|
Chủ tịch Hội Xây dựng Cần Thơ Lê Thành Phiêu giải đáp các ý kiến, câu hỏi của chuyên gia, diễn giả. |
Hội thảo đã bàn thảo 5 vấn đề, đó là: Công nghệ bê tông xanh và thân thiện môi trường; Khó khăn và thách thức trong ứng dụng vật liệu mới cho đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL; Nhà nổi cho cộng đồng dân cư ở vùng bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng dưới tác động của biến đổi khí hậu; Công nghệ in 3D cho xây dựng bền vững; Công nghệ cát sạch cho chất lượng và tuổi thọ công trình.
Tại Hội thảo, PGS.TS Huỳnh Trọng Phước, Giảng viên trường Đại học Cần Thơ đã trình bày chuyên đề: Công nghệ bê tông xanh và thân thiện môi trường. Hiện cả nước có 31 nhà máy nhiệt điện. Năm 2023, lượng tro, xỉ phát thải hơn 23,7 triệu tấn, trong đó, miền Bắc chiếm 64%, miền Trung 25% và miền Nam 11%. Tro xỉ có hàm lượng các thành phần nguy hại vô cơ thấp hơn rất nhiều so với ngưỡng chất thải nguy hại được quy định trong QCVN 07:2009/BTNMT. Hoạt động xạ tự nhiên Aeff của tro bay dùng làm phụ gia hoạt tính của xi măng, không lớn hơn (370) chỉ tiêu yêu cầu đối với công trình nhà ở cộng cộng (không lớn hơn 370), công trình công nghiệp, đường đô thị và khu dân cư (không lớn hơn 740). Tro bay được sử dụng như chất độn và như phụ gia khoáng làm cải thiện cường độ và độ bền vững của bê tông.
|
PGS.TS Huỳnh Trọng Phước, Giảng viên trường Đại học Cần Thơ trình bày chuyên đề: Công nghệ bê tông xanh và thân thiện môi trường. |
Theo PGS.TS Huỳnh Trọng Phước, đây là nguồn vật liệu xây dựng dồi dào và có thể được sử dụng để thiết kế hỗn hợp lèn chặt (DMDA), hỗn hợp bê tông thân thiện và bền vững, có cường độ cơ học cao hơn và đặc tính độ bền lâu dài tốt hơn đáng kể so với bê tông thông thường. Thiết kế bê tông sử dụng DMDA là giải pháp bền vững cho sự phát triển vì nó sử dụng ít xi măng hơn các phương pháp truyền thống và tiêu thụ nhiều phụ phẩm công nghiệp.
PGS.TS Phạm Văn Toàn, trường Đại học Cần Thơ đưa ra giải pháp “Nhà nổi cho cộng động dân cư ở vùng bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng dưới tác động của biến đổi khí hậu”, thông tin cho biết: Nước biển dâng làm cho xâm nhập mặn sâu hơn; Ngập diện rộng và kéo dài; Tính dị thường của khí hậu/thời tiết: mưa lớn, lốc xoáy; nhiệt độ cao. Có thể dẫn đến 38,9% diện tích ĐBSCL bị ngập nếu mực nước biển dâng. Trước thách thức biến đổi khí hậu, nước biển dâng, PGS.TS Phạm Văn Toàn đưa ra giải pháp “Nhà nổi cho cộng đồng dân cư ở vùng bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng dưới tác động của biến đổi khí hậu”. Theo đó, xây dựng nhà nổi: Nhà được xây trên một cấu trúc nổi hoặc trên nền móng dựng trên mặt nước; Nhà có thể di động hoặc cố định; Cấu tạo gồm 2 phần: phần nổi trên mặt nước và phần chìm bên dưới (hệ thống phao nổi); Kết cấu nhà bền chắc thích ứng với biến đổi khí hậu, ngập lụt, nước biển dâng. Và nông trại nổi là mô hình sản xuất nông nghiệp diễn ra trên các bề mặt nổi như hồ, sông hoặc biển; là nơi kết hợp các phương pháp thủy canh truyền thống, sản xuất nông sản theo cách khép kín và hiệu quả.
Có nhiều mô hình nhà nổi như: Mô hình nhà nổi bê tông nhẹ với công nghệ tấm bê tông nhẹ, giảm trọng lượng so với bê tông truyền thống, giúp sàn nổi nhưng vẫn có cường độ cao; Xây dựng trên nền đất yếu mà không cần phải gia cố nhiều; Toàn bộ kết cấu nhà được làm bằng bê tông mỏng. Mô hình nhà nổi Hà Lan, tường nhà bằng bê tông cốt thép rỗng, các trụ thép chống đỡ cho ngôi nhà; Hai cực neo phía trước và phía sau ngôi nhà để neo vào vị trí cố định khi nổi lên; Có khả năng nổi lên theo mực nước (đến 5,5m) nên thích ứng với mực nước dâng cao. Mô hình nhà nổi di động có thể xây dựng các căn hộ riêng hoặc thành các cụm nhà nổi di động; Giúp người dân sống thích nghi với ngập lụt; Mang tính cộng đồng xã hội cao tại các địa phương có thời gian ngập kéo dài; Làm giảm lượng lớn chi phí cứu hộ hàng năm. Mô hình nhà nổi cố định có thể nổi cố định tại một vị trí nhờ các cột neo. Mô hình nhà này có thể tiết kiệm được chi phí do có thể tận dụng được nhà cũ, chỉ cần bổ sung thêm phần nổi di động. Phù hợp cho khu vực có thời gian ngập nước ngắn. Dễ dàng trong việc cứu hộ và tận dụng nhà có sửa chữa, dễ dàng phục hồi một phần tài sản sau lũ.
Nhà nổi giúp thích nghi với sự thay đổi mực nước, hạn chế bị ảnh hưởng do ngập lụt và biến đổi khí hậu; Dễ dàng di chuyển, tạo sự linh hoạt cho người sử dụng; Tiết kiệm diện tích, không gian tiện ích và thoáng, gần gũi với thiên nhiên; Có thể kết hợp với các hoạt động mang lại lợi ích kinh tế: chăn nuôi, kinh doanh, du lịch… Tuy nhiên cũng gặp không ít bất lợi là nhà nổi chi phí xây dựng và bảo trì nhà nổi cao hơn so với nhà trên đất; Tính ổn định trong điều kiện môi trường biến đổi (bão, sóng lớn…) là vấn đề quan tâm; Hạn chế kết nối với cơ sở hạ tầng (nước sạch, điện, vệ sinh…); Rủi ro cho cư dân sống trên nhà nổi (tai nạn, ô nhiễm môi trường…); Nguy cơ cách ly xã hội, hạn chế tiếp cận các dịch vụ y tế, văn hóa, giáo dục...
|
TS. Lê Văn Quang, Giám đốc Phân Viện Vật liệu xây dựng miền Nam - Bộ Xây dựng, đưa ra giải pháp “Công nghệ in 3D cho xây dựng bền vững”. |
TS. Lê Văn Quang, Giám đốc Phân Viện Vật liệu xây dựng miền Nam - Bộ Xây dựng đưa ra giải pháp “Công nghệ in 3D cho xây dựng bền vững”. In 3D là một kỹ thuật chế tạo đắp lớp hoặc bồi đắp. Theo TS. Lê Văn Quang, trong những năm gần đây, công nghệ in 3D bê tông là đại diện điển hình của ngành Xây dưng về việc áp dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
“Mô hình thiết kế có thể sử dụng các sản phần mềm vẽ 3D phổ biến tại Việt Nam giúp làm giảm khối lượng công việc thủ công và cung cấp các giải pháp được tối ưu hóa tự động, tận dụng sức mạnh tính toán của máy tính. Hiệu quả kinh tế của kết cấu tường cho nhà một tầng bằng công nghệ bê tông in 3D cho thấy phương pháp này giảm giá thành so với phương pháp xây tường, tường lắp ghép bằng tấm tường rỗng và bê tông ACC…”, TS. Lê Văn Quang chia sẻ.
Cát xây dựng cũng là vấn đề Hội thảo bàn đến. Cát hiện nay đang là đề tài “nóng” vật liệu xây dựng khu vực ĐBSCL. Cát sông hay cát biển, cát bẩn hay cát sạch để xây dựng. Ông Võ Tấn Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Công nghệ Cát sạch Mekong cho rằng: “Cát sạch không chứa tạp chất như bùn, đất sét, muối giúp tăng độ bám dính giữa cát và xi măng, nâng cao độ bền của bê tông và vữa xây. Loại bỏ tạp chất cao ít phải sửa chữa hoặc nâng cấp trong thời gian sử dụng. Cát sạch làm tăng độ ổn định và khả năng chịu tải của công trình, giảm nguy cơ sự cố do vật liệu kém chất lượng. Cát xử lý đạt chuẩn giúp đáp ứng yêu cầu thiết kế và thi công…”.
|
Ông Võ Tấn Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Công nghệ Cát sạch Mekong nói về cát sạch góp phần xây dựng công trình bền vững. |
Mặc dù, Hội thảo đưa ra nhiều giải pháp xanh cho xây dựng bền vững khu vực ĐBSCL bằng những vật liệu mới, mô hình nhà ở mới, tuy nhiên, các chuyên gia, diễn giả cho rằng để hiện thực hóa trong cuộc sống, thích ứng với biến đổi khí hậu ĐBSCL vẫn còn nhiều khó khăn thác thức.
ThS. Nguyễn Kim Hoàng, chuyên gia Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) đã nêu ra “Khó khăn và thách thức trong ứng dụng vật liệu mới cho đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL. ThS. Nguyễn Kim Hoàng cho rằng: Khó khăn trong ứng dụng vật liệu mới là giá thành vật liệu, công nghệ mới cao hơn so với truyền thống 20-30%. Muốn triển khai giải pháp ứng dụng công nghệ mới là phải đào tạo và nâng cao nhận thức; Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn; Hỗ trợ đào tạo tại chỗ. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích như: Chính sách hỗ trợ tài chính; Ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật; Lồng ghép vào quy hoạch và kế hoạch. Thúc đẩy nghiên cứu và triển khai thử nghiệm: Thí điểm các dự án tại địa phương; Tăng cường nghiên cứ trong nước; Kết hợp với công nghệ số…
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội Xây dựng Cần Thơ Lê Thành Phiêu cho biết: “Sau một buổi làm việc tích cực, Hội thảo đã thành công tốt đẹp. Hội thảo đã có những trao đổi, thảo luận sâu rộng về các giải pháp xanh nhằm đáp ứng thách thức về biến đổi khí hậu, nguyên vật liệu xây dựng và các yêu cầu bền vững cho khu vực ĐBSCL.
Trong khuôn khổ của Hội thảo, chúng ta đã cùng nhau chia sẻ nhiều kinh nghiệm, sáng kiến và đề xuất quan trọng. Đáng chú ý nhất là những giải pháp để tăng cường việc sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, các công nghệ tiên tiến trong xây dựng và những kiến nghị hỗ trợ nhằm đảm bảo phát triển bền vững thành phố Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung.
Những tham luận tại Hội thảo đã mang lại nhiều góc nhìn mới, tăng cường nhận thức và tinh thần hợp tác giữa các bên liên quan. Các giải pháp được đề xuất không chỉ là những ý tưởng mang tính khả thi, mà còn là cầu nối doanh nghiệp, nhà khoa học, chính quyền và các tổ chức xã hội”.