|
Ông Lê Văn Kế, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) phát biểu khai mạc Hội thảo chuyên đề “Thúc đẩy phát triển vật liệu xanh: Giải pháp bền vững cho một tương lai xanh”. |
Tăng trưởng Xanh ứng phó với biến đổi khí hậu
Phát biểu khai mạc chuyên đề, ông Lê Văn Kế, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, biến đổi khí hậu đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà thế giới phải đối mặt. Sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu, các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng xảy ra thường xuyên hơn, mức độ ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng hơn.
Một trong những nguyên nhân của vấn đề này là do tác động tiêu cực từ các hoạt động sản xuất của của con người, trong đó có hoạt động xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD).
Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26) Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2025. Phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và thân thiện với môi trường là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, đồng thời thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam.
Trong những năm qua, vấn đề tăng trưởng xanh là một phần quan trọng trong chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu và là ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Trong ngành Xây dựng, phát triển xanh không chỉ giúp giảm thiểu tác động môi trường mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, giảm thiểu chi phí vận hành và bảo dưỡng công trình, đồng thời tối ưu hóa sử dụng tài nguyên thiên nhiên.
Trong lĩnh vực phát triển VLXD, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, Bộ Xây dựng đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách liên quan đến phát triển ngành VLXD. Trong các chính sách đó, mục tiêu phát triển bền vững, phát triển xanh, bảo vệ môi trường trong sản xuất VLXD luôn là một nội dung quan trọng.
Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển ngành VLXD xanh
Tại Hội thảo, KS Lê Cao Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Thiết bị, Môi trường và An toàn lao động, Viện VLXD đã trình bày tham luận “Xu hướng thế giới về sử dụng vật liệu xanh: Tiến bộ và những cách tiếp cận mới cho thị trường Việt Nam”.
|
KS Lê Cao Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Thiết bị, Môi trường và An toàn lao động, Viện VLXD. |
Hiện nay, trên thế giới có 6 xu hướng sử dụng vật liệu xanh (VLX), bao gồm: Hiệu quả năng lượng trong công trình; Tái chế và tái sử dụng VLXD; Sử dụng vật liệu từ nguồn tài nguyên tái tạo; Vật liệu thân thiện với sức khỏe con người; Công nghệ sinh học và vật liệu phân hủy sinh học; Sử dụng công nghệ và vật liệu thông minh.
Theo đánh giá của Viện VLXD, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để phát triển ngành VLXD xanh nhờ vào nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú, tiềm năng tái chế các loại vật liệu và nhu cầu VLX tăng cao từ xu hướng toàn cầu. Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả các cơ hội này, cần có sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng, chính sách hỗ trợ và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về lợi ích của VLX.
Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong việc áp dụng VLX. Những thách thức này là chi phí đầu tư ban đầu cao, thiếu các tiêu chuẩn, quy định cụ thể và sự hạn chế về nguồn cung VLX hay sản phẩm mới ở trong nước.
Vì vậy, để thúc đẩy việc sử dụng VLX trong xây dựng, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện các tiêu chuẩn, xây dựng các chính sách hỗ trợ và khuyến khích sử dụng vật liệu tái chế và tái tạo. Đồng thời, việc nâng cao hiệu quả năng lượng trong các công trình xây dựng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải CO2 và tiết kiệm tài nguyên.
Với sự phát triển của công nghệ sinh học và vật liệu thông minh, tương lai của ngành xây dựng xanh sẽ ngày càng phát triển. Việc sử dụng các vật liệu phân hủy sinh học, cùng với tích hợp công nghệ tiên tiến như kính thông minh và hệ thống năng lượng tái tạo, sẽ giúp giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường, đồng thời tạo ra các công trình hiệu quả và bền vững hơn.
Cần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, định mức về VLX
Trình bày tham luận: “Hành lang pháp lý cho phát triển, hiện đại hoá và xanh hoá ngành VLXD”, TS. Đào Danh Tùng, chuyên viên chính của Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) cho biết, trên thế giới hiện có khoảng 465 nhãn xanh tại 199 quốc gia và bao phủ 25 ngành Công nghiệp.
|
TS. Đào Danh Tùng, chuyên viên chính của Vụ VLXD (Bộ Xây dựng). |
Tuy nhiên, chương trình dán nhãn xanh đều là các chương trình tự nguyện, do một tổ chức cấp giấy chứng nhận trên sản phẩm để biểu thị sự thân thiện với môi trường trên cơ sở tác động môi trường trên toàn bộ vòng đời sản phẩm.
Tại Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có quy định về sản phẩm thân thiện với môi trường, trong đó có nội dung về nhãn sinh thái Việt Nam là nhãn được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chứng nhận cho sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2022/NĐ–CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, trong đó có quy định về sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường; Nghị định số 09/2021/NĐ-CP về quản lý Vật liệu xây dựng.
Chính phủ còn ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030; Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 – 2030; Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050; Chương trình phát triển vật liệu xây không nung tại Việt Nam đến năm 2030; Chỉ thị về việc xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất VLXD và làm VLXD.
Về hệ thống công cụ đánh giá công trình xanh (CTX), hiện nay Việt Nam có tổng cộng 5 công cụ. Đó là công cụ CTX do Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam biên soạn; EDGE- hệ thống đánh giá CTX của Tổ chức Tài chính Quốc tế, một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới; LOTUS - hệ thống đánh giá CTX của Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam; LEED – hệ thống đánh giá CTX của Hội đồng Công trình Xanh Mỹ; Green Mark – hệ thống đánh giá CTX của Hiệp hội Công trình Xanh Singapore.
Tuy nhiên, TS. Đào Danh Tùng đánh giá, Việt Nam vẫn chưa có các bộ tiêu chí Nhãn xanh/Nhãn sinh thái/VLX; Chưa có hệ thống tiêu chuẩn, định mức về sản xuất, sử dụng VLX trong công trình xây dựng; Còn thiếu các cơ chế chính sách ưu đãi đối với việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng sản phẩm VLXD được gắn Nhãn xanh Việt Nam/VLX.
Vì vậy, trong thời gian tới, Chính phủ và các Bộ, ngành tại Việt Nam cần xây dựng được các bộ tiêu chí Nhãn xanh/Nhãn sinh thái/ VLX; Hoàn thiện hơn hệ thống tiêu chuẩn, định mức về sản xuất, sử dụng VLX trong công trình xây dựng; Xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi đối với việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng sản phẩm VLXD được gắn Nhãn xanh/Nhãn sinh thái/ VLX.
Đa dạng các giải pháp, sản phẩm giúp giảm phát thải carbon
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Quang Hưng, Giám đốc điều hành của Vật liệu Cách âm - Cách nhiệt Cát Tường đã trình bày tham luận “Cải thiện nhiệt độ không gian trong nhà bằng các giải pháp cách nhiệt mới”.
|
Ông Nguyễn Quang Hưng, Giám đốc điều hành của Vật liệu Cách âm - Cách nhiệt Cát Tường. |
Tham luận chỉ ra rằng, vật liệu cách nhiệt mang đến nhiều lợi ích to lớn như duy trì sự thoải mái về nhiệt cho người sử dụng, sử dụng năng lượng hiệu quả
và tiết kiệm chi phí, cách nhiệt cho sàn chống nồm.
Hiện nay, một số ứng dụng các hệ dùng cách nhiệt phổ biến có thể kể đến như mái tôn 1 lớp, mái tôn 2 lớp, mái bê tông, mái ngói XPS, tường cách nhiệt, tường 2 lớp tôn, tường gạch, vách ngăn thạch cao.
Đáng chú ý, một hệ cách nhiệt tốt sẽ phải có nhiều tính chất. Ngoài tính chất cách nhiệt, một hệ cách nhiệt tốt còn phải cách âm tốt, chống cháy tốt, có tuổi thọ cao và bảo vệ môi trường, sức khỏe của người sử dụng.
Ông Nguyễn Quang Hưng lưu ý, việc thiết kế hệ cách nhiệt hiện nay đang phải đối mặt với một thách thức mới, đó là sự biến đổi khí hậu làm gia tăng các thiên tai như bão, lũ, ví dụ như siêu bão Yagi vừa gây hậu quả nghiêm trọng tại Việt Nam. Điều này đòi hỏi phải thiết kế hệ cách nhiệt chịu được bão.
Nhân dịp này, ông Nguyễn Quang Hưng đã giới thiệu một số vật liệu sáng tạo mới để kiểm soát nhiệt, đó là vật liệu aerogel, vật liệu làm mát nhờ bức xạ và vật liệu chuyển pha – PCM.
Đến với Hội thảo, ông Nguyễn Hải Anh, Giám đốc Kỹ thuật Saint-Gobain Việt Nam đã chia sẻ “Giải pháp đột phá và bền vững hướng đến công trình xanh, giảm phát thải CO2”. Cụ thể, Saint-Gobain Việt Nam đã giới thiệu 4 giải pháp và sản phẩm giúp giảm phát thải carbon.
|
Ông Nguyễn Hải Anh, Giám đốc Kỹ thuật Saint-Gobain Việt Nam. |
Một là giải pháp vữa tô nội thất gốc thạch cao giúp giảm 75% lượng khí thải CO2 so với vữa tô gốc xi măng. Hai là ứng dụng nguyên liệu từ hydro trong sản xuất kính giúp giảm 70% lượng khí CO2 phát thải trực tiếp ra môi trường. Ba là sản phẩm bông thủy tinh với hàm lượng tái chế trung bình chiếm tới 59%. Bốn là hệ giải pháp vách thạch cao giảm 79% lượng khí CO2 so với hệ tường gạch vữa xi măng cát truyền thống.
Còn tại tham luận “Định hình tương lai của Xây dựng bền vững với xi măng phát thải thấp”, ông Nguyễn Công Bảo, Giám đốc Điều hành Công ty CP Xi măng Fico Tây Ninh đã giới thiệu sản phẩm xi măng xanh ECOCem. Đó là xi măng sử dụng nguyên liệu tái chế, sử dụng năng lượng hiệu quả, có hàm lượng clinker thấp và phát thải CO2 thấp hơn ít nhất 30% so với xi măng Portland. Sản phẩm này đã được cấp nhãn xanh SGBP cấp dẫn đầu của Hội đồng CTX Singapore.
|
Ông Nguyễn Công Bảo, Giám đốc Điều hành Công ty CP Xi măng Fico Tây Ninh. |
Công ty CP Xi măng Fico Tây Ninh đặt mục tiêu trong năm 2024, giảm hàm lượng clinker/tấn xi măng xuống khoảng 53,6%, giảm so với mức 55,3% của năm 2023 và thấp hơn nhiều mục tiêu quốc gia vào năm 2050 là 60%. Để đạt được mục tiêu nêu trên, Xi măng Fico Tây Ninh đang đẩy mạnh các hoạt động sử dụng nguyên liệu thay thế trong sản xuất (chất thải công nghiệp, tro bay và xỉ nghiền), đồng thời áp dụng nhãn xanh cho toàn bộ sản phẩm.
Sản phẩm xi măng bao gắn nhãn xanh ECOCem của Fico-YTL có lượng phát thải CO₂ thấp hơn từ 40% - 50% so với xi măng Portland. Sản phẩm xi măng xá gắn nhãn xanh ECOCem của Fico-YTL có lượng phát thải CO₂ thấp hơn từ 30% - 70% so với xi măng Portland.
Trong khi đó, ông Mai Xuân Đức, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh Gạch ốp lát Viglacera đã giới thiệu “Hệ sinh thái vật liệu xây dựng xanh cho công trình”. Hệ sinh thái của Viglacera bao gồm: Đá nung kết; Bê tông khí chưng áp; Gạch slimtech 6mm; Kính tiết kiệm năng lượng, kính siêu trắng; Phủ PVD sen vòi, thiết bị vệ sinh.
|
Ông Mai Xuân Đức, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh Gạch ốp lát Viglacera. |
Trong đó, sản phẩm đá nung kết được sản xuất theo dây chuyền công nghệ Italia, sản xuất bền vững từ nguyên liệu và công nghệ, có khả năng tái chế (nghiền để tạo ra sản phẩm mới) và an toàn khi sử dụng.
Sản phẩm bê tông khí chưng áp có trọng lượng nhẹ, cách âm, cách nhiệt tốt, chống cháy, tiết kiệm vật liệu, thi công nhanh, độ bền cao và thân thiện với môi trường. Đáng chú ý, quá trình sản xuất bê tông khí chưng áp 100% không phát thải ra ngoài môi trường. Gạch slimtech 6mm có nhiều ưu điểm như hạn chế sử dụng tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm chi phí đầu tư, giảm kết cấu công trình, giảm chi phí vận tải, giảm giá thành sản phẩm, giảm phát thải khí CO2.
Kính tiết kiệm năng lượng có thể giúp tiết kiệm 52% chi phí hệ thống sưởi, giảm thiểu 53% công suất hệ thống điều hòa, ngăn cản tới 99% tia UV gây hại. Công nghệ phủ PVD sen vòi có nhiều tính năng vượt trội như tiết kiệm nước, bảo vệ môi trường, an toàn với sức khỏe người sử dụng, độ bền vượt trội, dễ dàng vệ sinh và đa dạng sắc màu.
Cũng tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hoàng Giang, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã trình bày tham luận “Vật liệu tái chế từ chất thải rắn xây dựng (CTRXD) dùng thay thế cốt liệu tự nhiên theo hướng kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh và bền vững”.
|
PGS.TS Nguyễn Hoàng Giang, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội. |
PGS.TS Nguyễn Hoàng Giang đã nhấn mạnh sự cấp thiết của việc tái chế CTRXD để sản xuất VLXD khi nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt.
Để thực hiện nhiệm vụ này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 491/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, yêu cầu ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm tái sử dụng (Reuse) và tái chế (Recycle) chất thải rắn; Chỉ thị số 41/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn yêu cầu các thành phố trực thuộc Trung ương phải xử lý chất thải rắn và giảm chôn lấp xuống dưới 20%, trong khi các tỉnh còn lại giảm xuống dưới 25% tính đến năm 2025.
Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã phối hợp với Đại học Saitama (Nhật Bản) để nghiên cứu công nghệ tái chế CTRXD làm vật liệu với mục tiêu là đưa ra cơ chế quản lý phù hợp, từ đó đề xuất phương án quản lý và có công nghệ phù hợp để các doanh nghiệp tham gia tiếp nhận công nghệ và kết quả cuối cùng là đáp ứng các điều kiện để sử dụng công nghệ trong thực tế.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Giang đã lưu ý tầm quan trọng của việc xây dựng chính sách quản lý CTRXD, đặc biệt là TCVN cho vật liệu tái chế và ứng dụng, chỉ dẫn kỹ thuật cho việc phá dỡ thu gom CTRXD và công nghệ phù hợp có “giá trị gia tăng”, chuyển giao cho doanh nghiệp phù hợp. Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Hoàng Giang cũng chia sẻ một số công nghệ tái chế CTRXD và phương thức chuyển giao công nghệ cho các địa phương, doanh nghiệp.
|
Các đại biểu, chuyên gia tham dự Hội thảo cùng thảo luận về các giải pháp để thúc đẩy phát triển vật liệu xanh tại Việt Nam. |
Trong phần thảo luận, ông Lê Văn Kế, Phó Vụ trưởng Vụ VLXD đã chia sẻ về các cơ chế, chính sách trong thời gian tới để thúc đẩy phát triển VLX tại Việt Nam. Ông Nguyễn Quang Hưng, Giám đốc điều hành của Vật liệu Cách âm - Cách nhiệt Cát Tường chia sẻ thêm về tính an toàn cháy của sản phẩm vật liệu cách nhiệt.
Ông Nguyễn Hải Anh, Giám đốc kỹ thuật Saint-Gobain Việt Nam chia sẻ về điểm mạnh, điểm yếu của sản phẩm vữa tô nội thất gốc thạch cao so với vữa tô gốc xi măng truyền thống.
Ông Nguyễn Công Bảo, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Xi Măng Fico Tây Ninh chia sẻ những thách thức về chi phí trong quá trình sản xuất sản phẩm xi măng xanh ECOCem, qua đó khẳng định xi măng xanh có giá rất cạnh tranh, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và góp phần bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công ty cổ phần Bê tông khí Viglacera đã chia sẻ về định hướng đầu tư sản phẩm bê tông khí chưng áp.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Giang, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội khẳng định yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy phát triển vật liệu tái chế từ chất thải rắn xây dựng là cơ chế, chính sách quản lý từ Trung ương tới địa phương. Nhân dịp này, PGS.TS Nguyễn Hoàng Giang cũng kiến nghị một số giải pháp để thúc đẩy phát triển vật liệu tái chế từ chất thải rắn xây dựng tại Việt Nam.
Ông Jacobo Perez Polaino, Tổng Giám đốc Công ty Sika Hữu hạn Việt Nam chia sẻ về chiến lược phát triển vật liệu xanh của Sika Việt Nam và đánh giá việc phát triển vật liệu xanh tại Việt Nam so với các nước trong khu vực.