Với sự hỗ trợ từ Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP), hai khóa đào tạo về Hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải (ETS) và thị trường carbon cho các doanh nghiệp sản xuất thép, xi măng và nhiệt điện sẽ được tổ chức tại Hà Nội trong ngày 9 và 10/12 và ở TP. Hồ Chí Minh từ ngày 12-13/12/2024.
|
Toàn cảnh khóa đào tạo. Ảnh: Thu Hường |
Các khóa đào tạo này là một phần trong hoạt động hỗ trợ của ETP nhằm thúc đẩy triển khai thị trường carbon tại Việt Nam với sự hợp tác của Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các đơn vị phát thải sẽ thực hiện nghĩa vụ báo cáo kiểm kê khí nhà kính và giảm phát thải khí nhà kính. Một số ngành như xi măng, sản xuất thép và nhiệt điện dự kiến sẽ tham gia vào thị trường trao đổi hạn ngạch - ETS - là mục tiêu chính của khoá đào tạo này.
Được biết, đây là hoạt động đào tạo năng lực đầu tiên ở Việt Nam thu hút sự tham gia của các bên liên quan thuộc cả khu vực công và tư với một chương trình đào tạo toàn diện và có hệ thống về ETS và thị trường carbon kết hợp sử dụng công cụ mô phỏng thị trường. Các bài giảng được xây dựng và trình bày bởi các chuyên gia quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực giảm nhẹ biến đổi khí hậu và định giá carbon. Sáng kiến đào tạo này diễn ra vào giai đoạn quan trọng khi Việt Nam cam kết giảm phát thải khí nhà kính theo các nghĩa vụ trong Thỏa thuận Paris.
|
Các chuyên gia, học viên tham gia đào tạo về thị trường carbon và ETS cho doanh nghiệp thép, nhiệt điện, xi măng tại Hà Nội. Ảnh: Thu Hường |
Với mục tiêu tự nguyện giảm 15,8% và giảm 43,5% lượng phát thải khí nhà kính với sự hỗ trợ của quốc tế so với kịch bản phát thải thông thường vào năm 2030, việc xây dựng một ETS hiệu quả đóng một vai trò then chốt trong việc đạt được mục tiêu trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).
Bằng cách đặt một hạn mức về tổng lượng phát thải và cho phép các doanh nghiệp mua bán hạn ngạch phát thải, ETS tạo ra các động lực kinh tế giúp các doanh nghiệp tìm giải pháp giảm lượng phát thải khí nhà kính của họ một cách hiệu quả. Ngoài ra, doanh thu từ việc đấu giá hạn ngạch có thể được tái đầu tư vào các dự án liên quan đến khí hậu, hỗ trợ thêm cho các nỗ lực của quốc gia trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Do đó, mục tiêu chính của chương trình hỗ trợ kỹ thuật (TA) là xây dựng và tổ chức các khóa đào tạo về ETS cho các bên liên quan khác nhau bao gồm các nhà hoạch định chính sách, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức tài chính, đại diện truyền thông và đặc biệt là các doanh nghiệp phát thải lớn sẽ phải tham gia vào ETS của Việt Nam trong tương lai.
|
Ông Nguyễn Tuấn Quang phát biểu tại khóa đào tạo. Ảnh: Thu Hường |
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Tuấn Quang - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho biết: Thành lập và phát triển thị trường carbon là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước điều này được cụ thể hóa tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Đặc biệt, phát triển thị trường carbon là một trong những giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính và đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP 26.
Theo ông Nguyễn Tuấn Quang, muốn giảm phát thải khí nhà kính thì nền kinh tế phải chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh”, chuyển sử dụng các nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; áp dụng các công cụ, biện pháp kỹ thuật để sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn tài nguyên như nước, điện, năng lượng…; phát triển hệ sinh thái của rừng - đây được xem là một trong những giải pháp chủ đạo để hấp thụ carbon; thu hồi và lưu trữ carbon vào các mỏ dầu khí đã hết tuổi đời khai thác.
Hiện, tổng lượng phát thải của thế giới ước đạt hơn 51 tỷ tấn CO2 và công cụ định giá carbon phổ biến được áp dụng là thuế carbon, hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính (ETS), cơ chế tín chỉ carbon. Đến nay, trên thế giới có khoảng 90 quốc gia, vùng lãnh thổ áp dụng khoảng 110 công cụ định giá carbon. Tính riêng trong năm 2024, các công cụ định giá carbon này đã kiểm soát hơn 12,8 tỉ tấn CO2 tương đương, chiếm 24% tổng phát thải khí nhà kính toàn cầu.
Theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, năm 2025 Việt Nam sẽ triển khai thí điểm thị trường carbon và thị trường chính thực vận hành vào 2028 đồng thời kết nối với thị trường carbon thế giới. “Như vậy chúng ta còn rất ít thời gian, để vận hành cho thị trường carbon, ngoài trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước còn có trách nhiệm của các doanh nghiệp và đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp” – ông Quang nhấn mạnh.
Được biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Đề án Thành lập thị trường carbon, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã tham mưu Chính phủ sửa đổi Nghị định 06 để có những quy định về vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon, tính toán hạn ngạch phát thải, phân bổ hạn ngạch khí thải mà trước mắt là phân bổ hạn ngạch cho các cơ sở thuộc Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (cập nhật) như: Nhiệt điện, sắt thép, xi măng.
“Các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị cụ thể để khi các văn bản quy định về thị trường carbon ban hành thì có thể tham gia ngay thị trường được”- ông Quang khuyến cáo.
Khóa đào tạo về ETS và thị trường carbon sử dụng công cụ mô phỏng Carbonsim lần này là cơ hội để các chuyên gia trình bày, giới thiệu công cụ mô phỏng và tập huấn sử dụng công cụ mô phỏng hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính.
Ông Quang khẳng định, đây là cơ hội tốt để cho các doanh nghiệp nắm bắt được kiến thức quy trình cách thức quản lý và giao dịch về tín chỉ carbon với các chuyên gia hàng đầu thế giới và Việt Nam trong lĩnh vực thị trường carbon.
|
Ông John Robert Cotton – Quản lý chương trình cấp cao của ETP. Ảnh: Thu Hường |
Đại diện ETP, ông John Robert Cotton – Quản lý chương trình cấp cao của ETP - chia sẻ: Chương trình ETP đã hỗ trợ nhiều quốc gia trong triển khai và định hướng loại bỏ carbon, từ đó các quốc gia có kế hoạch, cơ cấu trong chuyển dịch năng lượng. Đối với Việt Nam thì hoạt động này trở lên dễ dàng hơn, do Chính phủ Việt Nam đã có cam kết trung hòa carbon vào năm 2050 và đã ban hành chính sách, quy định về giảm phát thải.
“Thị trường carbon chỉ là một công cụ để doanh nghiệp có thể tính toán chi phí trong sản xuất kinh doanh của mình sao cho hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo được mục tiêu giảm phát thải theo quy định của Nhà nước”- ông John Robert Cotton cho hay.
Nói về khóa đào tạo, bà Đặng Hồng Hạnh - Trưởng nhóm, Chuyên gia về Chính sách biến đổi khí hậu, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Tư vấn năng lượng và môi trường (VNEEC) - cho biết: Đối tượng cả 2 khóa đào tạo lần này tập trung hướng đến các doanh nghiệp phát thải carbon lớn lĩnh vực công nghiệp thép, xi măng và nhiệt điện.
|
Bà Đặng Hồng Hạnh – Trưởng nhóm, Chuyên gia về Chính sách biến đổi khí hậu. Ảnh: Thu Hường |
“Mỗi khóa đào tạo chúng tôi tiếp nhận đăng ký không quá 60 học viên, điều này là nhằm đảm bảo cho công tác đào tạo đạt chất lượng và hiệu quả cao. Các học viên có cơ hội tham gia vào các mô phỏng thị trường carbon thực tế và nâng cao hiểu biết của họ về nguyên tắc hoạt động của ETS”- bà Hạnh khẳng định.
Các khóa đào tạo cũng bao gồm các bài giảng và phiên thảo luận do các chuyên gia quốc tế chủ trì. Những chủ đề này bao gồm việc triển khai định giá carbon trên thế giới, các chuẩn bị cần thiết cho việc vận hành thị trường carbon, các nguyên tắc của ETS (thiết lập hạn mức, phân bổ hạn ngạch, thực hành mô phỏng, cơ chế tín chỉ, giám sát thị trường,…) và các yêu cầu đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) trong ETS.
Trước đó, 4 khóa đào tạo đã được tổ chức thành công vào tháng 3 và tháng 5/2024 ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho cả khu vực công và khu vực tư.
Chương trình được tổ chức theo hình thức trực tiếp đối với các học viên và trực tuyến ( dành cho một số đại biểu, diễn giả quốc tế), các diễn giả chính bao gồm:
Bà Đặng Hồng Hạnh, Trưởng nhóm/Chuyên gia về chính sách biến đổi khí hậu, Đồng sáng lập, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Tư vấn năng lượng và môi trường (VNEEC).
Tiến sĩ Michael Mehling, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách năng lượng và môi trường (CEEPR) tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT).
Ông Josh Margolis, Chuyên gia thị trường các sản phẩm môi trường và Quản trị viên CarbonSim, nguyên Giám đốc điều hành Quỹ Bảo vệ môi trường (EDF).
Bà Karolien Casaer-Diez, Giám đốc khu vực về chính sách khí hậu, tài chính và thị trường carbon khu vưc châu Á của Tập đoàn South Pole.
Bà Roxanne Tan, Quản lý cấp cao về chính sách khí hậu, tài chính và thị trường carbon tại Tập đoàn South Pole.
Ông Victor Escalona, Phó Giám đốc về chính sách khí hậu, tài chính và thị trường tại Tập đoàn South Pole.