HIỂU ĐÚNG VỀ GIỚI HẠN CHỊU LỬA TRONG QUI CHUẨN AN TOÀN CHÁY
Tiêu chuẩn 03:17 - 12/09/2022
Trong lĩnh vực an toàn cháy, chỉ số về giới hạn chịu lửa-thuật ngữ REI là một khái niệm phổ biến, rất được các chủ đầu tư và cơ quan chức năng quan tâm. Vậy chỉ số REI là gì, áp dụng cho khối xây hay cho vật liệu cấu thành nên khối xây, … là những câu hỏi nhiều người quan tâm tìm hiểu.
Chỉ số REI là khả năng chống cháy (giới hạn chịu lửa) của một cấu kiện, được xác định theo 3 tiêu chí: Tính ổn định (khả năng chịu tải), tính toàn vẹn (không nứt gãy, bể vỡ) và khả năng cách nhiệt (không cháy lan).
R (Load-Bearing): Tải trọng chịu lực. Khả năng bảo tồn đặc tính cơ học và chịu tải có liên quan trong một đám cháy thông thường.
E (Integrity): Tính toàn vẹn. Là giới hạn mà tại đó cấu kiện vẫn được duy trì toàn vẹn mà không bị nứt gãy, bể vỡ, …
I (Thermal Insulation): Khả năng cách nhiệt. Là giới hạn mà tại đó, cấu kiện vẫn giữ được khả năng ngăn cháy lan.
Chỉ sô chống cháy REI là khoảng thời gian tính từ khi bắt đầu thí nghiệm chịu lửa theo chế độ gia nhiệt tiêu chuẩn cho đến khi cấu kiện bắt đầu xuất hiện một hoặc nhiều dấu hiệu mất khả năng chịu tải, tính toàn vẹn, chống cháy lan. REI được biểu thị bằng phút, thường là 30, 60, 90, 120, 150,… Theo qui định an toàn cháy trong xây dựng cho từng loại công trình và yêu cầu của chủ đầu tư (không thấp hơn so với qui định), đơn vị tư vấn thiết kế lựa chọn chỉ REI thích hợp.
REI và qui định kỹ thuật về an toàn cháy trong xây dựng- QCVN 06/BXD.
Thử nghiệm giới hạn chịu lửa của tường gạch
Trong lĩnh vực xây dựng, năm 2010, Bộ xây dựng đã ban hành QCVN 06/BXD về các Qui chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình, sau đó là bản chỉnh sửa năm 2020, 2021.
Phân loại kỹ thuật về cháy được nêu rõ trong phần 2 của QCVN 06:2021/BXD. Chi tiết chỉ số REI cho từng loại tường xây (bao gồm cả cấu kiện chịu lực và cấu kiện không chịu lực) được nêu trong phụ lục F-Giới hạn chịu lửa danh định của một số cấu kiện kết cấu của QCVN 06:2021/BXD.
Theo mục 2.2 của QC 06:2021/BXD, Vật liệu xây dựng (VLXD) được phân loại theo Tính nguy hiểm cháy, mà không phân loại theo tính chịu lửa. Còn cấu kiện xây dựng (tường xây) được phân loại theo cả Tính nguy hiểm cháy và Tính chịu lửa. Trong đó, tính chịu lửa đặc trưng bằng giới hạn chịu lửa: chỉ số REI.
Một số vật liệu xây dựng sau được xếp vào nhóm vật liệu không cháy: các vật liệu vô cơ nói chung, như bê tông, gạch bê tông, đất sét nung, gốm, kim loại, vữa trát, …
Có thể thấy rằng, REI (hoặc EI) là chỉ số giới hạn chịu lửa chỉ áp dụng cho các cấu kiện xây dựng, không áp dụng cho các vật liệu xây dựng như gạch, vữa, …
Thực tế áp dụng chỉ số REI trong công tác xây dựng
Không phải lúc nào các qui định và ý nghĩa của REI cũng được hiểu và áp dụng một cách đúng đắn. Trên thực tế, nhà cung cấp vật liệu thường được yêu cầu cung cấp chứng chỉ thử nghiệm giới hạn chịu lửa của vật liệu, trong khi theo đúng qui định thì chứng chỉ cấp cho khối xây. Mặt khác, chi phí thử nghiệm giới hạn chịu lửa thường bị bỏ sót, không đưa vào trong dự toán của công trình. Giải pháp cho việc này là các đơn vị tư vấn thiết kế nên đưa chi phí thử nghiệm vào dự toán. Đối với các công trình không có dự toán, các bên nên bàn bạc, thỏa thuận trước để tránh phát sinh về sau.
Ngân Hà