Vật liệu xanh - Nền tảng xây dựng công trình xanh Việt Nam
Sản phẩm 03:43 - 20/09/2023
Những năm gần đây, Chính phủ và Bộ Xây dựng đặc biệt chú trọng và ưu tiên hàng đầu đối với việc phát triển các công trình thân thiện với môi trường, hay còn được gọi là “công trình xanh”. Chính vì vậy, các công trình sử dụng vật liệu xanh thay thế cho vật liệu xây dựng truyền thống nhằm hạn chế tối đa tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người trở thành yếu tố cốt lõi trong việc phát triển xây dựng bền vững.
Vật liệu xanh được hiểu như thế nào?
Theo Trung tâm Thiết bị, Môi trường và An toàn lao động, Viện Vật liệu xây dựng: “Vật liệu xây dựng xanh là những loại vật liệu sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên theo hướng thân thiện với môi trường, có khả năng tái chế và phân hủy xanh”.
Vật liệu xanh phải có tối thiểu một trong các tiêu chí sau: Là vật liệu không có tính chất độc hại; vật liệu được làm từ vật liệu tái chế và phải là vật liệu có khả năng tái chế được; vật liệu tiết kiệm tài nguyên, sử dụng năng lượng và nước hiệu quả; vật liệu có vòng đời sử dụng dài; vật liệu quan tâm đến vấn đề môi trường trong quá trình sản xuất, sử dụng và thu hồi sau khi sử dụng.
Các vật liệu xanh trong xây dựng có thể kể đến như: Xốp cách nhiệt XPS; Gạch không nung; Tấm lợp sinh thái; Đá chẻ; Bê tông nhẹ…
|
Một trong những tiêu chí đánh giá sản phẩm vật liệu xi măng xanh của Viện Vật liệu xây dựng ban hành theo Quyết định số 201/QĐ-VLXD ngày 29/9/2022 của Bộ Xây dựng. |
Vật liệu xanh - Môi trường xanh
Theo báo cáo của German Watch, Việt Nam đứng thứ 5 trong số 10 quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu. Cùng với đó, qua thống kê của Viện Vật liệu xây dựng, các công trình xây dựng sử dụng khoảng 17% nguồn nước, 40% nguồn năng lượng, 25% gỗ khai thác, chiếm 50% lượng phát thải, tạo ra 33% lượng khí thải carbon và 40% chất thải rắn xây dựng. Chính vì vậy, ngành sản xuất vật liệu xây dựng truyền thống được cho là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Đứng trước mối đe doạ này, việc tăng cường sử dụng vật liệu xanh là phương pháp tối ưu nhất đối với ngành Xây dựng.
|
Vật liệu xanh thường có ít tác động xấu hơn đối với môi trường bởi trong quá trình sản xuất vật liệu xanh ít tiêu tốn năng lượng và thường tạo ra ít khí gây hiệu ứng nhà kính. |
Cụ thể, xi măng - một trong những vật liệu được sử dụng nhiều nhất trong ngành Xây dựng. Việc sản xuất xi măng thông thường tiêu thụ một nguồn lớn phát thải khí nhà kính do quy trình sản xuất này liên quan đến việc nung nhiệt vật liệu và khí CO2 được sinh ra trong quá trình nung. Trong khi đó, xi măng “xanh” được sản xuất dựa trên các công nghệ tiên tiến nhằm mục tiêu tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu lượng khí thải carbon trong sản xuất.
Các công trình xây dựng truyền thống thường tạo ra một lượng lớn chất thải không thể tái chế. Sử dụng vật liệu xanh tái sử dụng có thể giảm lượng chất thải này và giúp không gian môi trường xung quanh không bị ô nhiễm bởi các chất thải xây dựng độc hại.
Không chỉ vậy, sử dụng vật liệu xanh tái chế còn giúp giảm sự khai thác tài nguyên tự nhiên như: Đá, gỗ và khoáng sản. Điều này giúp bảo vệ các môi trường sống tự nhiên và đa dạng sinh học. Khai thác tài nguyên tự nhiên có thể gây ra nhiều tác động xấu đến môi trường, bao gồm tác động đến đất đai, rừng, và nguồn nước. Sử dụng vật liệu xanh tái sử dụng và tái chế giúp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Vật liệu xanh và những tác động đến sức khoẻ con người
Vật liệu xanh không chỉ có lợi cho môi trường, mà còn có tác động tích cực đối với sức khỏe vật lý và tinh thần của con người thông qua nhiều khía cạnh khác nhau như tránh các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sử dụng vật liệu xanh trong xây dựng giúp giảm nguy cơ tiếp xúc với các hạt bụi và hóa chất độc hại. Điều đó giúp cải thiện chất lượng không khí trong nhà và tránh được nhiều bệnh về đường hô hấp.
|
Ứng dụng tấm vân gỗ Durawood - không chứa chất gây ung thư cho nhà ở nhằm bảo vệ sức khoẻ gia đình. |
Vật liệu xanh thường được sản xuất mà không sử dụng các hóa chất độc hại, như hóa chất chứa Formaldehyde thường được tìm thấy trong gỗ công nghiệp. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, khi con người hít phải Formaldehyde từ các sản phẩm có chứa hàm lượng này mỗi ngày sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn. Bên cạnh đó, các sản phẩm vật liệu xanh như gỗ tái chế lại có những ưu điểm nhất định tới môi trường và con người.
Các vật liệu xanh cách nhiệt tự nhiên (như tre, kiện rơm) có khả năng làm giảm tác động của thay đổi nhiệt độ môi trường. Chúng có khả năng cung cấp cản nhiệt hoặc cách nhiệt tự nhiên, giúp duy trì nhiệt độ ổn định. Từ đó, phòng chống các trường hợp đột quỵ do sốc nhiệt, cải thiện sức khỏe tổng thể cho con người.
Vật liệu xanh không chứa các chất độc hại và ít gây ra phát thải bụi và các hạt bụi mịn trong quá trình sản xuất và sử dụng không chỉ giúp giảm nguy cơ bệnh phổi và sức khỏe người sử dụng mà còn giảm nguy cơ gây hại cho người lao động tham gia công trình xây dựng.
|
Vật liệu xanh có thể giúp giảm nguy cơ bệnh phổi mãn tính và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cho những người tiếp xúc với môi trường xây dựng. |
Vật liệu xanh có khả năng cách âm giúp giảm tiếng ồn từ môi trường bên ngoài như việc sử dụng gỗ tự nhiên trong thiết kế nội thất có thể tạo môi trường thoải mái cho giấc ngủ. Đồng thời, việc ngủ ngon giấc hơn cũng giúp cho tinh thần người sử dụng được sảng khoái và tràn đầy năng lượng.
Vai trò sử dụng vật liệu xanh đối với xây dựng
Vật liệu xanh thường phải kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt, đảm bảo rằng chúng đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng và độ bền. Các vật liệu này thường được thiết kế để chịu được các điều kiện khắc nghiệt và khả năng chịu tải lớn giúp làm tăng tuổi thọ của các công trình xây dựng và giảm nguy cơ sự cố xảy ra.
|
The Coastal Hill một trong những công trình nghỉ dưỡng bền vững đầu tiên đạt chuẩn xanh cao nhất của Mỹ tại Việt Nam. |
Quá trình sản xuất vật liệu xanh đòi hỏi đáp ứng 2 tiêu chí: Tiêu tốn ít năng lượng và tài nguyên. Ngoài ra, việc sử dụng vật liệu tái chế và vật liệu xanh giúp giảm bớt chi phí về nguyên liệu. Vật liệu xanh có tuổi thọ cao dẫn đến việc giảm tần suất sửa chữa và thay vật liệu mới giúp tiết kiệm chi phí và giúp giảm tác động tiêu cực đến môi trường do quá trình sản xuất và loại bỏ vật liệu cũ gây ra.
Gạch không nung là loại gạch không cần thông qua quá trình nung nóng, vẫn đáp ứng các chỉ số cơ học quan trọng như cường độ nén, độ hút nước, khả năng uốn cong, độ cứng, và tính chất chịu lực. Đặc biệt, gạch không nung trở nên cứng cáp và bền bỉ hơn theo thời gian nhờ các phản ứng hoá đá tự nhiên trong quá trình sử dụng. Các nghiên cứu và thử nghiệm đã chứng minh rằng độ bền và độ cứng của gạch không nung thường vượt trội hơn so với gạch nung truyền thống.
(Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2023 do Báo Xây dựng phát động)