Gạch không nung được sản xuất tại một cơ sở.
Gạch không nung sẽ thay dần gạch đất sét nung
Theo Sở Xây dựng, giai đoạn 2010-2020, Chính phủ, Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều văn bản về lộ trình, định hướng, chương trình phát triển VLXKN, về tăng cường sử dụng VLXKN và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung. Theo đó, việc sử dụng VLXKN đối với các tỉnh vùng Đông Nam bộ được quy định như sau: tại các khu đô thị loại III trở lên, sử dụng tối thiểu 90%; tại các khu vực còn lại sử dụng tối thiểu 70%.
Quyết định số 2171/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 23.12.2021 về phê duyệt Chương trình phát triển VLXKN tại Việt Nam đến năm 2030 đề ra mục tiêu chung: Đẩy mạnh sản xuất và sử dụng VLXKN để thay thế gạch đất sét nung, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất nông nghiệp, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường; tận dụng phế thải từ các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội.
Trong đó, mục tiêu cụ thể là: đẩy mạnh sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế một phần gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 35% - 40% vào năm 2025, 40% - 45% vào năm 2030 trong tổng số vật liệu xây, bảo đảm tỷ lệ sử dụng VLXKN trong các công trình theo quy định. Giảm phát thải khí CO2 vào năm 2025 là trên 2,5 triệu tấn/năm và năm 2030 là trên 3 triệu tấn/năm (so với sản xuất gạch nung với khối lượng tương đương).
Thực hiện chủ trương của Trung ương, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1153/QĐ-UBND ngày 26.5.2015 về kế hoạch triển khai việc phát triển, sản xuất, sử dụng VLXKN và lộ trình hạn chế sử dụng gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và Quyết định số 3171/QĐ-UBND ngày 26.12.2018 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Tây Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo quy hoạch năm 2018, VLXKN có tổng công suất thiết kế giai đoạn đến năm 2020 đạt 360 - 375 triệu viên/năm (chiếm 30% của số liệu dự báo nhu cầu vật liệu xây tỉnh Tây Ninh). Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với quy hoạch năm 2018 đề ra.
Sở Xây dựng đang tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đã định hướng phát triển VLXKN bảo đảm theo mục tiêu Chính phủ đề ra.
Theo đó, dự kiến tổng công suất thiết kế dự kiến năm 2025 đạt 455 triệu viên/năm, năm 2030 dự kiến đạt khoảng 560 triệu viên/năm. Tỷ lệ gạch xây không nung năm 2025 đạt khoảng 35% tổng lượng gạch xây; tỷ lệ gạch xây không nung năm 2030 đạt khoảng 40% tổng lượng gạch xây, đáp ứng hoàn toàn nhu cầu vật liệu xây không nung trên toàn địa bàn tỉnh.
Sản xuất gạch không nung còn manh mún
Căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, nhu cầu sử dụng gạch không nung cho các công trình xây dựng và hiện trạng phát triển gạch không nung của tỉnh cho thấy, hiện nay năng lực sản xuất gạch không nung của tỉnh chưa đủ để đáp ứng nhu cầu xây dựng trong tỉnh theo lộ trình dự kiến.
Theo thống kê của ngành Xây dựng tỉnh, giai đoạn từ 2010 đến nay, Tây Ninh có 5 cơ sở sản xuất gạch không nung đã và đang hoạt động, 6 cơ sở đang trong quá trình đầu tư xây dựng với các chủng loại chính là gạch xi măng cốt liệu và gạch bê tông nhẹ khí không chưng áp. Trong số 5 cơ sở đang hoạt động thì có 2 cơ sở sản xuất gạch xi măng cốt liệu, 2 cơ sở sản xuất gạch bê tông khí chưng áp và 1 cơ sở sản xuất gạch không nung (gạch terrazzo).
Một sản phẩm gạch không nung được làm theo mẫu mã gạch nung.
Theo ghi nhận thực tế của người viết, hiện tại, toàn tỉnh chỉ có vài cơ sở sản xuất gạch không nung thực sự hoạt động, vài cơ sở đầu tư nhưng đã dừng hoạt động vài năm nay. Có cơ sở hoạt động vài lần mỗi năm để sản xuất theo đơn hàng nhỏ lẻ. Có hơn 5 đơn vị đăng ký đầu tư cơ sở sản xuất gạch không nung nhưng thực tế chưa đầu tư xây dựng.
Trong số này, đại diện một số cơ sở tiếp xúc với người viết cho biết chưa có ý định đầu tư thiết bị sản xuất gạch không nung trong vài năm tới và về lâu dài. Có vài cơ sở sử dụng máy móc thiết bị có công nghệ cũ, được sản xuất trong nước hoặc có nguồn gốc từ Trung Quốc. Việc sản xuất gạch không nung, VLXKN còn nặng tính thủ công, bán cơ giới, công suất thấp.
“Từ năm 2016, thực hiện chủ trương của Trung ương và của tỉnh, tôi quyết tâm đầu tư nhà xưởng, thiết bị máy móc trên cơ sở hạ tầng của nhà máy gạch hoffman đang hoạt động. Dự kiến ban đầu của tôi là nếu sản xuất gạch không nung ổn định, hiệu quả, tôi sẽ dừng hẳn hoạt động sản xuất gạch nung theo công nghệ hoffman.
Tôi đã sang tận Trung Quốc để tham quan, học tập kinh nghiệm từ mô hình sản xuất gạch không nung của họ và mua một số thiết bị, máy móc về đầu tư nhà xưởng sản xuất. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng vận hành, cho ra một số sản phẩm, tôi đành dừng hoạt động sản xuất gạch không nung vì gặp nhiều khó khăn về đầu ra. Vậy là khoảng 5 năm nay, máy móc thiết bị, nhà xưởng được đầu tư để sản xuất gạch không nung bị bỏ hoang phế với chi phí vài tỷ đồng đã bỏ ra”, chủ một doanh nghiệp sản xuất gạch ở Trảng Bàng cho biết.
Theo Chương trình phát triển VLXKN tại Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2171/QĐ-TTg ngày 23.12.2021, VLXKN cần được khuyến khích đưa vào sản xuất và sử dụng vì đây là xu hướng phát triển bền vững với một số mục tiêu sau:
Thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển vật liệu xây không nung của Chính phủ, tiến đến thay thế gạch đất sét nung và cần có bước đột phá trong sản xuất, tiêu thụ và công tác quản lý nhà nước đối với sản phẩm VLXKN.
Tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất gạch xi măng cốt liệu có quy mô vừa, công nghệ tiên tiến, đa dạng sản phẩm, chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng.
Nghiên cứu sử dụng tro xỉ nhiệt điện thay thế xi măng, cốt liệu để sản xuất VLXKN đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ về Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng tại Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12.4.2017.