Toàn cảnh Diễn đàn.
Diễn đàn nằm trong chuỗi những hoạt động của Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2024 do Bộ Xây dựng phát động, diễn ra chủ yếu tại Thủ đô Hà Nội và một số địa phương trên cả nước.
Hà Nội cam kết đẩy mạnh chuyển đổi xanh đô thị
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Phạm Minh Hà cho biết, việc thúc đẩy phát triển mạnh mẽ công trình xanh (CTX) là một giải pháp giúp chuyển đổi xanh ở cấp độ quốc gia nhanh hơn.
Tuy nhiên, việc phát triển CTX ở Việt Nam thời gian qua cũng không ít khó khăn, thách thức, trong đó CTX mới đang phát triển ở hình thức khuyến khích, chưa có quy định bắt buộc; trình độ kỹ thuật, công nghệ, năng lực tài chính của chủ đầu tư còn hạn chế; chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận nguồn tài chính xanh...
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nỗ lực triển khai các hoạt động thúc đẩy phát triển CTX, sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện chuyển đổi xanh hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết tại COP26.
Cũng tại Diễn đàn, ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, UBND TP Hà Nội cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các cơ quan Trung ương, đối tác trong và ngoài nước để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi xanh đô thị, tạo lập một Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững.
Trong thời gian qua, UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách quan trọng để thúc đẩy CTX, hạ tầng đô thị thông minh và phát triển bền vững Thủ đô. Đặc biệt, TP Hà Nội đang xây dựng các VBQPPL để triển khai Luật Thủ đô năm 2024, trong đó chú trọng xây dựng các quy định cơ chế và chính sách nhằm thúc đẩy phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh và phát triển bền vững. Các quy định này sẽ tạo nền tảng pháp lý thực thi có hiệu quả cho sự phát triển lâu dài của Thủ đô theo định hướng xanh - thông minh - hiện đại.
Thu hút đầu tư theo hướng có chọn lọc
Tại Diễn đàn, các diễn giả đã trình bày các kinh nghiệm, giải pháp thúc đẩy phát triển CTX ở các loại hình dự án KCN, công trình dân dụng; quản lý chi phí dầu tư xây dựng CTX, thực tiễn triển khai ở cấp độ địa phương tỉnh, thành phố từ kế hoạch đến hành động, với những bài học kinh nghiệm sinh động của TP Hà Nội...
Bà Vương Thị Minh Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ KH&ĐT) chỉ ra những lợi ích quan trọng của khu công nghiệp (KCN) sinh thái như: thực hiện mục tiêu quản lý năng lượng các hoạt động KCN theo hướng bền vững; thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường; giảm các rủi ro kinh tế, môi trường và xã hội; giảm sử dụng nguyên vật liệu, nước và năng lượng và hóa chất độc hại; giảm thiểu phát thải khí nhà kính; tiết kiệm chi phí sản xuất, đạt hiệu quả kinh tế cao; cải thiện sức khỏe và an toàn cho người lao động; tiếp cận công nghệ mới và cơ chế hỗ trợ tài chính xanh; chia sẻ nguyên vật liệu sản xuất; chia sẻ các tiện ích trong KCN; tăng chất lượng sống cho cộng đồng; thực hiện kinh tế tuần hoàn trong phạm vi thành phố, địa phương.
Theo bà Vương Thị Minh Hiếu, cần quan tâm yếu tố xanh, sinh thái, phát thải thấp ngay từ khâu quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Về định hướng đẩy mạnh phát triển KCN sinh thái trong thời gian tới, cần tăng cường cơ chế phối hợp liên Bộ giải quyết các vấn đề vướng mắc liên quan cho KCN sinh thái (tái sử dụng chất thải rắn và nước thải, cơ chế lắp đặt và sử dụng năng lượng điện mặt trời áp mái trong KCN), lồng ghép các giải pháp KCN sinh thái, phát triển hạ tầng xanh trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương theo định hướng, lộ trình về phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, lộ trình phi carbon hóa của Chính phủ.
Đồng thời tăng cường các hoạt động tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, doanh nghiệp phát triển hạ tầng KCN và doanh nghiệp thứ cấp thực hiện KCN sinh thái.
Đáng chú ý, bà Vương Thị Minh Hiếu khuyến nghị địa phương thu hút đầu tư có chọn lọc, chủ động tiếp xúc, bám sát các Tập đoàn hàng đầu thế giới trong các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên, đặc biệt các dự án công nghệ hiện đại, có cam kết chuyển giao công nghệ, tác động lan tỏa tới các ngành, lĩnh vực, mở rộng thị trường, phát triển chuỗi cung ứng, phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu...
Xây dựng hệ thống dữ liệu về giải pháp xây dựng xanh
Ông Nguyễn Văn Long - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội KH&CN sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam chỉ ra một số khó khăn trong phát triển CTX như nhận thức của các chủ đầu tư, cơ quan quản lý, người có trách nhiệm làm về CTX chưa quyết liệt, nghiêm túc; nguồn lực để thúc đẩy phát triển CTX thiếu và yếu, thiếu các loại VLXD có thể đáp ứng cho CTX.
Đồng quan điểm các diễn giả về khó khăn trong thúc đẩy phát triển CTX, ông Hoàng Minh Lâm - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp, Sở Công Thương Hà Nội đề xuất tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, tạo hành lang thông thoáng hơn trong phát triển CTX; cần quy định cụ thể về tiêu chuẩn, quy chuẩn cho vật liệu xanh, CTX.
Có cơ chế khuyến khích đối với chủ đầu tư khi xây dựng CTX, trong đó cần sớm phổ biến việc áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong toàn bộ vòng đời của CTX.
Ông Hoàng Minh Lâm đồng thời đề xuất giải pháp xây dựng hệ thống, nền tảng thông tin chia sẻ về các công nghệ, giải pháp xây dựng xanh, các dự án tiêu biểu điển hình xanh để tạo điều kiện cho các bên liên quan học hỏi và trao đổi kinh nghiệm, cùng nhau phát triển CTX.
Phát triển thị trường vật liệu xanh, có cách thức giúp chủ đầu tư, người tiêu dùng nhận diện các vật liệu xanh, thiết bị xanh rõ hơn và cụ thể hơn.