Phê duyệt giá điện rác mới, tối đa hơn 2.575 đồng/kWh
Tin tức - Sự kiện 10:15 - 07/05/2025
Theo quy định mới, mức giá tối đa áp dụng cho các nhà máy điện rác là 2.575,18 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Theo nguồn tin của Báo Xây dựng, Bộ Công thương vừa phê duyệt khung giá phát điện nhà máy điện chất thải năm 2025 (nhà máy điện rác)
Theo đó, mức giá tối đa áp dụng cho các nhà máy điện rác là 2.575,18 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Tập đoàn Điện lực Việt Nam và chủ đầu tư nhà máy điện rác sẽ đàm phán mức giá thực tế không vượt quá giá tối đa trên.
Khung giá này sẽ thay thế cho giá ưu đãi cố định theo Quyết định 31 năm 2014, ngưỡng 10,05 UScents/kWh (khoảng hơn 2.300 đồng/kWh).
Mục tiêu của phát triển điện rác là xử lý môi trường cho các tỉnh (Ảnh minh hoạ).
Về bản chất, các dự án đốt rác phát điện không phải là dự án phát điện thương mại thông thường (điện gió, điện mặt trời, thủy điện, nhiệt điện, điện khí…), mà với mục tiêu xử lý môi trường cho các tỉnh là chính.
Tại Quy hoạch điện VIII điều chỉnh vừa ban hành, nguồn điện sản xuất từ rác dự kiến đạt 1.441-2.137 MW. Các chuyên gia cho rằng, để phát triển nguồn điện này, thì ngoài giá điện cần cởi trói về pháp lý.
Thực tế, hiện nay, nhiều dự án lớn trên cả nước đang bị đình trệ, thậm chí không thể khởi động, do vướng mắc pháp lý trong quy trình đầu tư.
Theo đánh giá của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Quy định pháp luật hiện hành vẫn thiếu cơ chế riêng cho việc lựa chọn nhà đầu tư và ký kết hợp đồng theo hình thức đặt hàng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt – vốn là đặc thù của các dự án điện rác.
Luật Đấu thầu và các nghị định hướng dẫn chưa tạo điều kiện rõ ràng cho việc áp dụng hình thức này một cách minh bạch và hiệu quả. Trong nhiều trường hợp, các dự án bị "vướng" vào quy trình đấu thầu kéo dài hoặc không thể thực hiện theo đặt hàng do chưa đủ cơ sở pháp lý.
Vấn đề cam kết đầu vào, như là khối lượng rác ổn định để vận hành nhà máy cũng là một nút thắt lớn. Nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng dù đã đầu tư hạ tầng xử lý hiện đại, họ vẫn không được bảo đảm nguồn rác đủ về số lượng và ổn định về chất lượng, do các quy hoạch quản lý chất thải tại địa phương chưa rõ ràng, hoặc do chưa có cơ chế ràng buộc trong hợp đồng giữa nhà nước và doanh nghiệp.
Nhiều dự án cũng bị trì hoãn vì thiếu sự đồng bộ giữa quy hoạch cấp tỉnh và quy hoạch cấp vùng/quốc gia. Không ít nơi phê duyệt chủ trương đầu tư mà chưa có bãi rác tập trung phù hợp, hoặc chưa có hệ thống thu gom đủ rộng để cung cấp rác cho nhà máy phát điện. Điều này làm phát sinh mâu thuẫn trong khâu triển khai hạ tầng kỹ thuật và khiến nhà đầu tư e ngại.
Ngoài ra, vẫn còn thiếu hướng dẫn chi tiết và hợp đồng mẫu cho hình thức hợp tác công – tư (PPP) trong lĩnh vực điện rác. Dù Luật PPP đã có hiệu lực từ năm 2021, song đến nay nhiều địa phương vẫn loay hoay trong việc xây dựng đề án, hồ sơ mời thầu, lựa chọn nhà đầu tư, đặc biệt đối với mô hình BOT hoặc BOO áp dụng cho các dự án xử lý chất thải.
Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra, các chính sách ưu đãi cho lĩnh vực điện rác còn phân tán và thiếu rõ ràng. Nhiều địa phương không biết áp dụng mức giá mua điện nào đối với phần điện năng phát ra từ rác, hoặc không rõ ràng trong quy trình miễn giảm thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, vay vốn ưu đãi…