Kế hoạch "căn cơ" và khả thi của đại gia Đường bia để thúc đẩy mục tiêu xây dựng 10 triệu căn hộ nhà ở xã hội.
Công ty TNHH Hòa Bình được biết đến là một trong những cơ nghiệp lớn của Chủ tịch Nguyễn Hữu Đường, người thường được biết đến với biệt danh Đường “Bia”. Doanh nghiệp đang ngày càng thể hiện khát vọng trong việc phát triển những giải pháp tiên tiến trong kết cấu hạ tầng giao thông và xây dựng nhà ở xã hội giá rẻ cho người dân. Đây là hai chương trình trọng điểm được ông Nguyễn Hữu Đường cho là “Những giải pháp căn cơ phát triển kinh tế của đất nước”.
Xây 10 triệu căn nhà ở xã hội “nói không” với ngân sách Nhà nước
Tại buổi chia sẻ với báo chí ngày 17/12 vừa qua, ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình đã đưa ra những nhận định đáng chú ý về khả năng xây dựng nhà ở xã hội với chi phí hợp lý.
Theo ông Đường, hiện nay việc xây dựng một dự án nhà ở xã hội không phải là điều khó khăn, đặc biệt khi vật liệu xây dựng và công nghệ đã có nhiều bước tiến đáng kể, giúp giảm đáng kể chi phí thi công. Ông Đường cho biết, Tập đoàn Hòa Bình dù sở hữu quỹ đất vàng nhưng sẽ chỉ xây dựng nhà ở xã hội, vì đó là triết lý kinh doanh phụng sự xã hội của doanh nghiệp ông. “Chúng tôi thừa khả năng xây dựng và bán nhà ở xã hội giá chỉ 15 triệu đồng/m2”, ông khẳng định.
Đặc biệt, ông Đường cho biết đã kiến nghị lên Tổng Bí thư, Thủ tướng và Quốc hội cho phép doanh nghiệp thực hiện kế hoạch xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội mỗi năm mà không cần Nhà nước chi ngân sách.
Để hiện thực hóa kế hoạch này, điều kiện cần là các địa phương cần quy hoạch những khu đất dành riêng cho phát triển nhà ở xã hội. Chẳng hạn, Thành phố Hà Nội có thể quy hoạch 5 khu tập trung để làm nhà ở xã hội, sau đó các doanh nghiệp sẽ ứng vốn để giải phóng mặt bằng, làm hạ tầng và xây dựng nhà.
Sau đó, khi các căn nhà được bán, thành phố sẽ thu thuế từ người mua nhà và các doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng, từ đó có nguồn để hoàn trả chi phí giải phóng mặt bằng theo quy định.
Từ phương án được đưa ra, ông Đường tính toán rằng, ngân sách Nhà nước không chỉ không bị ảnh hưởng mà còn thu về 32.110 tỷ đồng trong kế hoạch xây dựng 10 triệu căn nhà ở xã hội.
Vị Chủ tịch này nhận định rằng, nhu cầu đối với nhà ở xã hội có mức giá dưới 20 triệu đồng/m2 là rất lớn, giúp đảm bảo sản phẩm dễ dàng được thị trường hấp thụ. Ông cũng cho rằng khi nguồn cung nhà ở xã hội gia tăng, giá nhà thương mại chắc chắn sẽ giảm theo.
Được biết, Tập đoàn Hòa Bình đang trong quá trình triển khai xây dựng dự án nhà ở xã hội trên 2 khu đất vàng ngay tại phương Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội. Đây là hai dự án nhà ở xã hội được người lao động trông chờ, khi hoàn thành sẽ cung cấp cho quỹ nhà ở xã hội hơn 2.000 căn hộ chất lượng cao, tiện ích đồng bộ. Dự án này nằm trong kế hoạch phát triển nhà ở Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 đã được UBND Thành phố phê duyệt.
Về Dự án nhà ở xã hội cao tầng 393 Lĩnh Nam, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Tập đoàn Hòa Bình cho biết, dù có mức giá xây dựng thấp nhất trong đơn giá xây dựng nhà ở xã hội, chỉ từ 12 tr. đồng - 20 tr. đồng/m2, nhưng người dân vẫn được hưởng những tiêu chuẩn xây dựng cao cấp của Tập đoàn Hòa Bình cùng với đầy đủ các dịch vụ tiện ích của các tòa nhà với giá rẻ.
|
Phối cảnh dự án nhà ở xã hội do Công ty TNHH Hòa Bình xây dựng tại Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội. |
Cụ thể, các dự án nhà ở xã hội mà Tập đoàn Hòa Bình đang xin phép xây dựng đều sẽ có tường, vách các tòa nhà được làm bằng bê tông, cốt thép, các tòa nhà được thiết kế không có cột mà dùng vách bê tông chịu lực; Cách âm, độ ồn ở mức thấp nhất, cách nhiệt, tiết kiệm năng lượng... Những người sống trong các tòa nhà ở xã hội sẽ được phục vụ các tiện ích: Chi phí khám, chữa bệnh phải trả rất thấp, chỉ từ 100.000 – 150.000 đồng/người, chi phí này bảo hiểm y tế sẽ thanh toán; Đặc biệt, phí dịch vụ chỉ từ 2.000 – 4.000 đồng/m2/tháng...
Khát vọng xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông chi phí thấp
Lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông cũng được Tập đoàn Hòa Bình hết sức chú trọng, kể cả trong xây dựng nhà ở lẫn hạ tầng giao thông, doanh nghiệp này đều đề cao những giải pháp nghiên cứu tiên tiến, thi công nhanh, thân thiện với môi trường và đặc biệt là chi phí thấp, giá rẻ, nhưng chất lượng phải đặc biệt.
Từ đây, Chủ tịch Nguyễn Hữu Đường cùng các cộng sự là TS. Trần Bá Việt, Nguyễn Trọng Nghĩa đã cùng nhau nghiên cứu ứng dụng cầu bản trên cọc PRC V + trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
Cầu bản trên cọc PRC V+ là kết cấu cầu được thiết kế theo sơ đồ chịu lực mổ trụ dẻo bằng cọc PRC V+ và dẫm bản V+ bê tông cường độ cao HPC được nghiên cứu, thử nghiệm và phát triển bởi Công ty TNHH Hòa Bình.
Sau khi nghiên cứu triển khai thiết kế, Công ty TNHH Hòa Bình đã lựa chọn xây dựng thử nghiệm 1 đoạn tuyến nằm trong khu phi thuế quan Xuân Cầu - Hải Phòng (tuyến D3A), khu vực này đủ không gian để huy động thiết bị thi công, thử tải thí nghiệm đo đạc đánh giá các chi tiêu thiết kế của công trình làm căn cứ hoàn chỉnh, tối ưu thiết kế và kiến nghị áp dụng cho các dự án xây dựng cầu trên đường ô tô và đường cao tốc. Dự án được thi công và hoàn thành tháng 4/2024 do Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng nhà ở xã hội Hòa Bình thực hiện.
|
Hình ảnh 1 đoạn tuyến nằm trong khu phi thuế quan Xuân Cầu - Hải Phòng (tuyến D3A) đã hoàn thành. |
Sau đó, Bộ Giao thông vận tải đã thành lập tổ tư vấn đánh giá giải pháp đầu tư xây dựng do Công ty TNHH Hòa Bình đề xuất. Bộ đã đánh giá cao giải pháp cầu cạn cho các dự án xây dựng công trình giao thông có nhiều ưu điểm như thi công nhanh, thân thiện với môi trường. Bộ Giao thông vận tải đã kiến nghị đề xuất áp dụng giải pháp cầu bản trên cọc trên quy mô lớn (đường cao tốc) cần phải có sự nghiên cứu một cách toàn diện về giải pháp cũng như cấu tạo chi tiết, đáp ứng các tiêu chuẩn hiện hành và đảm bảo hiệu quả kinh tế khi áp dụng.