Hà Nam: Giá gạch tuy-nel “nhúc nhích’’ tăng, nhiều doanh nghiệp sản xuất bớt khó khăn
Tin tức - Sự kiện 04:50 - 13/04/2020
So với cùng kỳ năm trước, quý I/2020, các doanh nghiệp sản xuất gạch tuy-nel trên địa bàn gặp nhiều khó khăn khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp, trong khi đó công suất của các nhà máy đang dư thừa. Nhiều doanh nghiệp nhận định trong quý II thị trường sẽ tốt hơn và giá vật liệu xây dựng bắt đầu tăng dần khi nhiều người dân xây dựng nhà ở.
Sản xuất gạch ở Công ty TNHH Minh Hiếu, xã Nguyên Lý (Lý Nhân).
Trong khi các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước bắt buộc phải xây dựng bằng gạch không nung, thì hầu hết các hộ dân vẫn chọn gạch nung để xây dựng nhà ở. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp gạch tuy-nel phát triển và mở rộng sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay đã tiêu thụ hết hàng tồn kho trong quý I và đang sản xuất sản phẩm mới cung cấp cho thị trường.
Ông An Minh Hiếu, quản lý Công ty TNHH Minh Hiếu ở xã Nguyên Lý (Lý Nhân) cho biết: Doanh nghiệp vừa sản xuất vừa thăm dò thị trường, bảo đảm không để sản phẩm tồn kho nhiều. Đặc biệt, trong đầu năm nay khi dịch Covid – 19 bùng phát, các doanh nghiệp sản xuất gạch cũng bị ảnh hưởng gián tiếp, do sản phẩm sản xuất ra chủ yếu cung cấp cho thành phố Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam. Khi dịch bệnh lây lan trên diện rộng, người dân ở các thành phố lớn cũng hạn chế xây dựng nhà ở và thị trường tiêu thụ bị thu hẹp. Trong quý I, doanh nghiệp chủ yếu tập trung tiêu thụ hàng tồn kho từ năm trước và tổ chức sản xuất cầm chừng duy trì việc làm cho người lao động. Bước sang quý II, sản phẩm gạch nung của doanh nghiệp bắt đầu “nhúc nhích’’ tăng thêm gần một giá (từ 600 lên gần 700 đồng/viên) thì đơn vị mới mở rộng sản xuất và sản lượng của nhà máy đạt khoảng hơn 12 triệu viên/tháng (bằng khoảng 50% công suất hiện có).
Giống như Công ty TNHH Minh Hiếu, hơn chục doanh nghiệp gạch tuy-nel trên địa bàn tỉnh trong quý I cũng gặp nhiều khó khăn khi mà hàng tồn kho còn nhiều. Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, sản xuất gạch nung gặp khó khăn do các công trình lớn, sử dụng vốn ngân sách nhà nước bắt buộc xây dựng bằng gạch không nung, trong khi đó các doanh nghiệp sản xuất gạch tuy-nel lại phát triển ồ ạt với công suất lớn, dẫn tới sản phẩm làm ra dư thừa.
Trong thời gian này, các doanh nghiệp sản xuất gạch nung lại gặp khó khăn hơn khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, đời sống kinh tế của bà con gặp khó khăn, số lượng các hộ xây nhà cũng giảm hơn so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất gạch tuy-nel trên địa bàn tỉnh hoạt động được 50 – 60% công suất nhằm duy trì việc làm cho người lao động.
Trước tình trạng sản phẩm gạch làm ra dư thừa, nhiều doanh nghiệp cạnh tranh bằng việc chuyển đổi công nghệ sản xuất nhằm giảm lao động trực tiếp và tiết kiệm nguyên vật liệu đầu vào. Điển hình như Công ty cổ phần gạch tuy-nel Nhân Hòa, Công ty TNHH Minh Hiếu, Công ty cổ phần gạch Đại Hoàng (Lý Nhân). Công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp này là thành phần viên gạch đang sản xuất có 30% cát (giá thành cát chỉ bằng 50% giá đất), thay vì phải dùng 100% nguyên liệu đất như trước đây, tiết kiệm được nhiên liệu than, nhiều công đoạn tự động hóa, không cần công nhân làm việc trực tiếp, giảm chi phí đầu vào. Hơn nữa dây chuyền mới sẽ tận dụng được nhiệt phát ra để sấy gạch mộc bảo đảm duy trì sản xuất quanh năm và hạn chế được khí thải phát tán ra môi trường.
Tuy nhiên, trong đầu năm 2020, các doanh nghiệp này cũng gặp không ít khó khăn khi giá gạch xuống thấp chỉ còn bình quân 600 đồng/viên, giảm khoảng 150 – 200 đồng so với trước đây. Với giá gạch này, nếu tính trừ các khoản chi phí đầu vào thì doanh nghiệp không có lãi mà chỉ duy trì được sản xuất, để nuôi bộ máy hoạt động. Đối với những doanh nghiệp mới xây dựng dây chuyền sản xuất, vay vốn ngân hàng lớn, tài sản khấu hao mới được một phần nhỏ, thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi đến kỳ thanh khoản vốn với ngân hàng.
Theo nhận định của các chủ doanh nghiệp sản xuất gạch tuy-nel, trong quý II, giá gạch tuy-nel bắt đầu tăng hơn so với quý I. Giá tăng bởi theo quy luật nhiều hộ gia đình xây nhà ở đầu năm và đây cũng là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp duy trì, nâng công suất hoạt động. Tuy nhiên, trong cả năm 2020, các doanh nghiệp sản xuất gạch tuy-nel vẫn sản xuất cầm chừng khi mà dịch bệnh Covid – 19 có diễn biến phức tạp và người dân cũng hạn chế xây dựng các công trình.
Về lâu dài, ngành sản xuất vật liệu gạch nung tiếp tục có nguy cơ giảm dần, khi gạch không nung chiếm thị phần xây dựng các công trình lớn. Bởi hiện nay, gạch nung chủ yếu phục vụ cho các công trình xây dựng nhà ở của dân và một phần công trình sử dụng vốn ngân sách. Tại tỉnh ta đã có hơn chục nhà máy sản xuất gạch không nung, trong đó có những nhà máy công suất lớn, sản phẩm sản xuất ra chỉ phục vụ trên địa bàn tỉnh và một số vùng lân cận nên giá thành cũng khó tăng.
Với mục tiêu bảo vệ môi trường và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất gạch tuy-nel trên địa bàn sản xuất, kinh doanh ổn định, quan điểm chỉ đạo của tỉnh là không thu hút các doanh nghiệp sản xuất gạch tuy-nel và không cho phép các doanh nghiệp đang hoạt động mở rộng sản xuất gạch tuy-nel. Bởi thực tế hiện nay công suất hoạt động của các nhà máy gạch tuy-nel trong tỉnh đã đủ sản lượng phục vụ xây dựng trên địa bàn và một số vùng lân cận.
Trong thời điểm dịch Covid – 19 bùng phát, các doanh nghiệp sản xuất gạch tuy-nel cũng đề nghị Nhà nước có chính sách tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, đặc biệt là các ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm lãi suất để doanh nghiệp có điều kiện khôi phục lại sản xuất khi hết dịch bệnh.