Cần áp dụng công nghệ đạt chất lượng trong khai thác, tuyển rửa cát
Công nghệ 03:13 - 08/08/2022
Để có được nguồn cát đảm bảo chất lượng cung cấp cho thị trường, đồng thời tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường trong khai thác cát, các địa phương cần có văn bản yêu cầu các tổ chức, cá nhân áp dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác, tuyển rửa cát.
Liên quan đến vấn đề này, cử tri kiến nghị các Bộ, ngành liên quan ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể yêu cầu các cơ sở trúng thầu khi khai thác mỏ cát phải triển khai thực hiện tuyển rửa cát theo công nghệ mới tiên tiến (nhất là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long) để tuyển rửa cát sạch đạt chất lượng tiêu chuẩn trước khi cung cấp cho thị trường xây dựng, nhằm góp phần nâng cao chất lượng các công trình xây dựng, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường theo tinh thần Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực tế hoạt động khai thác, tuyển rửa và tiêu thụ cát tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long đối với cát xây dựng: được khai thác và tập kết trên các bến bãi để sàng lọc, tuyển rửa nâng cao giá trị sản phẩm hoặc xúc đổ trực tiếp 3 lên sà lan (bên mua chuyển về bến bãi xử lý); đối với cát san lấp chủ yếu theo phương thức xúc đổ trực tiếp lên sà lan chuyển về nơi tiêu thụ.

Ảnh minh họa (Nguồn: baolaocai.vn).
Hiện tại, có một số tổ chức, cá nhân trong hoạt động khai thác cát san lấp có sáng kiến lắp sàng tuyển trực tiếp trên phương tiện khai thác để sàng lọc chất lượng sản phẩm ngay tại nguồn (tại tỉnh Vĩnh Long).
Như vậy, việc tuyển rửa cát đã được các tổ chức, cá nhân quan tâm nhưng mới chỉ mang tính chất nhỏ, lẻ, chủ yếu để đáp ứng tiêu chí chất lượng sản phẩm (thỏa thuận của bên mua và bên bán). Việc kiến nghị có quy định chung “các cơ sở trúng đấu thầu khi khai thác mỏ cát phải triển khai thực hiện tuyển rửa cát theo công nghệ mới tiên tiến” là hoàn toàn phù hợp nhằm đưa ra thị trường sản phẩm có chất lượng; đồng thời cũng có tác dụng ưu tiên đối với các tổ chức, cá nhân có năng lực thực sự; hạn chế cấp phép tràn lan.
Ngày 24/2/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 23/2020/NĐ-CP quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, theo đó tại khoản 2 Điều 24 quy định trách nhiệm của Bộ Xây dựng “Ban hành, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật trong việc sử dụng cát, sỏi lòng sông làm vật liệu xây dựng; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong sản xuất, sử dụng vật liệu thay thế cát, sỏi lòng sông”.
Ngày 18/8/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1266/QĐ-TTg về phê duyệt Chiếu lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050, theo đó, Bộ Xây dựng có trách nhiệm xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn cho sản phẩm vật liệu xây dựng, trong đó có cát làm vật liệu xây dựng thông thường.
Như vậy, căn cứ vào các quy chuẩn, tiêu chuẩn này, UBND tỉnh (cơ quan cấp phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường theo quy định của pháp luật về khoáng sản) cần có các văn bản yêu cầu các tổ chức, cá nhân khai thác cát phải triển khai các công nghệ khai thác, tuyển rửa cát đạt chất lượng sản phẩm theo quy chuẩn, tiêu chuẩn để cung cấp cho thị trường, góp phần nâng cao chất lượng các công trình xây dựng, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Theo kết quả điều tra đánh giá địa chất, kết quả thăm dò, khai thác, tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long có 2 loại cát: Cát làm nguyên liệu phục vụ xây dựng (cát vàng hạt thô dùng đổ bê tông, xây, trát…) tập trung tại các sông thuộc địa bàn các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ; Cát làm vật liệu san lấp (cát đen hạt mịn) tập trung tại các sông thuộc địa bàn các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bạc Liêu và Tiền Giang.