|
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy thực tế khảo sát các bãi thải mỏ để dùng làm vật liệu san nền. |
Ngược dòng lịch sử, ngày 10/1/1840 (nhằm ngày 6 tháng 12 năm Minh Mạng thứ 20) triều Nguyễn, vua có Dụ cho phép Tổng đốc hạt Hải Yên là Tôn Thất Bật khai thác than tại địa phương, nay là khu vực Đông Triều, Quảng Ninh. Tính từ ngày đó đến nay, Quảng Ninh có bề dầy trên 180 năm khai thác than.
Theo đó, ngày 26/7/1884, quan đại thần Phạm Thận Duật thay mặt triều đình Huế ký cho tư bản Pháp thuê khu mỏ than 100 năm; từ đấy Quảng Ninh hình thành khu công nghiệp khai thác than. Thực dân Pháp lập bản đồ nhượng địa, khi ấy toàn bộ đô thị thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm phả là đảo và đồi núi ven biển. Núi Bài Thơ, núi Ba Đèo ( Hạ Long) khi ấy nước triều tứ diện; ở Cẩm Phả nước thủy triều dâng tận chân núi trọc, núi trọc nay là mỏ Đèo Nai; từ chân núi trọc đến núi cốt mìn là lạch biển và rừng ngập mặn.
|
Làng mỏ Cao Sơn xây dựng năm1989, diện tích 128.081m2, dùng toàn bộ đất thải mỏ vượt thổ tôn nền. |
Khi khai thác than đổ thải lấn biển năm này qua năm khác, dần tạo thành khu đất bằng phẳng. Phu mỏ bám khai trường tận dụng dựng lán trại tá túc, khoảng thì chủ mỏ dùng xây dựng cơ sở sản xuất và nhà ở cho bộ máy cai trị mỏ. Như nhà máy than luyện, nhà sàng, phố thư ký ở Hồng Gai; khu đường Hongay, trại lính, Bến do ở (Cẩm Phả), nhà sàng và bến cảng Cửa Ông… mặt bằng nguồn gốc đất đều là bãi thải mỏ than. Sau ngày giải phóng khu mỏ, đất thải mỏ và xỉ than sau sàng con tạo ra mặt bằng toàn bộ khu phố Hồng Ngọc, Cảng Mới, chợ Hạ Long, siêu thị Vincom của thành phố Hạ Long. Làng mỏ Cao Sơn, Cẩm Phả diện tích 128.081m2, đất thải mỏ vượt thổ lấn biển năm 1989.
Cụ Vũ Đức Thịnh, sinh năm 1932 ở tổ 3 khu 1 phường Bãi Cháy khi còn khỏe mạnh bảo, bố mình là Vũ Đức Chỉ sinh năm 1912, nhà ở phố chợ Hongay 1930 cụ làm Chánh kiểm lâm. Khi ấy lực lượng kiểm lâm rất ít người, nhưng lâm luật rất nghiêm, từng tấc đất rừng được bảo vệ, khi mở đường QL18 còn chỗ cao vàn đất xuống chỗ thấp không được tùy tiện xẻ đồi lấp biển. Nên khi ta tiếp quản khu mỏ, dải đồi núi ven vịnh Hạ Long không một vết sẹo, cây cốt tốt tươi, thảm xanh mượt mà. Nay học theo các cụ, tận dụng đất thải mỏ tôn nền là “nhất cử lưỡng tiện”, còn là kinh tế tuần hoàn.
Với trần tích gần 200 năm khai khoáng, Quảng Ninh đang tồn đọng khoảng 3 tỷ m3 đất đá thải mỏ; riêng các mỏ than lộ thiên mỗi năm thải ra khoảng 150 triệu m3 đất đá; cả cũ và mới bãi thải chiếm dụng khoảng 6.000ha đất đai. Bãi thải gồm bãi thải trong và bãi thải ngoài, bãi thải trong là trong ranh giới khai trường sau khai thác dùng để hoàn nguyên tại chỗ, bãi thải ngoài nằm ngoài khai trường, đất đá thường đổ trùm lên rừng núi trong ranh giới quản lý tài nguyên mỏ. Việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất để đổ thải rất khó khăn, nhiều bãi thải phải nâng độ cao vượt quy phạm.
|
Bãi thải nâng độ cao trên 350m vượt quy phạm. |
Các bãi thải mỏ than là hiểm họa về môi trường, khi đất đá ở độ sâu trong lòng đất moi lên còn ngậm dư lượng hóa chất độc hại, mùa nắng nóng những cơn lốc bụi phát sinh từ núi thải, mùa mưa nguy cơ sạt lở và lũ quét từ bãi thải đổ xuống khu dân cư. Và hậu quả đã từng xảy ra, vào lúc 3 giờ sáng 30/7/2015, sau trận mưa lớn kéo dài làm sạt một góc bãi thải Đông Cao Sơn, đất đá theo nước xiết cuốn trôi cả con đê 790 (ngày thường là bờ bao chân bãi thải) cùng đổ xuống nhà cửa - vườn tược của 70 hộ dân ở khu 4 phường Mông Dương, Cẩm Phả; thiệt hại kinh tế hàng trăm tỷ đồng.
|
Năm 2015 mưa lớn làm sạt một góc bãi thải Đông Cao Sơn, đất đá theo nước xiết cuốn trôi cả con đê 790 đổ xuống khu 4, phương Mông Dương (Ảnh tư liệu). |
Bãi thải không dùng là vô dụng, hiểm họa, còn chiếm dụng diện tích đất chứa; nhưng nghịch lý ai tự ý tái sử dụng lại vi phạm luật Khoáng sản. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 2 Luật Khoáng sản quy định: "Khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ". Nên khi sử dụng, phải thực hiệu đầy đủ qui trình cấp phép khai thác như mỏ khoáng mới.
Quảng Ninh mỗi năm cần khoảng 130 triệu m3 đất đá làm vật liệu san nền, dự kiến đến năm 2030 nhu cầu còn tăng cao, các dự án đã đăng ký khoảng 1 tỷ m3 dùng để san lấp mặt bằng. Địa phương coi bãi thải mỏ là tiềm năng, để thực hiện nền kinh tế tuần hoàn, dùng đất thải mỏ làm vật liệu xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị; nhưng vướng mắc do các chế định của Luật Khoáng sản quy định còn bất cập.
|
Quảng Ninh đang tồn đọng khoảng 3 tỷ m3 đất đá thải mỏ, chiếm dụng khoảng 6.000 ha đất đai. |
Những bất cập trong tận dụng bãi thải mỏ làm vật liệu san nền ở chỗ, làm được thủ tục cấp phép khai thác mỏ khoáng sản phải mất khoảng 18 tháng, mà theo Khoản 10 Điều 90 Luật Xây dựng 2014 có quy định: Thời hạn khởi công công trình dự án không quá 12 tháng, kể từ ngày được cấp giấy phép xây dựng. Như vậy, thời hạn tối đa khởi công một công trình xây dựng không quá 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép xây dựng, mà khi trúng thầu hoặc trúng đấu giá đất, được cấp phép xây dựng thì nhà đầu tư mới chắc ăn mua đất san nền. Cấp mỏ đất thải mỏ lại chỉ đáp ứng cho nhu cầu mục tiêu công trình cụ thể, các công trình sử dụng khối lượng đất san nền nhỏ lẻ khó tiếp cận, bởi không có cơ chế bán lẻ đất thải mỏ. Mặc dù giá đất thải mỏ tại mỏ bằng không, chỉ tính tiền sàng sẩy phân loại, phí vận chuyển… cũng cao hơn đất đồi tại chỗ, mà các nhà thầu không trù tính đủ đầu vào để bỏ thầu xây dựng.
Trước thực trạng đất thải mỏ khó được sử dụng làm vật liệu xây dựng san nền, ngày 14/8/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có Công điện số 1079/CĐ-TTg "Về việc rà soát pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp", theo đề nghị của tỉnh Quảng Ninh, giao cho các Bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ, trình Quốc hội sửa đổi Luật Khoáng sản theo hướng: Đất đá thải mỏ than không phải là khoáng sản, mà là chất thải rắn công nghiệp thông thường.
|
70 hộ dân khu 4, phường Mông Dương bị đất xỉ than trên bãi thải Đông Cao Sơn theo lũ quét đổ vào nhà cửa vườn tược. |
Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn công nghiệp Than-khoáng sản Việt Nam bán sát chỉ đạo của Thủ tướng, tìm cách tháo gỡ vướng mắc khi Quốc hội chưa sửa đổi được Luật Khoáng sản. Mặc dù cơ quan chức năng có nghiên cứu đề xuất vận dụng các văn bản dưới Luật, nhưng thiếu cơ sở pháp lý chính luật, trong bối cảnh quản lý ngày một chặt chẽ, có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, nên khó đạt được tiếng nói chung. Khi đất đồi hạn chế hoặc tạm dừng chưa cấp phép khai thác, các dự án có sử dụng đất ngóng chờ vào vựa đất thải mỏ. Nhưng đất thải mỏ còn rất xa tầm với, dẫn đến tình trạng khan hiếm đất san nền. Nhiều dự án trọng điểm của tỉnh vỡ kế hoạch tiến độ, kéo theo là bục lưới kế hoạch giải ngân năm 2023.
Như các công trình, nút giao Đầm Nhà Mạc cần thêm trên 100.000m3 đất làm vật liệu san nền, nhưng mỏ đất cấp cạn kiệt không đáp ứng được. Hạn định hoàn thành năm 2023, nhưng đến 30/9/2023, công trình mới chỉ đạt khoảng 60% tổng khối lượng các hạng mục. Công trình nút giao Hạ Long Xanh khởi công cuối năm 2020, dự kiến thi công trong 450 ngày. Hiện nhu cầu cần khoảng 250.000m3 đất đắp cốt đường, mỏ đất trới II mới được cấp phép vận chuyển ban đêm từ ngày 21/9/2023, nhưng công suất chỉ đạt 6.000m3/ngày. Thiếu đất san nền đình đốn sản xuất, kế hoạch vốn năm 2023 là 120 tỷ đồng, nhưng hiện mới giải ngân chưa được 70 tỷ đồng.
Mới đây, Quảng Ninh được cho là tin vui, trong diễn đàn nền kinh tế tuần hoàn, Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin cho phép sử dụng 4 bãi đất đá thải mỏ trên địa bàn làm vật liệu san nền gồm: Bãi thải mỏ than Núi Béo trữ lượng 0,7 triệu m3, bãi thải Tây Khe Sim 3,5 triệu m3, bãi thải mỏ Suối Lại 3,5 triệu m3, bãi thải Khu Tràng Bạch-mỏ Mạo Khê 4,7 triệu m3.
|
Các mỏ than lộ thiên mỗi năm thải ra khoảng 150 triệu m3 đất đá. |
Nhưng thực tế Bộ Tài nguyên và Môi trường không phải bây giờ mới mở của cho 4 bãi thải mỏ làm vật liệu san nền, đã từng cấp phép cho Công ty Chế biến than Quảng Ninh-TKV khai thác bãi thải mỏ Suối Lại, nhưng 2 năm chạy đôn chạy đáo, vật vã mới xuất bán được 19.400m3 đất thải mỏ cho công trình xây dựng cầu Cửa Lục 3, trước đó cũng đã cấp đất thải mỏ thí điểm cho công trình xây dựng đường bao biển Hạ Long-Cẩm Phả. Đất thải mỏ dùng làm vật liệu san nền và con đường đất từ bãi thải mỏ đến chân công trình xây dựng còn lắm gian truân.