 mỏ bị đề nghị đóng cửa, có 07 mỏ đã thu hồi hoặc giấy phép đã hết hạn nhưng chưa thực hiện bóc đất phủ, chưa khai thác (đang còn nguyên trạng). Hiện trạng đất đang được trồng cây keo và không có các công trình nào xây dựng trên đất. Cụ thể như sau:
Tại phường Kỳ Phương có mỏ đá xây dựng của Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Hoà Phong, Công ty TNHH Vật liệu xây dựng 68, Công ty TNHH Đầu tư cơ sở hạ tầng Tân Lộc. Tại phường Kỳ Thịnh có mỏ đá xây dựng của Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ tổng hợp Hà Tĩnh, Công ty TNHH Quốc tế Vân Song. Tại phường Kỳ Trinh có mỏ đất san lấp của Công ty CP Đầu tư Xây dựng Dũng Hảo, Công ty CP Vận tải và Xây dựng.
Bên cạnh đó có 03 mỏ được cấp phép khai thác, trong đó 02 mỏ chỉ mới mở một tuyến đường lên mỏ, chưa bóc đất phủ, chưa khai thác. Toàn bộ diện tích mỏ cơ bản đang nguyên trạng như mỏ đá xây dựng của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Xuân Thành (phường Kỳ Liên); mỏ đá của Công ty CP IDC1(phường Kỳ Trinh). Có 01 mỏ mới bóc được một phần diện tích đất phủ khoảng 200m2, chiều sâu bình quân khoảng 1m, hiện tại cây, cỏ đã mọc trên khu vực bóc phủ. Ngoài phần diện tích đã bóc đất, đang còn nguyên trạng như mỏ đá của Công ty CP Đầu tư và Khai thác Phú Doanh (phường Kỳ Phương).
Mỏ đá Hồng Sơn (Công ty khai thác đá Hưng Thịnh) tại tổ dân phố Hồng Sơn, thị xã Kỳ Anh.
Ngoài ra còn có 03 mỏ đã đi vào hoạt động khai thác, tuy nhiên đã dừng hoạt động sau khi giấy phép khai thác hết hiệu lực, cụ thể như sau:
Mỏ đá xây dựng của Công ty CP Tự Lập (phường Kỳ Phương) đã bóc đất tầng phủ trên diện tích khoảng 01ha/03ha. Hiện trên diện tích bóc đất phủ đã mọc các loại cây bụi, bề mặt tương đối bằng phẳng, sườn tầng đã ổn định; diện tích còn lại chưa khai thác, đang còn nguyên trạng.
Mỏ đất san lấp của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Xuân Thành (phường Kỳ Trinh) đã tiến hành khai thác trên diện tích khoảng 7ha/8ha. Ngoài hồ nước khoảng 1ha, phần diện tích đã khai thác còn lại có bề mặt đáy moong tương đối bằng phẳng, đã được trồng cây keo cao khoảng 2m.
Mỏ đá xây dựng của Công ty TNHH SANVIHA (phường Kỳ Thịnh) đã làm đường hào lên mỏ và bóc đất khai thác trên diện tích khoảng 3ha/9,5ha, tạo thành bờ vách cao khoảng 15m. Tại đây đang còn 01 nhà văn phòng 2 tầng, 01 nhà ở công nhân cấp 4, 02 nhà ở làm bằng container, 01 kho vật liệu nổ, 01 trạm điện.
Cũng theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, trong số 13 đơn vị đề nghị đóng cửa lần này, chỉ có 03 đơn vị nộp tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường là Công ty TNHH SANVIHA (322.174.957 đồng); Công ty CP Đầu tư và Khai thác Phú Doanh (65.760.000 đồng); Công ty CP ĐTXD Dũng Hảo (14.700.000 đồng).
Ngoài ra có 03 mỏ phát sinh tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (bắt đầu tính từ ngày 01/01/2014 - PV) đó là Công ty CP Đầu tư và Khai thác Phú Doanh (42.332.655 đồng); Công ty CP Tự Lập (213.840.000 đồng); còn Công ty TNHH SANVIHA không nộp.
Sau khi kiểm tra và xin ý kiến từ Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Sở Xây dựng, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản đối với 12/13 mỏ để bàn giao đất lại cho địa phương quản lý và bảo vệ.
Mỏ đá Cơn Tria (xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh).
Riêng mỏ đá xây dựng của Công ty TNHH SANVIHA, do phần diện tích đã khai thác chưa trồng cây phục hồi môi trường. Khu vực bãi chế biến đang có các công trình xây dựng, đơn vị đã ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường, yêu cầu Công ty lập hồ sơ, thủ tục để đóng cửa mỏ.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị UBND tỉnh giao Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh tham mưu thực hiện thủ tục thu hồi đất, chấm dứt hợp đồng thuê đất đối với khu vực mỏ đá của Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Hòa Phong theo quy định hiện hành.