♦ Thưa ông, VLXD phát thải CO2 thấp là cụm từ khá phổ biến và không còn xa lạ với ngành VLXD Việt Nam, nhưng VLXD được sử dụng từ 100% phế thải công nghiệp, lại có khả năng hấp thụ CO2 dường như còn khá mới mẻ. Xuất phát từ điều gì để nhóm nghiên cứu của ông lựa chọn và thực hiện thành công dự án trên?
- Như bạn đã biết đấy, vấn để xử lý rác luôn là một bài toán khó cả về môi trường và kinh tế đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Bộ TN&MT, lượng chất thải rắn phát sinh trên cả nước là 60.000 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị chiếm 60%. Dự báo, đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sẽ tăng từ 10 - 16%/năm. Điều đáng lo ngại là hiện nay, khoảng 71% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Số còn lại khoảng 16% tổng lượng chất thải được xử lý tại các nhà máy chế biến phân compost và khoảng 13% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp đốt và các phương pháp khác.
Xuất phát từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu Trường ĐH Mỏ - Địa chất chúng tôi đã đặt ra mục tiêu chế tạo mẫu bê tông “xanh” thông minh có khả năng hấp thụ khí thải CO2 từ nguồn phế thải công nghiệp nhằm giải quyết vấn đề cấp bách trong việc xử lý nguồn chất thải.
Kết quả của nhóm nghiên cứu đã thành công theo đúng dự tính. Có thể nói, đây sẽ là một giải pháp có tính đột phá cho ngành công nghệ sản xuất vật liệu “xanh” mới, vừa tạo ra sản phẩm có giá trị sử dụng cao, vừa giúp cắt giảm chi phí sử dụng nguồn nguyên vật liệu tự nhiên, đồng thời góp phần tích cực hơn nữa trong việc loại bỏ khí thải Carbon dioxide khỏi khí quyển trong quá trình sản xuất công nghiệp, giúp giải quyết vấn đề về rác thải trong công nghiệp.
Đáng chú ý, sản phẩm mẫu bê tông “xanh” còn có khả năng hấp thụ khí thải CO2 sẽ góp phần tái sử dụng một lượng lớn khí thải CO2 để hình thành các thành phần vật chất đóng rắn tự nhiên trong vật liệu, thu được vật liệu có các tính chất cơ học cao hơn. Và quan trọng hơn cả, quá trình hấp thụ CO2 tự nhiên trong sản phẩm này sẽ dẫn đến giảm lượng khí thải CO2 ròng trong môi trường thời gian tới, đóng góp to lớn vào mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 như đã cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP 26.
♦ Như vậy, có thể coi đây là một sáng tạo độc đáo của loại VLXD âm carbon. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về kết quả nghiên cứu, cũng như điểm đặc biệt trong sản phẩm của nhóm?
- Thông thường, sản phẩm bê tông và vữa xây dựng thông dụng trên thị trường hiện nay được làm từ 4 thành phần chính là: Xi măng Portland, cốt liệu tự nhiên, nước và phụ gia.
Theo kết quả nghiên cứu trên thế giới, cứ trong mỗi mét khối bê tông truyền thống đã phát thải ra môi trường khoảng 250kg khí CO2. Trong đó, xi măng Portland là loại chất kết dính chính trong thành phần của bê tông và vữa xây dựng, nhưng các loại xi măng Portland cũng là tác nhân hàng đầu phát thải khí CO2. Theo thống kê từ các nhà máy xi măng, để sản xuất ra mỗi tấn xi măng Portland thì quá trình này đã thải ra môi trường khoảng 0,8 tấn khí CO2.
Do đó, biện pháp thông thường để giảm lượng carbon trong sản xuất các loại VLXD truyền thống có thể sử dụng phương pháp đơn giản như thay đổi các thành phần chính và giảm hàm lượng xi măng.
Để hướng đến mục tiêu tổng thể của toàn thế giới là hạn chế sự nóng lên ở mức không quá 1,5oC so với mức tiền công nghiệp, nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã phát triển VLXD từ phế thải công nghiệp như: Tro bay, bùn thải khai thác và chế biến khoáng sản, phế thải gốm sứ, vôi bột... kết hợp với dung dịch hoạt hóa đặc biệt, hoàn toàn không sử dụng xi măng, có khả năng hấp thụ khí thải carbon.
Điểm đặc biệt trong nghiên cứu này là khả năng VLXD hấp thụ được khí CO2 khi đông kết và đóng rắn. Trong quá trình này, khí thải CO2 sẽ tham gia phản ứng với các thành phần vật chất, sau đó được lưu giữ bên trong khối vật liệu.
Từ kết quả khảo sát thực nghiệm thu được, mỗi mẫu sản phẩm dạng hình hộp chữ nhật kích thước 200 x 110 x 60 mm với 2 lỗ rỗng hoặc 6 lỗ rỗng, có khả năng hấp thụ tự nhiên được khoảng 15 - 20g khí thải CO2.
Khi tính toán dự kiến, 1m3 vật liệu này có khả năng hấp thụ tự nhiên được khoảng 15 - 20kg khí thải CO2 và khả năng hấp thụ CO2 này có thể còn được gia tăng thêm trong thời gian tới.
Có thể nói, đây là kết quả nghiên cứu quan trọng đầu tiên của Việt Nam về loại VLXD “xanh” tận dụng 100% nguyên liệu từ phế thải, có khả năng hấp thụ khí CO2. Từ thành phần cấp phối vật liệu khi thí nghiệm cho thấy, trong 1m3 mẫu bê tông đã tái sử dụng khoảng 1,5 - 1,8 tấn các loại phế thải công nghiệp (tro bay nhiệt điện, tro bay điện rác, xỉ luyện kim, bột gốm sứ, bùn thải khai thác khoáng sản, hạt kính phế thải, hạt xỉ than tổ ong sau khi sử dụng…) và không sử dụng các nguồn vật liệu tự nhiên (cát sông, đá vôi, đất sét…).
Chúng tôi tin tưởng rằng kết quả của nghiên cứu sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế xanh tuần hoàn bền vững, giảm thâm hụt nguồn tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường từ các nguồn khí thải nhà kính.
Nghiên cứu đã sử dụng dung dịch hoạt hóa chứa nhiều thành phần (Na2SiO3, NaOH, Ca(OH)2…) có khả năng phản ứng với khí thải CO2 để tạo thành hợp chất kết tủa dạng keo và sản phẩm dạng đá, ít tan (CaCO3). Các sản phẩm kết tủa dạng keo này đã tạo ra cường độ và tính chất cơ học cho sản phẩm sau khi tạo hình. Đây là cơ sở khoa học quan trọng trong quá trình nghiên cứu và chế tạo VLXD “xanh” hấp thụ khí thải CO2.
♦ Lợi ích về kinh tế cũng như môi trường khi sản phẩm bê tông “xanh” hấp thụ khí thải CO2 này được ứng dụng vào thực tiễn cụ thể như thế nào, thưa ông?
- Việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua các chương trình đổi mới, sáng tạo để nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tối ưu quá trình sản xuất, tiết kiệm sử dụng nguyên, nhiên vật liệu không tái tạo và sử dụng chất thải của các ngành công nghiệp khác làm nguyên nhiên liệu thay thế để giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh đang là xu hướng của thế giới. Tôi cho rằng, Việt Nam cũng cần phải đẩy mạnh thực hiện để có thể bắt nhịp với xu hướng này, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và môi trường, thích ứng với BĐKH.
Chính vì vậy, chúng tôi đã quyết tâm và thực hiện nghiên cứu thành công với sản phẩm bê tông “xanh” trên. Loại bê tông này sẽ có rất nhiều ưu điểm nổi bật.
Đó là giảm phát thải khí nhà kính, mỗi mẫu bê tông “xanh” có thể hấp thụ 15 - 20g khí thải CO2, giảm khí độc, cải thiện chất lượng không khí trong lành.
Đó là bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên, bằng cách sử dụng tối đa các nguồn phể thải công nghiệp, hoàn toàn không sử dụng các nguồn nguyên vật liệu tự nhiên, sử dụng rất ít xi măng Portland, thậm chí hoàn toàn không dùng xi măng Portland, giảm thâm dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, từ đó giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí; hay nói cách khác, chi phí cho các nguyên vật liệu sản xuất sản phẩm với giá thành rất thấp.
Đó là giúp tiêu thụ và giảm đáng kể các nguồn chất thải rắn công nghiệp khi sử dụng thành phần tro xỉ nhiệt điện, xỉ luyện kim, phế thải gốm sứ, phể thải rắn trong quá trình khai thác khoáng sản… làm thành phần nguyên liệu chính trong quá trình sản xuất, từ đó thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn khép kín và bền vững trong dài hạn.
Ngoài ra, sản phẩm mà chúng tôi đã nghiên cứu còn có khả năng ứng dụng đa dạng trong nhiều kết cấu của công trình xây dựng khác nhau do thành phần và tính chất của sản phẩm tương tự như bê tông và vữa xây dựng truyền thống nên phạm vi ứng dụng trong nhiều kết cấu công trình khác nhau, đặc biệt là sử dụng để chế tạo gạch xây không nung loại 2 lỗ, hoặc 6 lỗ rỗng.
Với thành phần hoàn toàn là phế thải công nghiệp, kết hợp với đặc tính đột phá là khả năng hấp thụ tự nhiên khí thải CO2 khi rắn chắc, mà hoàn toàn không thải ra môi trường lượng CO2 nào.
Dự án này kỳ vọng sản phẩm vật liệu bê tông “xanh” sẽ vượt xa kỳ vọng trung hòa carbon, nhằm mục đích cân bằng lượng carbon thải ra với lượng carbon tương đương được hấp thụ.
Đây cũng là một hướng nghiên cứu rất cần thiết, cung cấp thêm luận cứ, cơ sở khoa học và thực tiễn để hướng đến mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” tại Việt Nam vào năm 2050. Đồng thời, kết quả của dự án này là một trong những đóng góp không nhỏ vào mục tiêu “kiến tạo tương lai không rác thải”.
♦ Vốn dĩ nguồn nguyên liệu từ các chất thải công nghiệp là phát thải, vậy tại sao khi sản xuất loại VLXD trên ông lại khẳng định không bị phát thải CO2?
- Thực tế là, nguồn nguyên liệu sử dụng từ các chất thải công nghiệp sẽ phát thải, nhưng là chất thải công nghiệp phát sinh là từ quá trình sản xuất các sản phẩm khác. Quá trình này đã phát thải rất nhiều khí thải CO2.
Nhưng khi ở dạng tro xỉ, phế thải công nghiệp tồn tại ở các kho bãi của khu công nghiệp thì đã không còn trong quá trình sản xuất, không có bất cứ sự phát thải khí CO2.
Quá trình sử dụng chất thải công nghiệp (tro, xỉ, phế thải gốm sứ...) chỉ nhằm mục đích xử lý các nguồn phế thải hiện có tại nhà máy. Hoạt động này không thúc đẩy quá trình sản xuất, hoàn toàn không ảnh hưởng đến khí thải của nhà máy.
Tuy nhiên, quá trình xử lý, nghiền, hoặc vận chuyển phế thải công nghiệp (tro bay và xỉ lò cao...) có thể tiêu tốn năng lượng, dẫn đến phát thải khí CO₂ gián tiếp từ việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch (ví dụ: phương tiện vận chuyển, thiết bị sấy và nghiền vật liệu…).
Do vậy, lượng CO2 này rất nhỏ so với hiệu quả sản phẩm này mang lại cho cộng đồng và xã hội.
♦ Dưới góc độ chuyên gia trong lĩnh vực VLXD, ông có đưa ra những lưu ý gì trong tương lai có thể đối mặt khi sản phẩm bê tông “xanh” sử dụng 100% phế thải công nghiệp?
- Như tôi đã chia sẻ ở trên, việc sử dụng bê tông “xanh” làm từ 100% phế thải công nghiệp (tro bay, xỉ lò cao, phế thải gốm sứ, phế thải điện đốt rác, bùn thải khai thác khoáng sản…) là một bước tiến lớn trong quá trình tăng trưởng “xanh” và thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế tuần hoàn. Việc kết hợp sản phẩm bê tông “xanh” không xi măng với khả năng hấp thụ khí thải CO2 là một hướng nghiên cứu quan trọng để hướng đến trung hòa khí khải CO2 vào năm 2050 như đã cam kết của Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, việc sử dụng các sản phẩm bê tông “xanh” có thành phần 100% phế thải công nghiệp có thể đối mặt với một số thách thức trong tương lai, bao gồm:
Thứ nhất, phế thải công nghiệp có thành phần hóa học biến đổi tùy thuộc vào nguồn nguyên liệu đốt và công nghệ sản xuất, dẫn đến khó kiểm soát chất lượng của sản phẩm bê tông “xanh” sau khi chế tạo.
Thứ hai, trong thành phần của phế thải công nghiệp còn chứa một số loại kim loại nặng hoặc chất độc hại cần được xử lý triệt để tránh gây ô nhiễm đất và nước, đặc biệt là tro bay từ nhiệt điện đốt than với công nghệ lạc hậu, tro bay của các làng nghề tái chế kim loại… Điều này có thể làm tăng chi phí và gián tiếp gây ô nhiễm mỗi trường thứ cấp. Vì thế, hiện tại có thể tập trung nghiên cứu ứng dụng các sản phẩm bê tông “xanh” có chứa 100% phế thải công nghiệp cho các công trình hạ tầng (công trình thủy lợi, công trình biển, cầu đường…).
♦ Nhiều nghiên cứu ở Việt Nam cho rằng, trong tro xỉ có nhiều nguyên tố kim loại nặng. Liệu rằng độ phóng xạ có gây ảnh hưởng tới sức khỏe của con người hay không thưa ông?
- Vâng, chúng tôi cũng đã tham khảo và đọc các tài liệu này. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy, các nghiên cứu này cho đến nay đều không làm rõ hàm lượng của những nguyên tố kim loại nặng là bao nhiêu, hầu như chỉ nói chung chung trong tro xỉ nhiệt điện luyện kim có hàng chục nguyên tố kim loại nặng gây ung thư cho con người. Điều này khiến cộng đồng hoang mang, các cơ quan quản lý môi trường cũng coi tro xỉ là chất thải nguy hại nên đây chính là rào cản cho việc sử dụng tro xỉ thời gian qua.
Hiện nay, Việt Nam đã có QCVN 07:2009/BTNMT về quản lý nồng độ các hóa chất độc hại trong chất thải rắn. Trên thực tế, qua các kết quả nghiên cứu của Viện VLXD phân tích thành phần khoáng - hóa tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện, cũng như kết quả phân tích của Cục Môi trường (Bộ TN&MT) thì thu được nồng độ kim loại nặng rất nhỏ, nhỏ hơn cả nghìn lần so với quy định. Đó cũng là những nguyên tố vi lượng trong tro xỉ, có chỉ số phóng xạ rất thấp. Vì thế, có thể kết luận độ phóng xạ trong tro xỉ hầu như không gây ảnh hưởng tới sức khỏe của con người.
♦ Với vai trò là nhà nghiên cứu, ông có thể cho biết loại VLXD này sẽ cần bao nhiêu thời gian để áp dụng vào thực tiễn?
- Chúng tôi rất kỳ vọng về dự án này, đây sẽ là một giải pháp có tính đột phá cho ngành công nghệ sản xuất vật liệu “xanh” mới, vừa tạo ra sản phẩm có giá trị sử dụng cao, vừa giúp cắt giảm chi phí sử dụng nguồn nguyên vật liệu tự nhiên, đồng thời tích cực hơn nữa là đóng góp trong việc loại bỏ khí thải carbon dioxide khỏi khí quyển trong quá trình sản xuất công nghiệp. Kết quả bước đầu của dự án này cũng là một trong những đóng góp không nhỏ vào mục tiêu “kiến tạo tương lai không rác thải”.
Dự kiến, sau khoảng 1 năm nữa, công nghệ chế tạo và sản xuất sản phẩm này sẽ hoàn thiện. Và trong 5 năm tiếp theo hoặc lâu hơn một chút, công nghệ sản xuất vật liệu hấp thụ khí CO2 sẽ đi vào sản xuất đại trà, phục vụ quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng và thực hiện chủ trương chuyển đổi xanh, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn bền vững.
♦ Đó là những hoạch định cho tương lai gần. Ông cùng các cộng sự của mình có lường trước những khó khăn khi đưa kết quả nghiên cứu của mình trở thành sản phẩm thương mại?
- Có chứ! Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi cũng thấy rõ điều này. Sẽ có rất nhiều rào cản để có thể đưa các vật liệu “xanh” hấp thụ khí CO2 vào trong thực tế công trình xây dựng, cùng với yêu cầu có thêm quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, đánh giá cụ thể toàn diện hơn nữa tính chất cho từng loại hình sản xuất, khả năng dẫn khí CO2 vào trong cấu trúc vật liệu.
Chúng tôi cũng hiểu, cái mới, lại là mới trong các vấn đề khoa học chuyên sâu, hẹp, bao giờ cũng không dễ dàng đưa ngay vào thực tiễn, được tiếp nhận. Đây là sản phẩm chưa từng có ở Việt Nam. Vì thế, chúng tôi cũng muốn được củng cố kế hoạch kinh doanh và nhu cầu tài trợ kinh phí của các doanh nghiệp chuyên môn để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm và tiến đến việc chuyển giao công nghệ sản phẩm vật liệu “xanh”, hấp thụ khí CO2 trong thời gian tới.
♦ Ông có thể “tiết lộ” điều hấp dẫn nào từ sản phẩm mà nhóm của ông nghiên cứu?
- Về mặt định hình, điều này có vẻ khô khan. Nhưng những giá trị mà sản phẩm chúng tôi nghiên cứu là vô cùng hữu ích trong bối cảnh hiện nay. Đó là điều hấp dẫn tiềm tàng.
Để phát triển được những VLXD hấp thụ CO2 này cũng cần phải có lộ trình, trước tiên là phải có kiểm kê khí thải, thu giữ và lưu trữ khí thải CO2, vận chuyển về các nhà máy để tái sử dụng chất thải. Nhất là các khu công nghiệp, phải có lộ trình cụ thể trong việc tái sử dụng chất thải, cùng với các quy định bắt buộc quy trình tuần hoàn trong sản xuất.
Chẳng hạn, quy định các khu công nghiệp cần phải chuyển chất thải nguy hại của đơn vị mình cho công ty môi trường xử lý. Sau đó, công ty môi trường có trách nhiệm phải xử lý các chất thải nguy hại theo đúng quy trình khép kín, có thể sử dụng biện pháp đốt rác phát điện như hiện nay.
Tới đây, thực hiện Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ, các nhà máy bắt buộc phải có hệ thống thu, giữ, lưu trữ và kiểm kê khí CO2. Khi đó, để bảo đảm thực hiện lộ trình net-zero, lượng khí thải của doanh nghiệp cần được đưa về các đơn vị xử lý và tái sử dụng khí CO2. Các nhà máy sẽ không được phép xả khí thải CO2 ra môi trường nữa. Bên cạnh đó, trong quá trình sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp nhiệt điện đốt than, công nghiệp sản xuất gang thép… đang thải ra môi trường một lượng quá lớn các loại phế thải khác nhau, điển hình nhất là tro bay và xỉ đáy lò. Hiện nay, trước áp lực về giảm ô nhiễm môi trường và giảm diện tích kho bãi lưu chứa… Vì vậy, các loại phế thải công nghiệp sẽ bắt buộc phải đưa về các khu tập kết để tái sử dụng trong các công nghệ vật liệu mới. Tiêu biểu nhất là trong sản phẩm bê tông “xanh” không xi măng và có khả năng hấp thụ khí thải CO2 mà chúng tôi đang triển khai nghiên cứu.
♦ Vậy trở ngại lớn nhất hiện nay trong việc phát triển sản phẩm này là gì?
- Tôi cho rằng, điểm nghẽn ban đầu cần được tháo gỡ hiện nay để các doanh nghiệp trong ngành sản xuất VLXD “xanh” đang gặp phải đó là vấn đề về giá. Hầu hết các sản phẩm này không được trợ giá, cũng không được ưu tiên khi đưa sản phẩm của mình vào công trình xây dựng. Đây chính là nguyên nhân khiến các sản phẩm VLXD “xanh” không thể tự do cạnh tranh, cũng không dễ dàng được người tiêu dùng lựa chọn so với sản phẩm truyền thống. Bởi tâm lý người tiêu dùng thường muốn lựa chọn những gì quen thuộc.
Ngoài ra, tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật để đánh giá đầy đủ tính chất cũng như ảnh hưởng của sản phẩm bê tông “xanh” sử dụng 100% phế thải công nghiệp, gây khó khăn cho việc áp dụng rộng rãi sản phẩm này trong tương lai.
Đặc biệt, đơn giá của sản phẩm bê tông “xanh” chưa được quy định nên rất khó khăn khi tính toán giá trị đầu tư của công trình. Thêm nữa là, các quy định liên quan đến xử lý chất thải nguy hại và quản lý môi trường của Bộ TN&MT hiện tại có thể làm phức tạp quy trình tái sử dụng phế thải công nghiệp, ảnh hướng đến hoạt động sản xuất sản phẩm bê tông “xanh”.
♦ Ông có đề xuất gì để cho các sản phẩm VLXD “xanh” nói chung được phát triển mạnh trong tương lai và sản phẩm bê tông “xanh” trên sẽ sớm được ứng dụng?
- Bê tông “xanh” làm từ phế thải công nghiệp có thể đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn từ những sản phẩm bê tông xi măng truyền thống. Bởi hiện nay, người tiêu dùng đang có thói quen sử dụng sản phẩm truyền thống hơn là những sản phẩm VLXD mới.
Người tiêu dùng và các nhà đầu tư có thể nghi ngờ về chất lượng và độ an toàn của sản phẩm làm từ phế thải, đặc biệt là khả năng phóng xạ của sản phẩm. Do đó, cần có nhiều thời gian và nỗ lực để thay đổi nhận thức này.
Ví dụ, Công ty Môi trường Ngôi sao Xanh “Greenstar” mặc dù đã lắp hệ thống sản xuất gạch không nung để tái sử dụng chính lượng tro xỉ sau quá trình đốt rác thải nguy hại của nhà máy để tạo ra các sản phẩm gạch “xanh”, thân thiện với môi trường. Nhưng sản phẩm chưa được thương mại hóa vì thiếu các quy định hợp quy, hợp chuẩn, thiếu các tiêu chuẩn cơ sở.
Chúng tôi kiến nghị, phải có đơn giá cho sản phẩm “xanh”. Bên cạnh đó, cũng cần phải có lộ trình sử dụng, các Bộ ngành, Chính phủ phải có thông tư và chỉ thị, các công trình nào bắt buộc phải sử dụng VLXD “xanh”... Như vậy mới có chỗ đứng cho sản phẩm “xanh” trên thị trường.
Hoặc trong bộ tiêu chí công trình “xanh” phải có tiêu chí đánh giá về sản phẩm VLXD có tính hấp thụ CO2, hay cần phải có tiêu chí đánh giá lượng CO2 hấp thụ là bao nhiêu trong suốt vòng đời của công trình? Hay vật liệu đã tái sử dụng được bao nhiêu lượng phế thải công nghiệp?
Tôi cho rằng Chính phủ cũng phải có biện pháp trợ giá, giảm thuế cho các doanh nghiệp sử dụng hay sản xuất các sản phẩm VLXD bền vững. Với mục tiêu hướng đến Net-zero vào năm 2050, nếu chỉ kêu gọi trên các chương trình truyền thông thôi thì hiệu quả khó có thể đạt được như kỳ vọng. Cần phải có chế tài cụ thể và các tiêu chuẩn bắt buộc mới có thể gỡ bỏ được những rào cản trên.
Ngoài ra, cần thúc đẩy quá trình nghiên cứu cải tiến công nghệ xử lý và kiểm soát chất lượng phế thải công nghiệp, sử dụng đa dạng, triệt để các nguồn phế thải công nghiệp của nhiều ngành sản xuất. Xây dựng đơn giá, quy chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn xây dựng để hướng dẫn thiết kế thành phần cấp phối, thi công và áp dụng sản phẩm bê tông “xanh” vào trong các công trình xây dựng.
Nói tóm lại, để các VLXD “xanh” phát triển hơn trong tương lai cần có sự kết hợp đồng bộ giữa nghiên cứu khoa học, đầu tư công nghệ, hỗ trợ chính sách và tăng cường nhận thức cộng đồng đối với các sản phẩm “xanh” không xi măng và có khả năng hấp thụ thải CO2.
Là một nhà khoa học, đam mê với lĩnh vực mình lựa chọn nghiên cứu, tôi rất mong muốn nhận được sự quan tâm từ các nhà đầu tư và hỗ trợ từ phía Chính phủ để biến kết quả nghiên cứu từ phòng thí nghiệm sớm ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống.
♦ Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!