Nghỉ Tết sớm
Theo ghi nhận tại một số tuyến phố chuyên buôn bán VLXD trên địa bàn TP, những ngày sát Tết, có rất nhiều đại lý kinh doanh luôn trong cảnh vắng khách, mặc dù đã treo băng rôn quảng cáo, giảm giá nhiều mặt hàng đến tận 40 - 50%.
Các chủ đại lý đều than thở, thị trường bất động sản đóng băng; các dự án cắt giảm hoặc tạm thời dừng thi công đã kéo theo "hệ sinh thái" bị ảnh hưởng. Đơn cử, thị trường VLXD, từ kết cấu như sắt thép, xi măng; cho tới các thị phần hoàn thiện gồm thiết bị vệ sinh... rơi vào cảnh vắng bóng khách hàng, sức tiêu thụ giảm mạnh.
Trên đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy) nơi tập trung nhiều cửa hàng, các công ty VLXD, bên cạnh các cửa hàng treo biển khuyến mãi "khủng", giảm giá từ 40 - 50%, có những đại lý đã bắt đầu đóng cửa, hoặc thanh lý toàn bộ cửa hàng. Những người bán hàng nơi đây đều cho biết, lượng hàng tồn kho vẫn còn nhưng sức mua thời điểm này gần như đã hết, các cửa hàng nhỏ lẻ hay đại lý lớn không dám "ôm hàng" nữa.
Bất động sản ngưng trệ, các doanh nghiệp xây dựng sẽ bị ảnh hưởng.
Bà Vinh Trúc, đại diện doanh nghiệp chuyên sản xuất, phân phối cửa nhôm tại Giảng Võ (phường Giảng Võ, quận Ba Đình) chia sẻ, hiện tại, 60% dự án của đơn vị bị dừng, tiền không về do chủ đầu tư không có nguồn thu, cũng không vay được từ ngân hàng để trả cho doanh nghiệp cung ứng vật liệu.
"Thời gian này của những năm trước, hàng không đủ mà bán, nhưng năm nay do thị trường gặp nhiều biến động, lĩnh vực bất động sản trầm lắng, các đại lý hầu như không tiêu thụ được hàng dẫn đến hoạt động kinh doanh thiết bị vệ sinh ế ẩm, nhân viên... ngồi chơi xơi nước" - Bà Trúc cho hay.
Còn với bà Bùi Thị Kim Oanh, chủ một đại lý gạch ốp lát nằm trên đường Bưởi (quận Ba Đình) chia sẻ, nhiều chủ đại lý đã bắt đầu thanh lý toàn bộ cửa hàng để mong sớm "dọn kho". Nhiều cửa hàng đóng cửa vì không còn chi phí trang trải, tiền lãi không đủ sống. Với cửa hàng của bà cũng đã cho nhân viên về quê nghỉ sớm từ đầu tuần và cũng có ý định đóng cửa nghỉ sớm.
"Tổng các loại chi phí cho một cửa hàng dao động từ 20 - 30 triệu đồng/tháng, bao gồm thuê mặt bằng, tiền lương nhân viên, phí quản lý... mà doanh thu chỉ vừa đủ chi trả. Nhiều người chủ dù đã chuyển sang nhập khi có đơn hàng nhưng cũng chỉ là biện pháp tạm thời nên tôi cũng đang tính 27, 28 Âm đóng cửa hàng" - Bà Oanh cho hay.
Trông vào bất động sản
Ở góc độ DN, ông Bolat Duisenov - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Xây dựng Coteccons cho biết, năm qua là "một năm không dễ dàng gì, thậm chí rất chật vật với Coteccons". Song công ty vẫn cố gắng đảm bảo chỉ số PNL (profit and loss) dương. Nhờ PNL dương nên công ty có thể đấu thầu các dự án.
Sự đóng góp của bất động sản thông qua khả năng lan tỏa đến trên 40 ngành kinh tế quan trọng khác.
"Năm 2022 là lúc chúng ta chỉ mới bước ra khỏi Covid-19, giá nguyên vật liệu tăng tới 25%, trong đó giá thép, giá bê tông tăng một cách điên cuồng. Tôi thừa nhận nó đã ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của Coteccons" - Ông Bolat cho hay và theo công bố, doanh thu của Coteccons năm 2022 là 14.500 tỷ đồng, tăng 60% so với mức nền thấp của năm ngoái và đạt 97% kế hoạch cả năm.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định về ảnh hưởng của bất động sản: “Doanh nghiệp bất động sản bán được hàng, chắc chắn ngành cung cấp đầu vào cho việc phát triển nhà ở cũng kích hoạt. Ví dụ như vật liệu, xi măng, gạch đá, cát sỏi, sắt thép, thiết bị máy móc, thì sau đó công trường, nhà máy lại được sản xuất. Nhưng thực tế hiện nay, một số nhà máy đang phải dừng hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng do không có thị trường, hoạt động thị trường yếu, công nhân nghỉ việc… dẫn đến nguy cơ phá sản rất cao”.
Các chuyên gia trong ngành nhận định, sự đóng góp của bất động sản thông qua khả năng lan tỏa đến trên 40 ngành kinh tế quan trọng khác của nền kinh tế, nhất là những ngành liên quan trực tiếp như xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, lưu trú - ăn uống và tài chính - ngân hàng... Bên cạnh đó, khi nhu cầu sử dụng cuối cùng của ngành bất động sản mở rộng tăng 1 tỷ đồng sẽ kích thích giá trị sản xuất của các ngành còn lại là 0,772 tỷ đồng và lan tỏa tới giá trị tăng thêm là 0,191 tỷ đồng…
Trường hợp giá trị sản xuất của nhóm ngành bất động sản thay đổi giảm 10%: GDP sẽ giảm 1,247%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chịu ảnh hưởng mạnh nhất, giảm tới 0,861%, tiếp theo đó là các ngành: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (giảm 0,366%); du lịch (giảm 0,352%); dịch vụ khác (giảm 0,348%); ngành chịu ảnh hưởng giảm thấp nhất là công nghiệp khai thác (giảm 0,210%)…
Trong báo cáo vừa công bố, Bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết kết quả tích cực trong năm 2022 cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ của Việt Nam, với các động lực nền tảng từ nhu cầu nội địa và ngành sản xuất, chế biến chế tạo.
Tuy nhiên, theo SSI, đà hồi phục này đã, đang và sẽ gặp nhiều trở ngại hơn trong thời gian tới, đến từ cả các yếu tố trong nước và bên ngoài. Trong đó, triển vọng hoạt động thương mại kém tích cực sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng sản xuất công nghiệp, và chu kỳ đi xuống của bất động sản sẽ tác động tới đầu tư và tiêu dùng trong nước.
Trong kịch bản cơ sở, các chuyên gia kỳ vọng tăng trưởng GDP năm 2023 ước tính 6 - 6,2%, với một số giả định như nền kinh tế toàn cầu hạ cánh cứng (nhưng không phải suy thoái kéo dài), các xung đột địa chính trị sẽ cải thiện đáng kể, việc dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp phòng, chống Covid-19 ở Trung Quốc diễn ra suôn sẻ và không có sự biến động quá tiêu cực đối với thị trường bất động sản của Việt Nam.