Ảnh minh họa
Mục tiêu của Đề án là đến năm 2020 sẽ tập chung nâng cao năng suất và chất lượng của 4 nhóm VLXD gồm xi măng, vật liệu ốp lát, sứ vệ sinh và kính xây dựng. Tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất và chất lượng của các sản phẩm hàng hóa chủ lực, khả năng cạnh tranh của các doang nghiệp sản xuất VLXD, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành xây dựng nói riêng và kinh tế - xã hội của đất nước nói chung.
Tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hành hóa ngành sản xuất VLXD. Lập quy hoạch, kế hoạch xây dựng Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) cho các nhóm sản phẩm chủ lực đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực.
Cụ thể, với ngành sản xuất xi măng sẽ xây dựng mới 5 tiêu chuẩn, soát xét 23 tiêu chuẩn hiện có phù hợp với khu vực và thế giới; 58 nhà máy thực hiện ISO 9001:2015 hoặc hệ thống quản lý tương ứng; 46 nhà máy thực hiện ISO 14001:2015 hoặc hệ thống quản lý tương ứng; và 25 nhà máy thực hiện đề án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. 100% nhà máy được cấp giấy phép khai thác mỏ thực hiện hoàn thổ phục hồi môi trường theo quy định.
Ngành sản xuất vật liệu ốp lát sẽ xây dựng mới 9 tiêu chuẩn, soát xét 19 tiêu chuẩn có phù hợp với khu vực với thế giới. Phấn đấu 83 nhà máy thực hiện ISO 9001:2015 hoặc hệ thống quản lý chất lượng tương ứng; 66 nhà máy thực hiện ISO 14001:2015 hoặc hệ thống quản lý môi trường tương ứng. Ngành sản xuất sứ vệ sinh cũng sẽ xây dựng 23 tiêu chuẩn và soát xét 5 tiêu chuẩn có phù hợp với khu vực và thế giới.
Ngành sản xuất kính xây dựng sẽ cho xây dựng mới 9 tiêu chuẩn, soát xét 31 tiêu chuẩn hiện có phù hợp với khu vực và thế giới; 9 nhà máy thực hiện ISO 9001:2015 hoặc hệ thống quản lý chất lượng tương ứng; 7 nhà máy thực hiện ISO 14001:2015 hoặc hệ thống quản lý môi trường tương ứng; và có 4 nhà máy thực hiện đề án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, cũng nghiên cứu các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, sử dụng nhiên liệu thay thế, các giải pháp thu hồi năng lượng, giảm tiêu thụ năng lượng; các giải pháp giảm khí thải nhà kính, hạn chế tác động với môi trường; đánh giá nhu cầu và khả năng đáp ứng nhãn xanh cho 4 nhóm hàng hóa nói trên.
Kinh phí thực hiện Đề án được huy động từ các nguồn kinh phí được cấp từ Chương trình quốc gia “Nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, kinh phí sự nghiệp khoa học, kinh phí sự nghiệp kinh tế, môi trường; kinh phí của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.