|
Người tiêu dùng nên tìm mua sản phẩm tại các doanh nghiệp phân phối chính hãng, các sản phẩm có nhãn mác đầy đủ theo quy định, có thông tin mô tả cụ thể, đơn vị nhập khẩu, đơn vị phân phối, đơn vị sản xuất sản phẩm. |
Trong vài năm gần đây, tình trạng hàng giả, hàng nhái trong ngành Vật liệu xây dựng và nội thất ngày càng trở nên phức tạp. Các sản phẩm này thường được làm giả rất tinh xảo, khó phân biệt với hàng thật nếu không có kiến thức chuyên môn, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến tuổi thọ của các công trình xây dựng. Các sản phẩm giả mạo có thể bao gồm: Gạch ốp lát, sơn, đồ nội thất, thiết bị vệ sinh, ống thép, ống nhựa và nhiều mặt hàng khác.
Mặc dù, lực lượng quản lý thị trường, các ngành chức năng đã tích cực vào cuộc, có nhiều biện pháp để rà soát, kiểm tra, xử lý các hành vi gian lận trong kinh doanh buôn bán. Nhưng, do lợi nhuận lớn, nên những sản phẩm vật liệu xây dựng giả, nhái, kém chất lượng vẫn xuất hiện trên thị trường.
Trong vai người mua hàng, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã đi ghi nhận tại một số tuyến phố chuyên buôn bán vật liệu xây dựng trên địa bàn Thành phố Hà Nội như: Hoàng Quốc Việt, Cát Linh, Kim Ngưu, Đại Mỗ… nhận thấy, bên cạnh những mặt hàng có thương hiệu nổi tiếng với mức giá cao, thì không khó để tìm những sản phẩm giá rẻ với những thương hiệu lạ, hoặc thậm chí là làm giả những thương hiệu lớn.
Tại một cửa hàng trên đường Hoàng Quốc Việt, bên trong được bày bán đủ các mặt hàng như: Bệt vệ sinh, chậu rửa mặt, vòi nước, gạch ốp lát… của các thương hiệu lớn (Inax, Toto, Viglacera, Dolacera…). Giới thiệu về sản phẩm bệt vệ sinh, người chủ cửa hàng cho biết: Mặt hàng này ở tại cửa hàng có nhiều loại với những giá thành khác nhau. Ở tầm trung cấp, các loại bệt vệ sinh nguyên khối đang có giá từ 3 triệu đến 5 triệu đồng của các hãng Viglacera, Toto, Nikko… Tuy nhiên, nếu khách cần những loại rẻ thì bên của hàng vẫn có bán với mức giá 1,1 triệu đến 1,8 triệu đồng; các sản phầm này đều có xuất xứ từ Trung Quốc.
“Đây là hàng Trung Quốc “Trung ương” giá gần 2 triệu, còn hàng Trung Quốc “địa phương” chỉ khoảng hơn 1 triệu thôi. So với các hàng thương hiệu thì mẫu mã như nhau, độ bền như nhau, khách bên chị mua về dùng chưa thấy ai phàn nàn gì cả” – chủ cửa hàng khẳng định.
Còn về gạch ốp lát, phóng viên cũng đã ghé vào một cửa hàng khác trên phố Cát Linh, thấy rằng cũng có rất nhiều loại giá cho mặt hàng này. Những sản phẩm đến từ các thương hiệu lớn có giá từ 145.000 đến 200.000 đồng/m2, thậm chí trên 300.000 đồng/m2.
Tuy nhiên, theo một nhân viên bán hàng, nếu khách hàng có nhu cầu gạch ốp lát rẻ hơn thì cửa hàng vẫn có những loại giá chỉ trên 100.000 đồng/m2.
Hiện nay, ngoài những loại sản phẩm chất lượng tốt, tại một số nhà máy sản xuất gạch ốp lát trong nước vẫn cho ra thị trường các lô hàng gọi là A, A1, A2... Theo giải thích của nhân viên bán hàng, những lô hàng này vẫn là sản phẩm của nhà máy, nhưng bị lỗi, nứt mẻ ở góc cạnh, hoặc chất lượng không đảm bảo thì sẽ được bán ra thị trường với giá thành thấp hơn. Phải quan sát kỹ thì mới nhìn ra được sự khác nhau giữa những sản phẩm A, A1, A2 với sản phẩm chuẩn. Nên những sản phẩm này vẫn được khách hàng mua nhiều để sử dụng cho các công trình công cộng hay lát nhà bếp, nhà vệ sinh…
|
Bên cạnh những mặt hàng chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ, trên thị trường vẫn còn xuất hiện những mặt hàng giả, nhái, kém chất lượng. (Ảnh minh họa) |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, đại diện Cục Quản lý thị trường Thành phố Hà Nội cho biết: Trong 08 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hà Nội đã phát hiện, kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc liên quan đến các sản phẩm vật liệu xây dựng, khoáng sản, thiết bị vệ sinh, công trình gồm gạch ốp lát, cát đen, vòi xịt, phụ kiện nhà tắm, bộ khóa cửa, ốc vít… Tổng số vụ kiểm tra, xử lý là 18 vụ; Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính: 439.750.000 đồng; Tổng số tiền hàng hóa tịch thu: 495.642.000 đồng.
Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa nhập lậu; Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp… Ngoài ra, còn có các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đăng ký kinh doanh, thương mại điện tử…
Cũng theo đại diện Cục Quản lý thị trường Thành phố Hà Nội, trong thời gian tới, đặc biệt khi thị trường hàng hóa cuối năm nhộn nhịp do nhu cầu mua sắm, xây dựng, sửa chữa nhà ở và các công trình của người dân tăng cao… Cục Quản lý thị trường Thành phố Hà Nội chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường nắm chắc diễn biến tình hình thị trường, tăng cường công tác quản lý địa bàn, giám sát với các tổ chức, cá nhân có nguy cơ cao nhằm thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn xử lý ngay các hành vi vi phạm liên quan đến mặt hàng vật liệu xây dựng, thiết bị vệ sinh... trên địa bàn Thành phố.
Cùng với đó, tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông và các lực lượng chức năng tuyên truyền thông tin về tác hại của hàng hóa nhập lậu, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ cho người tiêu dùng. Đồng thời, công khai thông tin các trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm, các vụ việc điển hình theo quy định của pháp luật để có biện pháp phòng ngừa, chấn chỉnh, răn đe xử lý vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu mặt hàng vật liệu xây dựng, thiết bị vệ sinh trên địa bàn Thành phố.
Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm tra, xử lý 58 vụ vi phạm, tạm giữ 13.617m2; 3,24 tấn và 7.053 đơn vị sản phẩm vật liệu xây dựng (gạch men, sơn chống thấm, tấm lợp, thép...) với tổng trị giá hơn 4,6 tỷ đồng. Cục đã xử phạt với số tiền hơn 1,34 tỷ đồng và xử lý tang vật theo quy định. Đồng thời, đã chuyển cơ quan điều tra 2 vụ có dấu hiệu tội phạm, trị giá tang vật hơn 3,61 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện nhiều biện pháp hạn chế tình trạng trên, tránh gây thiệt hại cho người tiêu dùng, chủ thầu xây dựng.
Có thể thấy, trong thời gian qua, một số sự cố liên quan đến việc rơi, vỡ vật liệu xây dựng đã xảy ra, gây thiệt hại về người và tài sản như: Vụ gạch ốp rơi vào đầu một cháu bé tại chung cư FLC Garden City (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội) hay vụ kính rơi tại quán cà phê The Coffee House (phố Thái Hà, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội) làm một nữ bác sỹ bị thương nghiêm trọng.
Theo các chuyên gia, để những sự cố trên xảy ra thì do nhiều nguyên nhân tác động. Tuy nhiên, chất lượng của các vật liệu được lắp đặt cũng có thể là một trong những nguyên nhân đó. Vì vậy, việc xử lý những mặt hàng giả, nhái, kém chất lượng là một công việc hết sức quan trọng và cấp bách, nhằm ngăn chặn khả năng những sản phẩm này “len lỏi” vào các công trình xây dựng, gây những hậu quả khôn lường.