Nam Định: Vì sao doanh nghiệp chưa tích cực chuyển đổi sản xuất gạch không nung ?
Tin tức - Sự kiện 10:30 - 09/01/2019
Chuyển đổi mô hình sản xuất từ gạch nung sang gạch không nung là xu thế tất yếu của các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, tuy nhiên khi thực hiện lộ trình chuyển đổi từ gạch nung truyền thống sang gạch không nung, các doanh nghiệp tỉnh Nam Định gặp rất nhiều khó khăn do vướng mắc về cơ chế, chính sách cũng như chi phí đầu tư, tiêu thụ sản phẩm...
Sản xuất gạch tuynel tại Công ty cổ phần An Đồng, Thị trấn Ngô Đồng (H. Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định).
Chuyển đổi mô hình sản xuất từ gạch nung sang gạch không nung là xu thế tất yếu của các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh bởi tất cả đều nhận thức rõ những hệ lụy từ việc sản xuất gạch nung. Trong nhiều năm nay, Nam Định không ngừng tuyên truyền, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng nghiêm túc thực hiện lộ trình xóa bỏ hoàn toàn lò gạch thủ công của Chính phủ. Tuy nhiên khi thực hiện lộ trình chuyển đổi từ gạch nung truyền thống sang gạch không nung, các doanh nghiệp của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn do vướng mắc về cơ chế, chính sách cũng như chi phí đầu tư, tiêu thụ sản phẩm...
Để gạch không nung trở thành vật liệu xây dựng chính trong các công trình trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh cần sớm ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích sử dụng vật liệu xây không nung phù hợp với đặc thù địa phương. Kiến nghị các bộ, ngành Trung ương nhanh chóng bổ sung quy định các tiêu chuẩn của sản phẩm gạch không nung, hướng dẫn kỹ thuật thi công với gạch bê tông, định mức sử dụng gạch không nung; siết chặt các chế tài đối với các đơn vị vi phạm về sản xuất, kinh doanh, sử dụng gạch không nung trong các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Hiện tại trên địa bàn tỉnh Nam Định có 28 cơ sở sản xuất gạch nung sử dụng lò tuynel với 31 dây chuyền đạt công suất thiết kế 582 triệu viên/năm, giải quyết việc làm cho gần 3.000 lao động. Sản lượng gạch nung tuynel đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu xây dựng trong tỉnh khiến cho gạch không nung gần như “lép vế”. Đa phần các lò gạch tuynel đều mới được đầu tư từ năm 2010, 2011 theo hướng đồng bộ, tổng vốn đầu tư lớn, lại chưa đủ thời gian thu hồi vốn nên các doanh nghiệp rất khó chuyển đổi sang loại hình sản xuất khác. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu sản xuất gạch chủ yếu là đất sét đã được các doanh nghiệp tích trữ còn tồn đọng số lượng lớn nên các doanh nghiệp chưa mặn mà chuyển đổi đầu tư sang sản xuất gạch không nung.
Anh Vũ Mạnh Trường, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Hòa Phát, Cụm công nghiệp An Xá (Thành phố Nam Định) cho biết, do đã có thương hiệu hệ thống nhà xưởng, quan hệ khách hàng, kinh nghiệm quản lý bán hàng, toàn bộ nguồn nhân lực đã đào tạo cơ bản, quen việc từ sản xuất vật liệu xây dựng truyền thống trước đây nên công ty khá thuận lợi khi chuyển đổi từ sản xuất gạch nung sang gạch không nung. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải đầu tư dây chuyền sản xuất mới với chi phí khá lớn, từ 10-12 tỷ đồng và phải mất tối thiểu 3 năm để thâm nhập thị trường, thay đổi thói quen sử dụng gạch nung truyền thống của người dân. Ngoài ra, nguồn nguyên liệu để chuyển đổi sang sản xuất gạch không nung cũng khiến các doanh nghiệp phải cân nhắc do phải gánh thêm chi phí vận chuyển dẫn đến giá thành phẩm cao.
Trên địa bàn tỉnh không có nguồn cát vàng, chủ yếu chỉ có cát đen dùng cho san lấp và xây trát, vì vậy để sản xuất gạch không nung các doanh nghiệp đều phải nhập thêm cát từ các địa phương khác như Vĩnh Phúc, Việt Trì…; nguyên liệu đá xây dựng và xi măng phải nhập từ Ninh Bình và Hà Nam. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ gạch không nung khá ảm đạm cũng khiến nhiều doanh nghiệp còn chần chừ ngại đầu tư dây chuyền sản xuất mới này. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất gạch không nung trên địa bàn tỉnh, bao gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn Hòa Phát (Cụm công nghiệp An Xá), Công ty cổ phần Vật liệu không nung 567 (Khu công nghiệp Hoà Xá), Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phan Quân (Cụm công nghiệp Thị trấn Cổ Lễ - Trực Ninh) mới chỉ hoạt động 40-50% công suất thiết kế. Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Việt Cường (Cụm công nghiệp Hải Phương) chỉ đầu tư hơn 2 tỷ đồng lắp đặt dây chuyền thử nghiệm sản xuất gạch không nung với công suất 18 nghìn viên/ngày.
Công ty cổ phần Công nghiệp Thương mại Giao Thủy ở xã Hồng Thuận (Giao Thủy) thì “kêu trời” do lượng tiêu thụ các sản phẩm đã sản xuất ra cực kỳ “khiêm tốn”. Ban đầu, công ty dự định sẽ xây dựng nhà máy sản xuất gạch xi măng cốt liệu với công suất 15-20 triệu viên/năm và tiến tới sản xuất vật liệu bê tông khí chưng áp (gạch nhẹ) với công suất 60 nghìn m3/năm. Tuy nhiên, hiện công ty đã phải dừng sản xuất dây chuyền này do tiêu thụ quá chậm, thị trường còn khá eo hẹp chưa thể cạnh tranh với gạch tuynel.
Hiện tại, sản phẩm gạch không nung của công ty mới chỉ được sử dụng trong một vài công trình nhỏ lẻ trên địa bàn huyện. Ngoài ra, thị trường gạch không nung còn chưa chiếm được lòng tin của khách hàng bị “lũng đoạn” bởi dòng sản phẩm kém chất lượng của các cơ sở sản xuất thủ công với công nghệ lạc hậu, sản phẩm không được kiểm định chứng nhận hợp quy theo tiêu chuẩn quốc gia. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp muốn tham gia sản xuất gạch không nung nhưng không thể tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi vì có những cơ chế chính sách ưu đãi đã ban hành nhưng mới chỉ dừng ở “vĩ mô” chưa hướng dẫn cụ thể