KTS Trần Khánh Trung - Giám đốc Công ty TTT Architects cho rằng: Trong công trình xây dựng, phát thải carbon chiếm 60% ở bê tông và gạch. Làm thế nào để giảm thiểu phát thải carbon khi trên thực tế nhiều công trình đã không tính toán phần thiết bị để tiết kiệm năng lượng? Cho nên, thay vì thiết bị phải “chạy theo” vòng đời của công trình thì công trình lại chạy theo vòng đời của thiết bị. Trong khi vòng đời của thiết bị chỉ hơn chục năm mà vòng đời của công trình ít nhất cũng 60 - 70 năm. Điều này thường xảy ra ở các công trình xây dựng xong rồi mới tính đến việc mua thiết bị về lắp đặt.
"Không chỉ có vậy, phát thải carbon ở bê tông và gạch còn ở việc nhiều căn hộ mẫu trong các dự án bất động sản bị đập bỏ ngay khi dự án bán xong hoặc xây xong. Còn về nhà ở tư nhân, tư duy của nhiều người là nhà mình đã to hơn nhà hàng xóm chưa mà không bao giờ cân nhắc đến việc nhà mình đã giảm phát thải hay chưa. Nên việc nhà xây sau phải cố to hơn nhà xây trước khá phổ biến", KTS Trần Khánh Trung nêu quan điểm.
"Thay đổi cách nghĩ là điều không dễ, nhưng hãy bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất", theo KTS Trần Khánh Trung. Công ty của ông đã tiết giảm diện tích sử dụng trong thiết kế văn phòng chỉ 5m2/người thay vì 8m2/người. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu hướng “văn phòng hội tụ” hiện nay.
PGS. TS Nguyễn Hạnh Nguyên - Phó Viện trưởng Viện ICDB (Đại học Nguyễn Tất Thành) nêu ý kiến: Đưa vật liệu thành hệ thống chất liệu, trong đó có phân loại chất liệu và vật liệu. Đá, gỗ và kính là 3 loại vật liệu cơ bản trong thiết kế nội ngoại thất. Trong đó, thiết kế không gian cảnh quan rất quan trọng, gỗ thay thế cho kim loại và bê tông đã được sử dụng trong nhiều công trình. Sử dụng hiệu quả các nguồn nguyên liệu thiên nhiên, kết hợp với chất liệu tạo nên chúng sẽ đạt được những hiệu quả cao về giảm phát thải carbon.
Ông Phan Bá Thông - Chuyên gia kiến trúc đến từ Singapore chia sẻ: Con người đã nhận biết tác hại của việc tác động vào thiên nhiên trong nhu cầu về cuộc sống. Những đồ dùng hàng ngày như bàn, tủ, giường, ghế, điện thoại, TV, máy tính… đều có thể phát thải carbon, nhưng gần như chúng ta đều không biết hoặc không để ý đến “dấu ấn” của carbon trên những vật dụng đó.
Chúng ta cũng không khó để bắt gặp việc giảm phát thải carbon ở xung quanh bằng những chi tiết nhỏ như muỗng, thìa trong khách sạn dùng bằng gỗ, tay vịn trong thang cuốn của hãng Schinler bằng gỗ, hoặc rộng hơn có thể kể đến hãng Apple đã cho ra mắt những dòng sản phẩm tiến tới trung hòa carbon vào năm 2030. Mỗi mẫu Apple Watch trung hòa carbon cần đáp ứng đủ những tiêu chuẩn nghiêm ngặt: 100% điện sạch trong quá trình sản xuất và sử dụng sản phẩm, 30% trọng lượng là vật liệu tái chế hoặc tái tạo và 50% quá trình vận chuyển không sử dụng vận tải hàng không. Tất cả nỗ lực này giúp giảm 75% lượng phát thải trong sản phẩm cho từng mẫu máy. Hiện Apple đã giảm được hơn 45% tổng lượng khí thải kể từ năm 2015.
KTS Trần Thanh Vũ - Nhà sáng lập EDEEC cho biết: Công ty đã thực hiện một số mô hình tiết kiệm năng lượng. Để thuyết phục người dùng thì buộc phải tính toán, đưa ra số liệu và thuyết phục họ trước, trong đó việc tăng tối cao hiệu quả năng lượng của tòa nhà là rất cần thiết. Thiết kế hệ thống điều hòa hiệu suất cao khó khăn hơn nhiều so với việc thiết kế kiến trúc. Ví dụ, nếu nhiệt độ ở mức 490C là thiết bị dàn nóng của Daikin sẽ dừng hoạt động.
Trong khi đó, thiết kế cơ điện thường không quan tâm đến hiệu quả mà làm theo cách thông thường, cứ thiết kế, xây dựng xong lắp điều hòa vào nên sẽ may rủi trong thiết kế năng lượng. Vì thế, đòi hỏi phải có chuyên ngành riêng để thiết kế năng lượng mới tiến tới Net-zero.
Hơn nữa, muốn thực hiện Net-zero, cần tập trung giảm sử dụng năng lượng vận hành, sản xuất vật liệu, vận chuyển.
"Chúng tôi đã tiếp cận và nghiên cứu về cách mà Việt Nam phát triển công trình xanh (CTX), trong đó các dự án mà tổ chức phi chính phủ chỉ tập trung hỗ trợ Bộ Xây dựng giảm năng lượng vận hành, chưa hỗ trợ phát triển CTX", KTS Trần Thanh Vũ cho biết.
Cũng theo KTS Trần Thanh Vũ, trong 15 năm qua, Việt Nam có 400 công trình xanh, nhưng hiện nay việc cấp phép chưa phải nộp kèm tiêu chuẩn về CTX theo quy chuẩn 09 của Bộ Xây dựng.
Được hoàn thành năm 2019, nhà máy Jakob Bình Dương là một trong những mô hình nhà máy Net-zero hóa chuẩn mực tại Việt Nam, với việc giảm tối đa diện tích chiếm đất, nhà máy có lõi thiên nhiên ở giữa, tạo ra cấu trúc phù hợp với khí hậu địa phương. Chỉ đóng ở khu vưc sản xuất, văn phòng, bếp ăn, còn lại là khu vực mở, để thông gió tự nhiên và đưa gió mát vào khu vực nóng. Với thiết kế như vậy, nhà máy chỉ cần phải trả 10% chi phí vận hành công trình từ việc tiết giảm và sử dụng năng lượng tuần hoàn trong tòa nhà.
Với chủ đề “quy hoạch xanh cho tương lai bền vững”, ông Nguyễn Mạnh Bình San - Nhà sáng lập Viện Sáng tạo Nghệ thuật Kiến trúc Cảnh quan chia sẻ: "Mô hình Làng Nhỏ (huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) được chúng tôi xây dựng thành khu nghỉ dưỡng thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa nông thôn, dân dã với những ngôi nhà nằm dưới tán cây. Nơi đây cũng trở thành địa điểm đào tạo học viên về thiết kế cảnh quan. Điểm khác biệt là các học viên học và thực hành liên tục ở trong rừng, cách ly khỏi sự ồn ào của thành phố, sự sáng tạo trong thiết kế đi cùng với những cảm nhận và trải nghiệm giữa thiên nhiên".
Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net-zero) vào năm 2050.
Thực hiện mục tiêu này, Chính phủ đã đưa ra ba chiến lược chuyển đổi chính là: Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính; hoàn thiện thể chế, nguồn lực.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg ngày 13/8/2024, chính thức ban hành danh mục cập nhật các lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê.
Quyết định có hiệu lực từ ngày 01/10/2024, yêu cầu các cơ sở phát thải khí nhà kính sẽ bắt đầu thực hiện kiểm kê khí nhà kính từ năm 2025. Danh mục bao gồm 2.166 cơ sở, thuộc 6 lĩnh vực phát thải chủ yếu.