Sáng 11/5, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, chủ trì phiên họp lần thứ tư của Ban Chỉ đạo.
Quang cảnh phiên họp thứ tư Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước. Ảnh: VGP
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, từ khi phát động đến nay, cả nước đã xóa được gần 209.000 nhà. Trong đó, khánh thành và bàn giao 111.000 nhà; khởi công 98.000 nhà, đạt khoảng 77% trên tổng số nhu cầu.
Từ phiên họp thứ ba đến nay tăng gần 87.000 nhà được khởi công, khánh thành, bình quân tăng 26 nhà/địa phương/ngày.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, đây là kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh các cấp, các ngành, các địa phương đang phải thực hiện đồng thời các nhiệm vụ, nhất là sắp xếp tổ chức bộ máy, xây dựng chính quyền địa phương 02 cấp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nhiệm vụ từ nay đến ngày 31/10/2025 vẫn còn rất nặng nề (còn khoảng 61.800 nhà tạm, nhà dột nát) do liên quan đến nhiều bộ, cơ quan, địa phương, phạm vi triển khai rộng, trong khi thời gian còn lại không nhiều, khoảng 170 ngày.
Bình quân mỗi ngày phải hoàn thành khoảng 364 căn trên cả nước; bình quân mỗi địa phương phải hoàn thành 08 căn/ngày. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương nỗ lực cao hơn, quyết tâm lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, đúng trọng tâm, trọng điểm hơn để thực hiện thắng lợi mục tiêu của Chương trình.
Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên họp. VGP/Nhật Bắc.
Theo Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung, đến nay tất cả các địa phương xây dựng kế hoạch, cách thức triển khai, xác định tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.
Từ phiên họp thứ ba đến nay đã tăng 87.000 căn, bình quân đạt 26 căn nhà/1 địa phương mỗi ngày. Đến nay, có 15 địa phương hoàn thành xóa nhà tạm, dột nát.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thêm, đối tượng hộ cận nghèo thuộc chương trình xóa nhà tạm nhà dột nát, tức là không nằm trong chương trình mục tiêu, không nằm trong nguồn người có công, là đối tượng khó khăn nhất thì tỷ lệ hoàn thành cao nhất, đạt 80% cả nước. Về huy động nguồn lực hỗ trợ, đến nay đã có 3.142,8 tỷ đồng theo phương án huy động ngày 5/10/2024, đạt 91,8%.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã cùng các địa phương rà soát và làm rõ được các yêu cầu cũng như đối tượng, mức hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng và đề nghị Bộ Tài chính hỗ trợ nguồn tài chính. Bộ Xây dựng cũng đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính tách ra để báo cáo Quốc hội sớm có nguồn để địa phương triển khai chương trình này.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại phiên họp. VGP/Nhật Bắc.
Về đề xuất sửa đổi Thông tư liên quan đến mức hỗ trợ, theo phân công, các nguồn hỗ trợ của Trung ương thì do Trung ương hỗ trợ, nguồn của địa phương do địa phương hướng dẫn...
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, vừa qua, Bộ Xây dựng được giao hướng dẫn mức hỗ trợ theo Quyết định 90 của Thủ tướng, tức là mức hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đây là nguồn từ ngân sách Trung ương, trên cơ sở đó Bộ đã ban hành Thông tư phù hợp với Quyết định.
Tại Thông tư trên cũng nêu tùy điều kiện, thực tế và khả năng cân đối ngân sách của địa phương, địa phương sẽ quyết định mức hỗ trợ trên ngân sách địa phương để góp phần nâng cao chất lượng nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo từ các nguồn hỗ trợ.
Phiên họp được kết nối trực tuyến đến trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. VGP/Nhật Bắc.
"Tại phiên họp thứ nhất, Thủ tướng cũng đã có quyết định mức hỗ trợ đối với Chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo mức xây mới là 60 triệu đồng, sửa chữa là 30 triệu đồng. Nguồn tăng thêm này cũng được xác định là vận động thêm xã hội hóa để bảo đảm nguồn vốn trên", Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh thông tin.
Báo cáo về tình hình triển khai nhiệm vụ hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, về chương trình phát động của Thủ tướng vào tháng 10/2024 với quy mô 1.000 tỷ đồng, theo báo cáo của các ngân hàng, đến nay chuyển được 715 tỷ đồng cho các địa phương.
Sau chương trình phát động ngày 05/10/2024, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục vận động các tổ chức tín dụng hỗ trợ bổ sung gần 120 tỷ đồng cho các địa phương.
Theo báo cáo ngành ngân hàng đã đóng góp gần 1.350 tỷ đồng, thực hiện giải ngân 972 tỷ đồng. Số tiền còn lại, tất cả ngân hàng đều sẵn sàng, chờ chỉ dẫn tiếp nhận để hoàn thành nốt việc giải ngân.