|
Ông Đào Nguyên Khánh, Trưởng Bộ phận Phát triển bền vững và Truyền thông doanh nghiệp của Công ty INSEE Việt Nam. |
Hiện nay, việc sản xuất xi măng xanh đã trở thành một xu thế tất yếu của ngành Sản xuất vật liệu xây dựng tại Việt Nam và cả thế giới. Tuy nhiên, ngành Xi măng nói chung và hoạt động sản xuất xi măng xanh nói riêng đều đang gặp khó khăn lớn. Để tìm hiểu về việc phát triển xi măng xanh tại Việt Nam, Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc phỏng vấn ông Đào Nguyên Khánh, Trưởng Bộ phận Phát triển bền vững và Truyền thông của Công ty INSEE Việt Nam.
PV: Thưa ông, được biết INSEE Việt Nam là một trong những đơn vị tiên phong sản xuất xi măng xanh tại thị trường Việt Nam. Xin ông cho biết về quá trình đến với xi măng xanh của INSEE.
Ông Đào Nguyên Khánh: Xi măng xanh có thể hiểu là xi măng có hàm lượng phát thải carbon thấp, chủ yếu nhờ vào 2 đòn bẩy chính. Một là giảm hàm lượng clinker, hai là giảm tiêu thụ than thông qua hoạt động đồng xử lý trong lò nung xi măng.
Do đó, có thể nói INSEE Việt Nam đã bắt đầu sản xuất xi măng xanh từ rất lâu vì chúng tôi chỉ kinh doanh xi măng PCB (xi măng Pooclang được nghiền từ hỗn hợp clinker, thạch cao và chất phụ gia). Không những thế, chúng tôi cũng là Công ty xi măng đầu tiên triển khai mảng kinh doanh đồng xử lý tại Việt Nam từ năm 2007.
Ngoài ra, xi măng xanh cần phải có đơn vị thứ ba thẩm định và cung cấp chứng nhận. Xét theo khía cạnh đó thì xi măng INSEE có thể được xem là Công ty triển khai sớm nhất tại Việt Nam để phục vụ các chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng có tư duy xanh.
Năm 2015, sản phẩm Công ty được đưa vào Green Database của Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC). Năm 2017, xi măng INSEE được chứng nhận nhãn xanh bởi Hội đồng Công trình Xanh Singapore (SGBC). Từ năm 2021 đến nay, INSEE Việt Nam là Công ty xi măng đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam nhận chứng chỉ EPD bởi tổ chức EPD International (Thụy Điển).
Điều quan trọng là toàn bộ danh mục sản phẩm của chúng tôi đều được chứng nhận. Như vậy, xi măng xanh của INSEE có chủng loại sản phẩm đa dạng để phục vụ từ các dự án cao ốc, công nghiệp, cơ sở hạ tầng cho đến các dự án dân dụng để giảm phát thải carbon và góp phần đạt chứng chỉ công trình xanh.
PV: Ông đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển xi măng xanh tại Việt Nam?
Ông Đào Nguyên Khánh: Tiềm năng phát triển xi măng xanh tại Việt Nam là rất lớn vì 3 lý do chủ yếu. Về ngắn hạn, ngành Xi măng đang gặp khủng hoảng nghiêm trọng do nhu cầu sụt giảm, có thể làm chậm tiến trình chuyển đổi xanh trên một số khía cạnh. Nhưng về trung hạn, đây là xu hướng không thể đảo ngược với quyết tâm cao của Chính phủ Việt Nam và các Bộ, ngành hiện nay để thực hiện mục tiêu Net Zero.
Mặt khác, chuyển đổi xanh trong ngành Xi măng cũng góp phần tiết kiệm chi phí rất lớn thông qua 2 đòn bẩy chính yếu tôi đã nói ở trên (giảm hệ số clinker, giảm tiêu thụ than bằng hoạt động đồng xử lý), từ đó mang lại động lực kinh tế đáng kể cho các doanh nghiệp xi măng.
Về phía nhu cầu, mặc dù còn rất nhiều “gập ghềnh”, ví dụ như số lượng công trình xanh còn rất ít nếu so với các nước trong khu vực. Nhưng nếu nhìn về mặt tích cực thì quy mô thị trường là rất lớn và nhu cầu đang tăng tốc.
|
Nhà máy tích hợp công nghệ cao INSEE Hòn Chông tại huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. |
PV: Với tình hình hiện tại, INSEE Việt Nam đã có những kiến nghị, đề xuất nào với cơ quan chức năng để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy sản xuất và sử dụng xi măng xanh tại Việt Nam?
Ông Đào Nguyên Khánh: Để thúc đẩy hỗ trợ các Công ty sản xuất xi măng xanh hơn nữa, chúng tôi đã có đề xuất một số ý kiến cụ thể cho ngành Xi măng.
Thứ nhất, các yêu cầu của dự án cơ sở hạ tầng nên tạo điều kiện cho các loại xi măng có hệ số clinker thấp được sử dụng, tất nhiên phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về xây dựng và tiêu chuẩn xây dựng.
Các dự án của Chính phủ không nên chỉ giới hạn ưu tiên sử dụng xi măng OPC (xi măng Portland thường), khi mà xi măng hỗn hợp PCB tốt hơn cho môi trường, thường có đặc tính bền sunfat tốt hơn và có khả năng tương đương (hoặc thậm chí vượt trội) so với xi măng OPC trong hầu hết các ứng dụng.
Thứ hai, các cơ quan chức năng nên hỗ trợ tạo lập thị trường cho hoạt động đồng xử lý trong lò nung xi măng. Cụ thể, INSEE Việt Nam đề xuất Chính phủ xem xét hoạt động đồng xử lý sẽ được công nhận là một trong những giải pháp đáp ứng cho EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) đối với các loại nhựa có giá trị thấp.
Lý do đề xuất giải pháp này là vì hiện nay hoạt động đồng xử lý đã có sẵn ở Việt Nam và tạm thời đây là giải pháp tối ưu để tái chế các vật liệu nhựa giá trị thấp, tạo ra một vòng đời mới cho sản phẩm. Điều này sẽ góp phần tạo ra một thị trường chất thải khả thi để các lò nung xi măng tham gia và cho phép một lượng lớn chất thải được đồng xử lý một cách có trách nhiệm.
Cuối cùng, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương cần hỗ trợ các Công ty xi măng xanh trong các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá đến các chủ đầu tư, Công ty xây dựng và người dân.
PV: Xin ông cho biết định hướng và kế hoạch phát triển sản xuất xi măng xanh của INSEE Việt Nam trong thời gian tới?
Ông Đào Nguyên Khánh: Công ty Xi măng INSEE Việt Nam sẽ luôn kiên định với chiến lược sản xuất xanh, kinh doanh xi măng có hàm lượng phát thải carbon thấp. Chúng tôi luôn nỗ lực thực hành bộ tiêu chuẩn ESG (Environmental, Social và Governance – Môi trường, Xã hội và Quản trị) tại doanh nghiệp, thử nghiệm thêm các sáng kiến nhằm giảm phát thải carbon hơn nữa.
Xi măng INSEE đã và đang bám sát, hưởng ứng các chiến lược phát triển ngành Xi măng một cách bền vững của Bộ Xây dựng, có thể kể đến cột mốc mới nhất của chúng tôi là giảm hơn 40% nhu cầu sử dụng than cho lò nung xi măng bằng hoạt động đồng xử lý.
Chúng tôi cũng sẽ tham gia tích cực đến các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm cùng Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam (VABM), Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA)…
PV: Chân thành cảm ơn ông!