|
Ngành sản xuất VLXD nói chung, xi măng nói riêng đang phải đối mặt nhiều thách thức. (Ảnh: TTXVN) |
Khó khăn đầu ra
Nhờ nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, ngành công nghiệp sản xuất VLXD trong nước đang không ngừng phát triển trong những năm trở lại đây.
Trong đó, ngành Xi măng Việt Nam đứng top đầu thế giới với tổng công suất 122 triệu tấn/năm. Tính đến quý II/2024, tổng mức đầu tư ước tính theo giá trị lên 20 tỷ USD (tương đương 500.000 tỷ đồng).
Gạch ốp lát cũng thu hút được đầu tư với tổng công suất đạt 831 triệu m2/năm. Tính đến quý II/2024, mức đầu tư ước tính theo giá trị khoảng 4 tỷ USD (tương đương 100.000 tỷ đồng).
Với mảng sản xuất kính, Việt Nam nằm trong nhóm 5 nước có sản lượng lớn nhất khu vực ASEAN với tổng công suất đạt 5.900 tấn thủy tinh/ngày. Ngành Vật liệu không nung đã được đầu tư với tổng công suất đạt 12 tỷ viên/năm.
Riêng đối với ngành Thép, sản lượng sản xuất thép thô của Việt Nam đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 13 thế giới với hơn 20 triệu tấn/năm, theo dự kiến mức tăng trưởng này sẽ vượt trên 10% vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, các doanh nghiệp VLXD cũng đang phải đối mặt với khó khăn lớn trong việc tìm đầu ra. Nguyên nhân chính là do thị trường tiêu thụ trong nước sụt giảm.
Trái với tốc độ tăng trưởng về sản xuất, thị trường tiêu thụ trong nước ngày càng sụt giảm khiến các doanh nghiệp ngành VLXD gặp khó trong việc tìm đầu ra. Cầu trong nước và quốc tế đều suy giảm, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, thị trường bất động sản trong nước phục hồi chậm, nhiều công trình, dự án hạ tầng trọng điểm bị trì hoãn hoặc kéo dài tiến độ.
Nguyên nhân sâu xa là do thị trường VLXD chịu tác động lớn từ sự phục hồi chậm của bất động sản, tồn kho tăng cao và sản xuất đình trệ. Nhiều dây chuyền xi măng, kính phải ngừng hoạt động do không tiêu thụ được sản phẩm.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu phục hồi và dự kiến sẽ chuyển biến tích cực vào cuối năm 2024 và đầu năm 2025. Tuy nhiên, WB cũng chỉ ra rằng, nguồn cung dự án được cấp phép và số lượng căn hộ mới trong quý I/2024 gần như không thay đổi so với quý quý IV/2023. Nguyên nhân chính là do quy trình giải phóng mặt bằng và đền bù đất đai vẫn chưa có những tiến triển đáng kể.
Nguồn cung bất động sản ra thị trường hiện tại rất hạn chế, dẫn đến khó khăn cho nhiều ngành công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là ngành VLXD và Xây dựng. Tình trạng này gây ảnh hưởng đến sản lượng và doanh thu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, đồng thời tạo ra áp lực lớn lên toàn bộ chuỗi cung ứng.
Thêm vào đó, chi phí vận chuyển quốc tế tăng cao, xuất khẩu sản phẩm VLXD giảm do cạnh tranh khốc liệt về giá từ các nhà sản xuất lớn trên thế giới, cùng với các quy định hàng rào kỹ thuật khắt khe ở thị trường nước ngoài. Trong khi đó, thị trường trong nước đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ sản phẩm nhập khẩu, lượng hàng ngoại nhập gia tăng đáng kể trong thời gian gần đây.
Ngành Xi măng có 4 dây chuyền với tổng công suất 11,4 triệu tấn đã hoàn tất đầu tư, nhưng chưa đi vào hoạt động vì không tiêu thụ được sản phẩm. Từ năm 2023, sản xuất clinker và xi măng đã giảm mạnh, với tổng sản lượng chỉ đạt 92,9 triệu tấn, và các dây chuyền chỉ vận hành ở mức 75% công suất thiết kế.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng sản xuất xi măng vẫn đạt khoảng 44 triệu tấn, tương đương cùng kỳ năm 2023, trong khi tồn kho lũy kế lên tới 5 triệu tấn.
Triển vọng ngành Thép
Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam, 10 tháng đầu năm, sản xuất thép thô đạt hơn 18,194 triệu tấn, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023; Tiêu thụ thép thô nội bộ và xuất bán đạt 17,796 triệu tấn, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó xuất khẩu đạt 2,322 triệu tấn, tăng 56% so với cùng kỳ 2023 (chủ yếu là xuất khẩu phôi thép dẹt).
|
Sản xuất và xuất khẩu thép được kỳ vọng là điểm sáng trong bức tranh sản xuất VLXD trong năm 2025. (Ảnh: Hòa Phát) |
Sản xuất thép thành phẩm các loại đạt 24,473 triệu tấn, tăng 8,5%. Trong đó, sản xuất thép tôn mạ kim loại và sơn phủ màu đạt cao nhất là 27,1%, thép xây dựng tăng 12,2%, ống thép tăng 4,6%, HRC là 3,2%; Sản xuất thép cuộn cán nguội ghi nhận mức tăng trưởng âm là 16,2%. Chi tiết như biểu đồ sản xuất thép thành phẩm 10 tháng năm 2024 dưới đây.
Bán hàng thép thành phẩm đạt 24,472 triệu tấn, tăng 15,6% so với 10 tháng 2023. Mức tăng trưởng được ghi nhận ở tất cả các mặt hàng, trong đó cuộn cán nguội CRC đạt cao nhất 41,9%, tôn mạ kim loại và sơn phủ màu 35,1%, thép xây dựng 15,7% và ống thép 6,4%, riêng thép cuộn cán nóng (HRC) giảm nhẹ so với cùng kỳ 2023.
Xuất khẩu thép thành phẩm 10 tháng đầu năm 2024 đạt 7,119 triệu tấn, tăng trưởng 6,2% so với cùng kỳ 2023; Tốc độ tăng trưởng đều ở các mặt hàng trừ cuộn cán nóng giảm 26,3%.
Theo thống kê, 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 9,947 triệu tấn thép tăng 21,02% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt 7,213 tỷ USD tăng 14,75% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng trong tháng 9/2024, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 1,086 triệu tấn thép giảm 20,74% so với tháng 8/2024 nhưng tăng 27,21% so với cùng kỳ năm trước về lượng xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu đạt hơn 747 triệu USD giảm 20,64% so với tháng trước nhưng tăng 24,05% so với cùng kỳ năm 2023.
Hiệp hội Thép thế giới (Worldsteel) nhận định, nhu cầu thép toàn cầu dự kiến sẽ phục hồi 1,2% vào năm 2025, đạt 1.772 triệu tấn. Bất chấp những thách thức đang diễn ra do các yếu tố như tác động kéo dài của việc thắt chặt tiền tệ, chi phí tăng cao, khả năng chi trả hạn chế và bất ổn địa chính trị, Worldsteel cho rằng, nhu cầu thép toàn cầu sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng vừa phải trên diện rộng vào năm 2025.